Tài chính Ngân hàng

3/4 ngân hàng bị kiểm soát đặc biệt đồng loạt đổi tên thành ngân hàng số: Vì sao?

Lâm Anh 21/02/2025 13:44

DongA Bank đổi thành Vikki Bank, OceanBank trở thành MBV và CBBank mang tên VCBNeo.

Trong thời gian gần đây, 3/4 ngân hàng bị kiểm soát đặc biệt gồm DongA Bank, OceanBank và CBBank, đã lần lượt đổi tên và định hướng phát triển theo mô hình ngân hàng số. Cụ thể, DongA Bank đổi thành Vikki Bank, OceanBank trở thành MBV và CBBank mang tên VCBNeo.

Ngày 18/12/2024, Ngân hàng TM TNHH MTV Đại Dương (OceanBank) đã chính thức đổi tên thành Ngân hàng TNHH MTV Việt Nam Hiện Đại (Modern Bank of Vietnam - MBV). Trước đó, ngày 17/10/2024, ngân hàng này đã được chuyển giao về Ngân hàng TMCP Quân Đội (MB) và trở thành một thành viên mới của MB Group.

Tiếp đến, ngày 17/1/2025, Ngân hàng Xây Dựng (CB) chính thức đổi tên thành Ngân hàng TM TNHH MTV Ngoại thương Công nghệ Số (VCBNeo), sau khi được chuyển giao cho Vietcombank vào ngày 17/10/2024. Cùng với đó, Vietcombank đã bổ nhiệm ông Nguyễn Mạnh Hùng – Thành viên Hội đồng quản trị Vietcombank – giữ chức vụ Chủ tịch Hội đồng thành viên (kiêm nhiệm) tại CB, đồng thời điều động nhiều lãnh đạo chi nhánh sang VCBNeo nắm giữ các vị trí quan trọng.

Gần đây nhất, ngày 14/2/2025, Ngân hàng TMCP Đông Á (DongA Bank) đã công bố quyết định đổi tên thành Ngân hàng TNHH MTV Số Vikki (Vikki Bank). Trước đó, ngày 17/1/2025, Ngân hàng Nhà nước đã tổ chức Lễ công bố Quyết định chuyển giao bắt buộc DongA Bank cho Ngân hàng TMCP Phát triển TP. Hồ Chí Minh (HDBank). Sau khi được chuyển giao, DongA Bank chính thức trở thành ngân hàng một thành viên do HDBank sở hữu 100% vốn điều lệ.

Như vậy, tính đến thời điểm hiện tại, GPBank là ngân hàng bị kiểm soát đặc biệt duy nhất chưa đổi tên và chưa công bố chiến lược phát triển sau khi được chuyển giao bắt buộc về VPBank.

Vì sao lại lựa chọn ngân hàng số?

Để lý giải cho xu hướng này, chúng tôi đã có cuộc trao đổi với PGS.TS Đinh Trọng Thịnh – Nguyên Trưởng khoa Tài chính Quốc tế, Học viện Tài chính.

Theo PGS.TS Đinh Trọng Thịnh, chuyển đổi số và số hóa nền kinh tế đã trở thành xu thế tất yếu trong giai đoạn hiện nay và cả tương lai. Việc phát triển ngân hàng số không chỉ là một xu hướng mà còn là mối quan tâm hàng đầu của các ngân hàng thương mại, khi hầu hết đều đang triển khai chương trình số hóa để tối ưu hóa hoạt động.

thuy-linh-nqs-3-.png
PGS.TS Đinh Trọng Thịnh - Nguyên Trưởng Khoa Tài chính Quốc tế - Học viện Tài chính

Ông Thịnh nhấn mạnh, chuyển đổi sang mô hình ngân hàng số giúp tiết kiệm đáng kể về nhân lực, chi phí vận hành, đồng thời giảm bớt sự phụ thuộc vào mặt bằng giao dịch. Ngân hàng vẫn có thể hoạt động hiệu quả mà không cần nhiều chi nhánh vật lý, trong khi khả năng tiếp cận khách hàng và tốc độ mở rộng dịch vụ nhanh hơn nhiều so với mô hình truyền thống.

