Xã hội

2 tỉnh miền Trung được ví như ‘Việt Nam thu nhỏ’, có hơn 3 triệu dân nhưng không thuộc diện sáp nhập

Linh Chi 11/04/2025 12:25

Dù có diện tích và dân số lớn, hai tỉnh này không đề xuất sắp xếp trong giai đoạn hiện tại.

Trong buổi tọa đàm trực tuyến "Sắp xếp tỉnh thành để kiến tạo không gian cho chiến lược phát triển trăm năm" do Báo Dân trí tổ chức ngày 10/4, Bộ Nội vụ đã chia sẻ về việc sáp nhập tỉnh. Đáng chú ý, lãnh đạo Bộ Nội vụ cho biết quá trình xây dựng đề án sáp nhập tỉnh thực hiện vừa khẩn trương nhưng cũng rất cẩn trọng, cân nhắc.

Tiêu chí sáp nhập không phải chỉ là diện tích, dân số

Theo thông tin từ Vietnam+, ông Phan Trung Tuấn – Vụ trưởng Vụ Chính quyền địa phương (Bộ Nội vụ) – cho biết, Dự thảo Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc sắp xếp đơn vị hành chính đề xuất 11 tỉnh tạm thời không nằm trong diện điều chỉnh. Quyết định này dựa trên nhiều yếu tố, trong đó diện tích và dân số chỉ là tiêu chí sơ khởi, không mang tính quyết định. Mục tiêu cốt lõi là mở rộng không gian phát triển và tạo dư địa thuận lợi cho tương lai. Ngoài ra, các yếu tố như quốc phòng, an ninh, phát triển kinh tế, địa lý, văn hóa và quy hoạch vùng cũng được cân nhắc kỹ lưỡng.

 2 tỉnh miền Trung được ví như ‘Việt Nam thu nhỏ’, có hơn 3 triệu dân nhưng không thuộc diện sáp nhập - ảnh 1
Thị xã Hoàng Mai là một trong những trọng điểm phát triển trong vùng Nam Thanh - Bắc Nghệ. Ảnh: Sỹ Minh/Báo Nghệ An

Ông Tuấn dẫn ví dụ về hai tỉnh Thanh Hóa và Nghệ An. Theo Thông tin từ Cổng thông tin điện tử tỉnh Nghệ An, tỉnh này có diện tích 16.489,97km2. Về dân số năm 2022 là 3.419.989 người. Trong khi đó, Thanh Hóa có diện tích 11.133,4km2 và số dân 3.712.600 người.

Dù có diện tích dân số lớn, hai tỉnh này không đề xuất sắp xếp trong giai đoạn hiện tại. Với đặc điểm địa hình đa dạng từ miền núi, đồng bằng, ven biển đến biên giới, có cả sân bay, cảng biển và đường cao tốc, hai địa phương này được ví như "Việt Nam thu nhỏ", có tiềm lực lớn để thúc đẩy sự phát triển vùng Bắc Trung Bộ.

Ông cũng nhấn mạnh quan điểm của Tổng Bí thư về việc cần tổ chức lại đội ngũ cán bộ chính quyền từ cấp cơ sở đến Trung ương, song song với việc tinh gọn bộ máy. Chính quyền không chỉ chờ người dân tìm đến, mà phải chủ động tiếp cận, nắm bắt tâm tư, nguyện vọng để đề xuất chính sách phù hợp và kịp thời hỗ trợ người dân, tổ chức, doanh nghiệp.

Lợi thế đặc biệt của Thanh Hóa và Nghệ An

Thanh Hóa và Nghệ An là hai tỉnh có diện tích lớn, dân số đông trong cả nước, đồng thời mang ý nghĩa chiến lược về lịch sử và địa chính trị khi từng là phên dậu vững chắc của Tổ quốc. Vị trí địa lý gần gũi, truyền thống tương đồng cùng lợi ích phát triển gắn bó đã tạo nên mối quan hệ hợp tác bền chặt, toàn diện và hiệu quả giữa hai địa phương, từ quá khứ đến hiện tại.

 2 tỉnh miền Trung được ví như ‘Việt Nam thu nhỏ’, có hơn 3 triệu dân nhưng không thuộc diện sáp nhập - ảnh 2
Thành phố Thanh Hóa. Ảnh: Internet

Khu vực Bắc Trung Bộ, đặc biệt là Thanh Hóa và Nghệ An, giữ vai trò trọng yếu trong phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng. Bên cạnh lợi thế tự nhiên, hai tỉnh còn sở hữu kho tàng văn hóa phong phú, với nhiều di sản vật thể và phi vật thể có giá trị. Hàng ngàn di tích lịch sử phân bố dày đặc, đa dạng về loại hình và quy mô, phản ánh chiều sâu văn hóa và truyền thống cách mạng kiên cường của người dân nơi đây, tiêu biểu như Thành Nhà Hồ, cầu Hàm Rồng, thành cổ Vinh hay Khu di tích Kim Liên...

Việc phát triển hạ tầng, tăng cường kết nối giao thông, thu hút đầu tư và hợp tác du lịch đang trở thành điểm nhấn trong quan hệ phát triển giữa hai tỉnh. Đặc biệt, sự phối hợp trong triển khai các dự án hạ tầng liên vùng, như các khu kinh tế ven biển trọng điểm – Khu kinh tế Nghi Sơn (Thanh Hóa) và Khu kinh tế Đông Nam (Nghệ An) – được xác định là động lực thúc đẩy liên kết vùng.

 2 tỉnh miền Trung được ví như ‘Việt Nam thu nhỏ’, có hơn 3 triệu dân nhưng không thuộc diện sáp nhập - ảnh 3
Cửa Lò (Nghệ An) về đêm. Ảnh: Internet

Cả hai tỉnh đều sở hữu các tuyến giao thông huyết mạch như Quốc lộ 1A, cao tốc Bắc – Nam, đường Hồ Chí Minh và tuyến ven biển. Đây là lợi thế quan trọng để tăng cường giao thương giữa ba tỉnh ven biển, đồng thời mở ra tiềm năng phát triển không gian kinh tế biển trong khu vực.

>>Thành phố trực thuộc Trung ương trẻ nhất Việt Nam dự kiến sáp nhập giảm 50% số lượng đơn vị hành chính

Sáp nhập các địa phương: Vịnh Hạ Long và các Khu du lịch Sa Pa, Mộc Châu, Mũi Né… sẽ được gọi như thế nào?

Hệ số lương của cán bộ, công chức xã 2025 tính thế nào sau sáp nhập?

Theo Thị trường tài chính
https://thitruongtaichinh.kinhtedothi.vn/kien-thuc/2-tinh-mien-trung-duoc-vi-nhu-viet-nam-thu-nho-co-hon-3-trieu-dan-nhung-khong-thuoc-dien-sap-nhap-140202.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
    Nổi bật Tỷ giá mới
    2 tỉnh miền Trung được ví như ‘Việt Nam thu nhỏ’, có hơn 3 triệu dân nhưng không thuộc diện sáp nhập
    POWERED BY ONECMS & INTECH