Vĩ mô

3 kịch bản cho tăng trưởng GDP 2025: Tích cực nhất có thể đạt 9 - 9,5%

Khúc Văn 16/01/2025 14:22

Đưa ra dự báo về tăng trưởng kinh tế của Việt Nam, chuyên gia kinh tế Đinh Trọng Thịnh cho rằng trong kịch bản thận trọng, GDP có thể tăng trưởng từ 6,8 - 7,3%, trong khi lạm phát giữ ở mức 3,2 - 3,5%. Trong kịch bản tích cực, GDP có thể đạt 7,3 - 7,8%, với lạm phát dao động ở mức 3,5 - 3,8%.

3 kịch bản cho tăng trưởng

Tại Nghị quyết số 158/2024/QH15 mà Quốc hội đã thông qua về tốc độ tăng trưởng kinh tế của năm 2025, dự kiến tăng trưởng GDP sẽ đạt 6,5 - 7%, phấn đấu từ 7 - 7,5%.

Tuy nhiên, trong chỉ đạo mới đây, Thủ tướng yêu cầu tất cả các bộ, ngành, địa phương triển khai thực hiện, lên các kịch bản tăng trưởng trong năm 2025, phấn đấu đạt tốc độ tăng trưởng tối thiểu 8% và trong điều kiện thực hiện thuận lợi, phấn đấu mức tăng trưởng 2 con số.

Mức tăng trưởng này được đánh giá là thách thức không nhỏ. Tuy nhiên, với những thành tựu kinh tế ấn tượng của năm 2024, tăng trưởng GDP 2025 của Việt Nam được dự báo tích cực.

TS Cấn Văn Lực, kinh tế trưởng BIDV đưa ra 3 kịch bản cho tăng trưởng năm 2025.

Kịch bản cơ sở (xác suất 60%): Cùng với đà phục hồi tăng trưởng toàn cầu và tiếp nối đà tăng trưởng cao của năm 2024; với quyết tâm đột phá thể chế, tiến hành cách mạng về tinh gọn tổ chức - bộ máy, niềm tin của doanh nghiệp và người dân được củng cố mạnh mẽ; các động lực tăng trưởng (cả truyền thống và mới) được phát huy, khai thác hiệu quả cao hơn; ổn định vĩ mô được giữ vững, các cân đối lớn được bảo đảm, dự báo kinh tế Việt Nam tăng trưởng khoảng 8% năm 2025.

Goldman Sachs tin rằng Việt Nam sẽ tiếp tục giữ vai trò tiên phong trong kinh tế ASEAN vào năm 2025
Ba kịch bản cho tăng trưởng.

Kịch bản tích cực (20%): Tăng trưởng GDP có thể cao hơn, đạt 9 - 9,5% trong điều kiện tăng trưởng kinh tế toàn cầu cao hơn dự báo; các động lực tăng trưởng phát huy hiệu quả cao hơn; cơ cấu lại nền kinh tế, các đột phá chiến lược được thúc đẩy; năng lực cạnh tranh, chất lượng tăng trưởng cải thiện rõ nét (đóng góp của TFP vào tăng trưởng GDP khoảng 48 - 50%, kinh tế số chiếm khoảng 18 - 20%, năng suất lao động tăng 6,5 -7 %...).

Kịch bản tiêu cực (20%): Nếu các rủi ro bên ngoài gia tăng và tác động tiêu cực hơn, kinh tế thế giới tăng trưởng chậm hơn dự báo, xung đột địa chính trị leo thang, chiến tranh thương mại – công nghệ phức tạp (các nước đáp trả lẫn nhau), biến đổi khí hậu diễn biến khó lường, tác động tiêu cực đến xuất khẩu, đầu tư và tiêu dùng của Việt Nam trong khi các đột phá chiến lược, các động lực tăng trưởng chưa phát huy hiệu quả như kỳ vọng hoặc chỉ ở mức tương đương năm 2024, khi đó tăng trưởng kinh tế Việt Nam năm 2025 dự báo ở mức 7 - 7,5%.

>>Cần giải pháp nào để nền kinh tế đạt mức tăng trưởng GDP đạt 7,5 - 8% trong 2025?

Các tổ chức quốc tế đồng loạt nâng dự báo

Ngân hàng Thế giới (WB) và Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) đều dự báo triển vọng tăng trưởng tích cực cho Việt Nam. Theo ADB, tăng trưởng GDP của Việt Nam năm 2025 có thể đạt 6,6%, nhờ sự phục hồi mạnh mẽ trong sản xuất, thương mại và các biện pháp tài khóa hỗ trợ. Tương tự, WB nâng dự báo tăng trưởng kinh tế Việt Nam lên 6,5% trong năm 2025.