Chính vì những lợi ích này, khi các ngân hàng bị kiểm soát đặc biệt, họ có cơ hội tái cấu trúc và xây dựng lại gần như từ đầu. Việc định hướng phát triển thành ngân hàng số không chỉ là một lựa chọn, mà còn là bước đi tất yếu để họ "đi tắt đón đầu", vượt qua những khó khăn gặp phải trước đây và thích nghi với thị trường mới.

Bên cạnh đó, đối với các ngân hàng bị kiểm soát đặc biệt, việc chuyển đổi sang ngân hàng số mang lại cơ hội tái cấu trúc toàn diện, giúp họ xây dựng lại mô hình hoạt động theo hướng hiện đại, linh hoạt và bền vững hơn. Đây không chỉ là một lựa chọn, mà còn là bước đi tất yếu để những ngân hàng này "đi tắt đón đầu", khắc phục những khó khăn trước đây và thích nghi với thị trường tài chính đang thay đổi nhanh chóng.

Nhìn chung, hầu hết các ngân hàng tái cấu trúc sau khi được chuyển giao đều hướng tới số hóa toàn diện, nhằm nâng cao khả năng cạnh tranh và đảm bảo sự phát triển bền vững trong tương lai.

Xu hướng số hóa hiện nay

Theo số liệu của Ngân hàng Nhà nước, tính đến cuối năm 2024, Việt Nam đã có hơn 200 triệu tài khoản thanh toán của khách hàng cá nhân và ghi nhận hơn 17 tỷ giao dịch thanh toán không dùng tiền mặt trong năm 2024. Những con số này cho thấy Việt Nam là một thị trường tiềm năng cho sự phát triển của ngân hàng số.

Ngân hàng số hiện nay cũng không còn là khái niệm quá lạ lẫm với nhiều người sử dụng dịch vụ ngân hàng tại Việt Nam trong giai đoạn kỷ nguyên số 4.0. Theo thống kê của Ngân hàng Nhà nước, năm 2021 có đến hơn 42% các ngân hàng cho rằng phát triển ngân hàng số là mục tiêu dài hạn để hướng đến trong những năm tiếp theo.

Tuy nhiên, hầu hết các ngân hàng số Việt Nam đang ở giai đoạn giao thoa với các ngân hàng truyền thống. Theo đó, các ngân hàng số hiện nay thường được phát triển dựa trên nguồn lực có sẵn của các ngân hàng truyền thống, tập trung vào phát triển công nghệ nhằm đem đến cho khách hàng sự thuận tiện trong giao dịch trong một ứng dụng ngân hàng số.

Mặt khác, theo quy định, mỗi ngân hàng số phải được bảo trợ bởi một ngân hàng truyền thống tại Việt Nam. Và với nền tảng vốn có như mạng lưới giao dịch, cơ sở khách hàng, cùng với sự hỗ trợ của ngân hàng mẹ cũng như NHNN, các nhà băng bị chuyển giao bắt buộc rất thích hợp để phát triển thành một ngân hàng số hiện đại, trở thành cánh tay nối dài của ngân hàng mẹ.

>> Sau khi về tay HDBank, DongABank đổi tên thành ngân hàng số Vikki Bank

Lãi suất ngân hàng hôm nay 19/2/2025: Vừa đổi tên, nhà băng tăng luôn lãi suất

Ngân hàng vừa chuyển giao bắt buộc đổi tên, chuyển trụ sở

Theo Kiến thức Đầu tư
https://dautu.kinhtechungkhoan.vn/donga-bank-oceanbank-cbbank-dong-loat-deu-doi-ten-thanh-ngan-hang-so-vi-sao-277808.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
    Nổi bật Tỷ giá mới
    3/4 ngân hàng bị kiểm soát đặc biệt đồng loạt đổi tên thành ngân hàng số: Vì sao?
    POWERED BY ONECMS & INTECH