Doanh nghiệp

10 công ty con kinh doanh kém hiệu quả, lỗ lũy kế 6.700 tỷ đồng, Vicem nói gì?

Huy Hoàng 18/11/2024 14:48

Thanh tra Bộ Tài chính yêu cầu Vicem rà soát và đánh giá các khoản đầu tư vào những doanh nghiệp hoạt động kém hiệu quả.

Thanh tra Bộ Tài chính vừa công bố kết luận thanh tra tại Tổng Công ty Xi măng Việt Nam (Vicem). Trước đó, vào tháng 7, Bộ Tài chính đã quyết định thanh tra việc chấp hành pháp luật về tài chính, kế toán và thuế tại Tổng Công ty Xi măng Việt Nam và 3 công ty con.

Theo báo cáo, 10 công ty con sản xuất xi măng của Tổng công ty hoạt động với hiệu quả thấp, trong đó nhiều đơn vị lỗ lớn trong năm 2023. Tổng lỗ lũy kế của các công ty này lên tới 6.702 tỷ đồng.

Lý giải nguyên nhân, Vicem cho biết mức lỗ chủ yếu đến từ 3 công ty nhận bàn giao phần vốn Nhà nước từ địa phương hoặc doanh nghiệp khác thuộc Bộ Xây dựng (CTCP Xi măng Hạ Long, Công ty TNHH MTV Xi măng Vicem Tam Điệp, Công ty Cổ phần Xi măng Vicem Sông Thao), với tổng lỗ lũy kế đến cuối năm 2023 là 6.341 tỷ đồng, tại thời điểm bàn giao, số lỗ đã ở mức 4.070 tỷ đồng.

10 công ty con kinh doanh kém hiệu quả, lỗ lũy kế 6.700 tỷ đồng, Vicem nói gì?
Tổng lỗ lũy kế tại 10 công ty con của Vicem lên tới 6.702 tỷ đồng

Trong đó, CTCP Xi măng Hạ Long, nhận chuyển giao từ Tổng công ty Sông Đà vào năm 2016, ghi nhận lỗ lũy kế 3.640 tỷ đồng tại thời điểm bàn giao và đến cuối năm 2023 tăng lên 4.902 tỷ đồng.

Công ty TNHH MTV Xi măng Vicem Tam Điệp, nhận chuyển giao từ UBND tỉnh Ninh Bình vào năm 2001, lỗ lũy kế 1.126 tỷ đồng vào cuối năm 2023.

CTCP Xi măng Vicem Sông Thao, nhận chuyển giao từ Tổng công ty Đầu tư Phát triển Nhà và Đô thị (HUD) năm 2017, lỗ 430,4 tỷ đồng tại thời điểm chuyển giao và đến cuối năm 2023 lỗ lũy kế còn 312 tỷ đồng.

Ngoài ra, Tổng công ty lý giải thêm sản lượng tiêu thụ xi măng và xuất khẩu clinker giảm sút nghiêm trọng, dẫn đến tồn kho tăng cao, buộc nhiều nhà máy phải dừng lò nung, giảm công suất. Năm 2023, sản lượng clinker của 10 công ty thành viên chỉ đạt 16,5 triệu tấn, bằng 78,2% công suất thiết kế tối đa; sản lượng xi măng đạt hơn 20 triệu tấn, tương ứng 67,7% công suất tối đa.

Do sản lượng tiêu thụ giảm, định phí tính trên một đơn vị sản phẩm tăng cao, với mức tăng trung bình 99.049 đồng/tấn, đẩy giá thành toàn bộ bình quân trên một đơn vị sản phẩm lên đáng kể. Thêm vào đó, giá bán clinker và xi măng không tăng, thậm chí một số sản phẩm còn thấp hơn giá thành. Các công ty cũng chịu áp lực lớn từ chi phí lãi vay do đầu tư chủ yếu bằng vốn vay, trong khi biến động tỷ giá tiếp tục gây phát sinh lỗ tài chính từ chênh lệch tỷ giá... Những điều này đã tác động tiêu cực đến hoạt động kinh doanh tại các công ty con của Vicem.

Trước những vấn đề này, Thanh tra Bộ Tài chính yêu cầu Vicem rà soát và đánh giá lại toàn bộ các khoản đầu tư vào những doanh nghiệp hoạt động kém hiệu quả. Vicem cần chỉ đạo người đại diện phần vốn góp tại các công ty này kiến nghị với Hội đồng thành viên (HĐTV) và Hội đồng quản trị (HĐQT) để xây dựng phương án cụ thể nhằm khắc phục khó khăn tài chính và xử lý lỗ lũy kế kéo dài.

Bên cạnh đó, Thanh tra cũng yêu cầu Vicem khẩn trương xem xét, quyết định thực hiện giám sát tài chính phù hợp với các công ty có dấu hiệu mất an toàn tài chính.

>>Thanh tra Bộ Tài chính: Nhiều khoản đầu tư của Vicem tiềm ẩn rủi ro mất vốn, phải trích lập dự phòng 3.000 tỷ

Vicem và 3 công ty con bị thanh tra yêu cầu nộp bổ sung ngân sách Nhà nước gần 12 tỷ đồng

Thanh tra Bộ Tài chính: Nhiều khoản đầu tư của Vicem tiềm ẩn rủi ro mất vốn, phải trích lập dự phòng 3.000 tỷ

Theo Kiến thức Đầu tư
https://dautu.kinhtechungkhoan.vn/10-cong-ty-con-kinh-doanh-kem-hieu-qua-lo-luy-ke-6700-ty-dong-vicem-noi-gi-260676.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
    Nổi bật Tỷ giá mới
    10 công ty con kinh doanh kém hiệu quả, lỗ lũy kế 6.700 tỷ đồng, Vicem nói gì?
    POWERED BY ONECMS & INTECH