Trong báo cáo mới đây, VCBS kỳ vọng tăng trưởng đạt 7 - 7,5% trong năm 2025. Theo đó, trong năm 2025, khu vực công nghiệp chế biến - chế tạo dự báo sẽ tiếp tục hồi phục khả quan; cầu tiêu dùng được kỳ vọng sẽ tiếp tục tăng trưởng; giải ngân đầu tư công cùng quyết tâm và hành động của Chính phủ tạo điều kiện thuận lợi cho tăng trưởng, các nhóm ngành sản xuất và dịch vụ…

Theo VCBS, giải ngân đầu tư công là công cụ quan trọng để đạt mục tiêu tăng trưởng năm 2025 của Chính phủ. VCBS đánh giá tiến độ giải ngân sẽ cải thiện tích cực hơn nhờ việc ổn định bộ máy nhân sự tại các địa phương và cơ quan chuyên trách; những cập nhật từ Luật Đất đai và bảng giá đất mới thúc đẩy tiến độ giải phóng mặt bằng; một số dự án hạ tầng giao thông quan trọng sẽ giúp gia tăng khả năng kết nối và năng lực thu hút FDI, phát triển các trung tâm sản xuất tại các tỉnh thành mới nổi…

Kinh tế Việt Nam kiên cường, đạt mức tăng trưởng cao nhất trong số các nền kinh tế Đông Á
Các tổ chức quốc tế đồng loạt nâng dự báo.


Đưa ra dự báo cho tăng trưởng năm sau, PGS-TS Đinh Trọng Thịnh, chuyên gia kinh tế dự báo hai kịch bản tăng trưởng kinh tế cho năm 2025.

Theo đó, trong kịch bản thận trọng, GDP có thể tăng trưởng từ 6,8 - 7,3%, trong khi lạm phát giữ ở mức 3,2 - 3,5%. Trong kịch bản tích cực, GDP có thể đạt 7,3 - 7,8%, với lạm phát dao động ở mức 3,5 - 3,8%.

Dù vậy, theo ông Thịnh, để đạt được mục tiêu này, Việt Nam cần tiếp tục cải cách thể chế quyết liệt, thực hiện các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp và người dân, đồng thời các doanh nghiệp cũng cần nâng cao năng lực cạnh tranh, tận dụng tốt các cơ hội…

Tại cuộc họp báo của Chính phủ mới đây, Thứ trưởng Bộ KH-ĐT Nguyễn Đức Tâm nhấn mạnh, để đạt mục tiêu tăng trưởng ít nhất 8% và phấn đấu tăng trưởng 2 con số (tối thiểu là 10%) trong năm 2025 thì phải thực hiện đổi mới và hoàn thiện công tác thể chế. Đây là một trong những động lực giúp cho tăng trưởng đạt được kết quả cao.

Ngoài ra, cần tiếp tục thực hiện ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát và đảm bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế.

Nhấn mạnh đến việc làm mới các động lực tăng trưởng truyền thống (đầu tư, tiêu dùng và xuất khẩu), Thứ trưởng Tâm cho biết về đầu tư, kế hoạch năm 2025, các bộ, ngành và địa phương sẽ phải thực hiện giải ngân tổng vốn đầu tư công khoảng 295 nghìn tỷ đồng, cộng với số chuyển tiếp của năm 2024 theo quy định của pháp luật khoảng hơn 300 nghìn tỷ đồng.

“Đây là con số rất lớn, nếu chúng ta giải ngân được hết số vốn này thì sẽ tạo động lực để thu hút các thành phần kinh tế khác, làm vốn mồi để thu hút, thúc đẩy tăng trưởng”, ông Tâm nêu.

Về tiêu dùng, năm 2025, ông Tâm cho hay sẽ là năm thực hiện kích cầu tiêu dùng trong nước; phấn đấu thu hút 120 - 130 triệu lượt khách du lịch trong nước và khoảng 20 triệu lượt khách du lịch quốc tế… Ngoài ra, đối với xuất khẩu, sẽ đẩy mạnh 17 Hiệp định thương mại tự do (FTA) đã ký kết, trong đó có thị trường hàng hóa Halal. Đây là một trong những động lực.

Bên cạnh những động lực tăng trưởng truyền thống, Thứ trưởng Tâm cũng nhấn mạnh đến động lực tăng trưởng mới trong thời gian tới, đó là tập trung triển khai thực hiện Nghị quyết số 57-NQ/TW ngày 22.12.2024 của Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia. Nếu tận dụng được nguồn lực này sẽ tạo được điều kiện rất lớn để thúc đẩy tăng trưởng.

Cũng theo ông Tâm, về xây dựng trung tâm tài chính ở TP.HCM và Đà Nẵng, đây là cuộc chơi mới và cách thức mới để Việt Nam thu hút được thêm nguồn lực. “Nếu chúng ta làm được việc này thành công thì chắc chắn sẽ có nhiều nguồn lực cho tăng trưởng kinh tế”, Thứ trưởng Tâm kỳ vọng.

>>4 động lực then chốt thúc đẩy tăng trưởng GDP năm 2025 vượt 7%

Mới công bố KQKD cao kỷ lục, MBS tiếp tục đặt mục tiêu lợi nhuận tăng trưởng 40% cho năm 2025

Tăng trưởng tín dụng tại Hà Nội ‘bỏ xa’ TP. HCM, cho vay lĩnh vực nào chiếm ưu thế?

Theo Kiến thức Đầu tư
https://dautu.kinhtechungkhoan.vn/3-kich-ban-cho-tang-truong-gdp-2025-tich-cuc-nhat-co-the-dat-9-95-271271.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
    Nổi bật Tỷ giá mới
    3 kịch bản cho tăng trưởng GDP 2025: Tích cực nhất có thể đạt 9 - 9,5%
    POWERED BY ONECMS & INTECH