3 tuyến cao tốc kết nối với TP. HCM sẽ được mở rộng từ 4 lên 8 -10 làn xe
Các tuyến đường sắp được mở rộng đều đang trong trạng thái quá tải, thường xuyên xảy ra tình trạng ùn tắc.
Tuyến cao tốc  TP. HCM - Trung Lương với quy mô 4 làn xe và 2 làn dừng khẩn cấp đã đi vào hoạt động từ năm 2010. Tuy nhiên, từ khi ngừng thu phí vào năm 2019, lưu lượng xe tăng mạnh, gây ra tình trạng ùn tắc thường xuyên và gia tăng số vụ tai nạn.
Trong khi đó, tuyến cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận, mới khai thác được 2 năm, vẫn còn những hạn chế trong vận hành do thiếu làn dừng khẩn cấp, khiến cho nhiều vụ tai nạn xảy ra. Điều này càng nhấn mạnh nhu cầu cấp thiết phải mở rộng và cải thiện các tuyến cao tốc này.
Ban Quản lý Dự án 7 (Bộ Giao thông vận tải) đã gửi công văn đến UBND TP. HCM để lấy ý kiến hoàn thiện báo cáo nghiên cứu tiền khả thi về việc mở rộng 2 cao tốc TP. HCM - Trung Lương và Trung Lương - Mỹ Thuận. Kế hoạch này nằm trong chiến lược phát triển hạ tầng giao thông, nhằm giải quyết tình trạng ùn tắc và tăng cường khả năng thông hành cho khu vực phía Nam.
Mở rộng 2 cao tốc TP. HCM - Trung Lương và Trung Lương - Mỹ Thuận
Liên danh các nhà đầu tư, bao gồm CTCP Tập đoàn Đèo Cả, CTCP Đầu tư Hạ tầng Kỹ thuật TP. HCM (CII) và CTCP Tasco, đã đề xuất thực hiện dự án mở rộng này theo hình thức BOT (xây dựng - kinh doanh - chuyển giao), với tổng mức đầu tư gần 32.300 tỷ đồng.
Dự án sẽ mở rộng tuyến cao tốc TP. HCM - Trung Lương và Trung Lương - Mỹ Thuận trên tổng chiều dài 91km, bắt đầu từ nút giao Chợ Đệm (TP. HCM) và kết thúc tại nút giao An Thái Trung (Tiền Giang).
Cụ thể: Cao tốc TP. HCM - Trung Lương sẽ được nâng cấp từ 4 lên 8 làn xe, kèm theo 2 làn dừng khẩn cấp; cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận sẽ mở rộng lên 6 làn xe, cùng với 2 làn dừng khẩn cấp.
Dự án còn bao gồm việc nâng cấp các hạng mục liên quan như nút giao thông, cầu, cống và triển khai hệ thống giao thông thông minh, đảm bảo hiệu quả và an toàn cho vận hành. Thời gian thực hiện dự kiến từ 2024-2028, với thời gian thu phí hoàn vốn trong vòng 17 năm.
Mở rộng cao tốc TP. HCM - Long Thành - Dầu Giây
Song song với hai tuyến trên, TP. HCM cũng đang triển khai kế hoạch mở rộng tuyến cao tốc TP. HCM - Long Thành - Dầu Giây.
Do hiện tại, tuyến cao tốc TP. HCM - Long Thành - Dầu Giây dài 55km với quy mô 4 làn xe và 2 làn khẩn cấp đã hoạt động từ năm 2016. Tuy nhiên, lưu lượng giao thông trên tuyến này đã vượt quá khả năng thông hành. Dự báo đến năm 2025, lưu lượng xe sẽ vượt 25% so với công suất hiện tại, đặt ra yêu cầu cấp bách cho việc mở rộng và nâng cấp.
Dự án mở rộng tuyến cao tốc TP. HCM - Long Thành - Dầu Giây (từ nút giao An Phú đến Vành đai 2 tại TP. Thủ Đức), từ 4 lên 8 làn xe, với tổng chiều dài hơn 3km. Các cầu trên tuyến như cầu Mương Kênh và cầu vượt Đỗ Xuân Hợp cũng sẽ được mở rộng đồng bộ.
Việc mở rộng tuyến này được đánh giá là thuận lợi do ít vướng mắc về giải phóng mặt bằng, và dự kiến sẽ khởi công vào năm 2025, hoàn thành trong năm 2026.
Ngoài ra, Tổng Công ty Phát triển Đường cao tốc Việt Nam (VEC) cũng được giao nhiệm vụ tiếp tục đầu tư mở rộng các đoạn tiếp theo của cao tốc TP. HCM - Long Thành - Dầu Giây: Đoạn từ Vành đai 2 đến Vành đai 3 sẽ được mở rộng lên 8 làn xe; đoạn từ Vành đai 3 đến cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu sẽ mở rộng lên 10 làn xe; cầu Long Thành cũng sẽ được bổ sung thêm một nhịp cầu mới, nâng tổng số làn xe lên 10 làn (tạm thời chưa có làn khẩn cấp).
Tổng mức đầu tư cho các dự án mở rộng này gần 15.000 tỷ đồng và dự kiến hoàn thành vào cuối năm 2027.
Hé lộ lý do hủy mời thầu 13 dự án quan trọng trên tuyến cao tốc Bắc - Nam 
Sẽ thu phí cao tốc do Nhà nước đầu tư từ tháng 5/2025?