Để đảm bảo bình ổn giá xăng, Chính phủ Malaysia đã đồng ý xuất sang Việt Nam 300.000 lít xăng RON 95, tuy nhiên hiện nay vẫn chưa triển khai được nhiều.
Ngày 2/6, tại hội thảo "Xúc tiến xuất khẩu với thị trường Malaysia và các nước Hồi giáo" do Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư TP. HCM (ITPC) tổ chức, ông Trần Việt Thái, Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Việt nam tại Malaysia cho biết, Thương vụ Việt Nam tại Malaysia sẵn sàng hỗ trợ, kết nối doanh nghiệp Việt nhập khẩu xăng dầu của Malaysia để ổn định thị trường trong nước.
Theo ông Thái, giá xăng tại Việt Nam đã là 31.573 đồng/lít trong khi xăng RON 95 tại Malaysia rất ổn định, giá hiện tại chỉ 13.000 đồng/lít. "Để đảm bảo bình ổn giá xăng, Chính phủ Malaysia đã đồng ý xuất sang Việt Nam 300.000 lít xăng RON 95, tuy nhiên hiện nay vẫn chưa triển khai được nhiều" – ông Thái nói.
Cũng theo Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Việt nam tại Malaysia Trần Việt Thái, Malaysia là đối tác lớn trong lĩnh vực xăng dầu và khí hóa lỏng. Để bình ổn giá xăng, kiểm soát lạm phát, nếu các doanh nghiệp Việt Nam quan tâm có thể liên hệ Thương vụ Việt Nam tại Malaysia, Đại sứ quán thương vụ sẵn sàng hỗ trợ các doanh nghiệp kết nối, cơ hội hợp tác trong lĩnh vực này – ông Thái nói thêm.
Tại hội thảo, các chuyên gia đánh giá, cơ hội để hàng Việt xuất khẩu vào Malaysia và các nước Hồi giáo rất lớn. Cụ thể, kể từ cuộc xung đột giữa Nga - Ukraina xảy ra, việc xuất khẩu bột mì từ các quốc gia này sang Malaysia bị gián đoạn, ảnh hưởng nghiêm trọng đến nguồn an ninh lương thực của Malaysia. Do đó, Chính phủ Malaysia đã đồng ý cho tăng nhập khẩu gạo từ Việt Nam từ 520.000 tấn/năm lên 700.000 tấn/năm (tăng 180.000 tấn), đặt ra nhiều cơ hội xuất khẩu gạo cho Việt Nam.
Bà Kelly Lương Huệ Hiền, Giám đốc Công ty Beyond World – đơn vị chuyên kết nối doanh nghiệp Việt với Malaysia cho rằng, các doanh nghiệp cần có kiến thức, thông tin cần thiết trước khi xâm nhập thị trường Malaysia cũng như các nước Hồi giáo. "Dư địa của thị trường Hồi giáo rất lớn, chúng ta cần có những chuyến đi khảo sát thực tế để qua đó, giới thiệu các mẫu sản phẩm đến tay người tiêu dùng, các hệ thống siêu thị, nhà phân phối lớn tại Malaysia" – bà Huệ Hiền cho biết.
Tuy nhiên, các chuyên gia cũng lưu ý hàng Việt Nam xuất khẩu vào Malaysia cần có chứng chỉ Halal (chứng nhận sản phẩm không có chất cấm); xây dựng thương hiệu cao cấp đến người tiêu dùng Malaysia tốt hơn nữa; hệ thống phân phối và marketing phù hợp cũng như đề cao cảnh giác các chiêu lừa trong xuất khẩu.
Ông Trần Phú Lữ, Phó giám đốc ITPC thông tin, nền công nghiệp Halal (ngành công nghiệp cung cấp các sản phẩm và dịch vụ hợp chuẩn cho người Hồi giáo) ở Malaysia năm 2021 đã đạt 3,1 tỷ USD và dự kiến sẽ tăng lên 5 tỷ USD vào 2030, hứa hẹn là một trong những ngành xuất khẩu tiềm năng của Việt Nam tại thị trường này.
Bên cạnh đó, thị trường thực phẩm Halal dành cho người Hồi giáo trên thế giới được đánh giá lên tới 1.500 tỷ USD. Đây cũng được nhận định là thị trường khá "màu mỡ" cho doanh nghiệp Việt Nam. Thế nhưng, năng lực xuất khẩu sản phẩm Halal của Việt Nam còn khá khiêm tốn, mới chỉ đạt khoảng 10,5 tỷ USD trong năm 2021
Tại TP. HCM, kim ngạch xuất khẩu của thành phố 3 tháng đầu năm 2022 sang Malaysia ước đạt 295 triệu USD tăng 150% so với cùng kỳ năm 2021.Tính đến quý I/2022, Malaysia đã có 295 dự án đầu tư vào TP. HCM với tổng số vốn là 4,727 tỷ USD, đứng thứ 6 trên trên tổng số 116 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư vào thành phố.
Giá các mặt hàng lương thực thực phẩm như thịt gà tăng từ 20-40%, do đó Chính phủ Malaysia đã phải ngừng xuất khẩu thịt gà sang một số quốc gia, trong đó có Singapore, dẫn đến nhu cầu thịt gà và nông sản của Singapore tăng lên. Đây cũng là cơ hội để Việt Nam tăng chuỗi cung ứng.