135 tỷ USD cho Quy hoạch điện VIII: Cơ chế nào để thu hút vốn đầu tư?
Theo Bộ KH&ĐT, nhu cầu vốn đầu tư cho thực hiện Quy hoạch điện VIII là rất lớn.
Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) và Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) vừa có văn bản góp ý cho dự thảo Kế hoạch thực hiện Quy hoạch điện VIII. Ba vấn đề lớn hai đơn vị này góp ý gồm: Phát triển nguồn, lưới điện và huy động vốn.
Về vấn đề phát triển nguồn và lưới điện, Bộ KH&ĐT cho rằng, phát triển điện lực luôn phải đảm bảo mục tiêu cung cấp đủ điện cho phát triển kinh tế - xã hội và sinh hoạt của người dân. Tuy nhiên, hiện dự báo nhu cầu điện được lập cho từng năm, nhưng việc lập kế hoạch phát triển nguồn điện, lưới điện lại theo giai đoạn 2021-2025 và 2026-2030.
Do đó, trong trường hợp nếu không xây dựng mục tiêu phát triển các nguồn điện và lưới điện theo từng năm, Bộ này đề nghị Bộ Công thương làm rõ cơ sở xác định cân bằng cung cầu điện, đảm bảo đáp ứng đủ điện hàng năm, quản lý tiến độ của các cơ quan nhà nước, xây dựng kế hoạch sử dụng đất hàng năm.
Đồng quan điểm, EVN cũng đề nghị bổ sung các tính toán cân đối cân bằng cung cầu (bao gồm cân bằng công suất và cân bằng điện năng) theo từng vùng, cho từng năm trong giai đoạn đến 2030.
EVN cũng muốn được tiếp tục đầu tư các dự án lưới điện đang triển khai theo Quy hoạch điện VII điều chỉnh và được bổ sung, hiệu chỉnh trong Quy hoạch điện VIII.
Với các dự án lưới điện xây dựng mới, EVN đề nghị được làm các dự án có tính chất liên kết liên vùng, liên miền, giải tỏa công suất nguồn điện cho EVN và đơn vị thành viên làm chủ đầu tư, cấp điện cho các khu vực phụ tải quan trọng, liên kết với lưới điện nước ngoài. Tiến độ dự kiến đóng điện các công trình này trong giai đoạn 2026-2030.
Quy hoạch điện VIII đề cao việc thu hút tư nhân vào đầu tư lưới điện, Bộ KH&ĐT cho rằng: Cần bổ sung cơ chế giao doanh nghiệp nhà nước triển khai các dự án do nhà nước đầu tư, hoặc lựa chọn nhà đầu tư các dự án xem xét xã hội hóa.
Bộ KH&ĐT cho rằng, đây là vấn đề vướng mắc, đặt ra nhiều rào cản trong việc đảm bảo tiến độ lưới truyền tải.
Chưa đề xuất được cơ chế, chính sách thu hút vốn
Về vấn đề huy động vốn giai đoạn 2021-2030: Ước tính tổng vốn đầu tư phát triển nguồn và lưới điện truyền tải tương đương 134,7 tỷ USD, trong đó, đầu tư cho nguồn điện khoảng 119,8 tỷ USD (trung bình 12,0 tỷ USD/năm), lưới điện truyền tài khoảng 14,9 tỷ USD (trung bình 1,5 tỷ USD/năm).
Giai đoạn 2031-2050: Ước tính nhu cầu vốn đầu tư phát triển nguồn và lưới điện truyền tải tương đương 399,2 – 523,1 tỷ USD, trong đó đầu tư cho nguồn điện khoảng 364,4-511,2 tỷ USD (trung bình 18,2-24,2 tỷ USD/năm), lưới điện truyền tải khoảng 34,8-38,6 tỷ USD (trung bình 1,7-1,9 tỷ USD/năm).
Với ước tính trên, Bộ KH&ĐT nhận định, nhu cầu vốn đầu tư cho thực hiện Quy hoạch điện VIII là rất lớn. Do đó, cần sự tham gia của mọi thành phần kinh tế và đa dạng hóa các nguồn vốn, trong đó có sự hỗ trợ từ các tổ chức tài chính nước ngoài.
Tuy nhiên, theo bộ này, dự thảo Kế hoạch thực hiện Quy hoạch điện VIII của Bộ Công thương chưa đề xuất được các cơ chế, chính sách để thu hút, huy động các nguồn vốn đầu tư. Trong đó, có nguồn vốn xanh từ các tổ chức tài chính nước ngoài nhằm thúc đẩy việc xây dựng, thực hiện các dự án điện sử dụng năng lượng tái tạo, năng lượng xanh.
Bên cạnh đó, cũng chưa có cơ chế lựa chọn chủ đầu tư các dự án điện, để vừa đảm bảo tiến độ của quy hoạch vừa đảm bảo nguyên tắc thị trường.
Ngoài ra, còn thiếu cơ chế thu hút đầu tư xây dựng lưới điện truyền tải trên cơ sở bảo đảm quốc phòng, an ninh... nhằm khuyến khích mọi thành phần kinh tế tham gia đầu tư.
Ngành điện năm 2025: Cơ hội bùng nổ nhờ FDI và Quy hoạch Điện VIII 
Thủ tướng chủ trì hội nghị về tháo gỡ vướng mắc, khó khăn cho các dự án năng lượng tái tạo