Bữa sáng đóng vai trò quan trọng trong sức khỏe, đặc biệt là đối với những người có đường huyết cao hoặc mắc bệnh tiểu đường.
Theo chuyên gia dinh dưỡng, bữa sáng  được coi là bữa ăn quan trọng nhất trong ngày với cơ thể. Theo chuyên gia sức khỏe lâm sàng, đặc biệt là những người mắc bệnh tiểu đường, bữa sáng trở nên ngày càng quan trọng. Bữa sáng không chỉ cung cấp năng lượng sau một đêm ngủ dài mà còn cung cấp năng lượng cho cơ thể cả ngày.
Tiến sĩ Caroline Thomason, một chuyên gia dinh dưỡng và bác sĩ nội tiết tại Washington D.C (Mỹ), cho biết: "Bữa ăn sáng có thể ảnh hưởng đến lượng đường trong máu của bạn trong suốt một ngày, tác động đến tâm trạng, năng lượng và sức khỏe tổng thể của bạn. Một cách tốt nhất để chuẩn bị bữa ăn sáng là hiểu rõ về cách từng loại thực phẩm ảnh hưởng đến đường huyết và từ đó lựa chọn thức ăn sao cho phù hợp. Bạn cần biết cách kết hợp thực phẩm một cách hợp lý và tránh những thức ăn không tốt".
Tuy nhiên, tiến sĩ Caroline Thomason cũng lưu ý rằng không có một thực đơn ăn sáng cụ thể nào phù hợp cho tất cả mọi người, kể cả những người mắc bệnh tiểu đường  nhưng có 5 sai lầm phổ biến liên quan đến bữa sáng có thể ảnh hưởng đến những người có đường huyết cao hoặc đang điều trị tiểu đường:
1. Bỏ bữa sáng
"Cho dù bạn quyết định bỏ bữa sáng do đang tuân thủ chế độ nhịn ăn gián đoạn hoặc vì bất kỳ lý do nào khác, hãy nhớ rằng đây là một yếu tố có thể tăng nguy cơ mắc và làm trở nặng bệnh tiểu đường", tiến sĩ Caroline Thomason cảnh báo.
Bà giải thích thêm: "Nếu bạn sử dụng thuốc để kiểm soát đường huyết, việc bỏ bữa sáng có thể tăng rủi ro hạ đường huyết. Nếu có bất kỳ thay đổi nào về thời gian ăn uống, quan trọng nhất là nên thảo luận với bác sĩ để xác định lịch trình phù hợp nhất cho bạn.
Ngoài ra, việc bỏ bữa sáng cũng có thể ảnh hưởng đến cảm giác thèm ăn, có thể dẫn đến tình trạng siêu đói vào cuối ngày và tăng cường tiêu thụ carbohydrate. Tình trạng quá đói hoặc quá no đều có thể gây biến động đáng kể về đường huyết, có thể gây nguy hiểm. Thiếu năng lượng cũng có thể làm suy giảm sức khỏe và tăng mệt mỏi, cũng như làm tăng rủi ro về các triệu chứng tiểu đường".
Do đó, bà khuyên rằng, dù có bận rộn đến đâu hay đang giảm cân, không nên bỏ lỡ bữa sáng. Thay vào đó, có thể lựa chọn một bữa sáng nhẹ nhàng với quả mọng và sữa chua ít béo, ít đường.
2. Ăn sáng ít chất xơ
“Chất xơ là một phần của các loại carbohydrate khó tiêu có trong thực vật, đóng vai trò quan trọng trong việc kiểm soát đường huyết, tăng cảm giác no và đồng thời củng cố sức khỏe tim mạch, hệ tiêu hóa và đường ruột. Đây là một thành phần không thể thiếu trong bữa sáng của những người muốn phòng ngừa hoặc đang phải đối mặt với tình trạng đường huyết cao”, theo y tá Jacinda Shapiro, người đang làm việc tại một trung tâm chăm sóc sức khỏe đặc biệt cho người mắc bệnh tiểu đường tại Mỹ và là người sáng lập trang web Empower Me về bệnh tiểu đường.
Jacinda Shapiro còn cho biết thêm: “Chất xơ là chìa khóa quan trọng trong việc duy trì sức khỏe và quản lý bệnh tiểu đường. Nó khuyến khích sản xuất axit béo chuỗi ngắn, giúp điều chỉnh mức đường trong máu. Theo Hiệp hội Tiểu đường Hoa Kỳ, người mắc bệnh tiểu đường nên tiêu thụ lượng chất xơ tương đương với người không mắc bệnh, tức là từ 25 đến 38 gram chất xơ mỗi ngày”.
Nữ y tá này đề xuất những người sống chung với tiểu đường nên bổ sung vào bữa sáng rau xanh, sinh tố trái cây tự nhiên, hạt chia và các nguồn thực phẩm giàu chất xơ khác để cải thiện chế độ dinh dưỡng của họ.
3. Ăn sáng nhiều carbohydrate tinh chế và chất béo bão hòa
Theo chuyên gia dinh dưỡng và đồng thời là huấn luyện viên cá nhân người Mỹ Peggy Kraus: “Các món ăn sáng truyền thống thường chứa nhiều carbohydrate, như granola, bánh nướng xốp, bánh rán, bánh ngọt mua sẵn hoặc bánh mì trắng kèm bơ, đều ít chất xơ và giàu chất béo bão hòa. Kết hợp này có thể gây tăng đột ngột đường trong máu, tăng rủi ro về sức khỏe tim mạch”.
Bà Kraus nhấn mạnh rằng: “Việc kết hợp chất béo với carbohydrate tinh chế là một “thảm họa” cho lượng đường trong máu. Thay vào đó, nên ưu tiên chọn ngũ cốc nguyên hạt và các loại đậu phối hợp với rau hoặc trái cây - những thực phẩm cung cấp carbohydrate phức tạp, tiêu hóa chậm hơn, kết hợp với chế độ ăn chứa chất béo lành mạnh”.
4. Ăn quá nhiều vào bữa sáng
Mặc dù bữa sáng được coi là quan trọng đối với bệnh nhân tiểu đường nhưng không nên ăn quá mức. Tiến sĩ Caroline Thomason cảnh báo: “Thói quen ăn uống không cân bằng có thể gây biến động lượng đường trong máu. Ăn quá nhiều vào buổi sáng hoặc bỏ bữa trưa, hoặc ngược lại, có thể làm tăng và gây không ổn định đường huyết. Để phòng ngừa bệnh tiểu đường và duy trì sức khỏe, nên phải chia nhỏ bữa ăn trong ngày và đảm bảo sự cân đối về dinh dưỡng , tránh bỏ bữa ăn”.
Tuy nhiên, bác sĩ cũng lưu ý rằng tác động của việc ăn quá nhiều vào buổi sáng đối với lượng đường trong máu có thể phụ thuộc vào thực phẩm, cách ăn và loại thuốc điều trị đang được sử dụng. Bà đưa ra lời khuyên: “Nếu bạn phát hiện lượng đường trong máu tăng cao trong vòng 2 giờ sau bữa sáng, hãy xem xét và điều chỉnh chế độ ăn uống của bạn theo hướng phù hợp”.
5. Uống nhiều nước trái cây vào bữa sáng
Thức uống rất có lợi cho sức khỏe  nhưng cần phải uống nó một cách điều độ và đúng cách. Đối với những người có đường huyết cao hoặc đang điều trị tiểu đường, việc sử dụng nước trái cây như một thay thế cho bữa sáng hoặc tiêu thụ chúng trong bữa sáng không phải là lựa chọn lý tưởng.
Y tá Jacinda Shapiro giải thích: "Nước trái cây, kể cả nước ép trái cây 100%, thường thiếu chất xơ. Ngoài ra, nước trái cây có khả năng tiêu hóa nhanh, tác động nhanh chóng đến lượng đường trong máu. Khi đường huyết giảm, cơ thể phản ứng bằng cách tăng sản xuất insulin để đưa đường huyết về mức cân bằng, điều này không lành mạnh cho việc duy trì độ ổn định của đường huyết".
Do đó, cô khuyến cáo rằng, thay vì sử dụng nước trái cây, những người có đường huyết cao hoặc tiểu đường nên chọn ăn trái cây tươi nguyên chất để nhận thêm chất xơ. Tuy nhiên, họ nên chỉ tiêu thụ khoảng nửa cốc và chọn những loại trái cây không quá ngọt, kết hợp với các thực phẩm giàu protein và chất xơ khác trong bữa sáng.
Nguồn: Eating Well, Empower Me