768.000 tỷ đồng nợ xấu toàn ngành ngân hàng: bất ngờ đến từ trái phiếu tiềm ẩn
Loạt yếu tố bất lợi như sự cố SCB, doanh nghiệp khó khăn, bất động sản đóng băng khiến tỷ lệ nợ xấu tăng vọt.
Theo số liệu mới nhất được Ngân hàng Nhà nước công bố, tỷ lệ nợ xấu từ 2% hồi đầu năm đã tăng vọt lên 3,56% đến cuối tháng 7/2023, tương đương hơn 440.000 tỷ đồng nợ xấu.
Tuy nhiên, NHNN cho biết, tỷ lệ nợ xấu trên đã bao gồm cả 5 nhà băng đang thuộc diện kiểm soát đặc biệt là Ngân hàng Sài Gòn (SCB), Đông Á (Dong A Bank), Xây Dựng (CBBank), Đại Dương (OceanBank) và Dầu khí Toàn cầu (GPBank). Nếu loại trừ 5 ngân hàng này ra, tỷ lệ nợ xấu nội bảng của các nhà băng hiện ở mức 1,92%.
Còn nếu tính nợ xấu nội bảng cộng thêm các khoản nợ xấu bán cho VAMC chưa xử lý và nợ tiềm ẩn của hệ thống tổ chức tín dụng (gồm các khoản được giữ nguyên nhóm, trái phiếu doanh nghiệp tiềm ẩn thành nợ xấu, các khoản phải thu khó đòi, lãi dự thu phải thoái...), tỷ lệ này là 6,16% (tương đương 768.000 tỷ đồng).
Trong số này chủ yếu là các khoản được giữ nguyên nhóm, trái phiếu doanh nghiệp tiềm ẩn thành nợ xấu, các khoản phải thu khó đòi, lãi dự thu phải thoái, như NHNN đã báo cáo trước đó.
Trước đó, ngày 8/10, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ ký báo cáo gửi đến Quốc hội, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng cho biết, tính đến ngày 21/9/2023, tín dụng nền kinh tế đạt trên 12,62 triệu tỷ đồng, tăng 5,91% so với cuối năm 2022.
Đáng lưu ý, tỷ lệ nợ xấu của lĩnh vực BĐS đang có chiều hướng gia tăng so với thời điểm cuối năm trước (tháng 7/2022 là 1,8%, tháng 7/2023 là 2,58%).
nợ xấu ngân hàng |
Đầu 2019, Chính phủ từng đặt mục tiêu đưa tỷ lệ nợ xấu nội bảng của ngành ngân hàng về dưới 2%. Theo đó, tỷ lệ này cuối 2020 chỉ ở mức 1,69%, sau đó lên 2% vào cuối 2022.
Tuy nhiên, Covid-19 cộng với loạt biến cố kinh tế toàn cầu và trong nước khiến nợ xấu có xu hướng tăng liên tục 4 năm gần đây. Nhóm doanh nghiệp sản xuất kinh doanh gặp khó, thị trường bất động sản và trái phiếu "đóng băng" cộng với sự cố tại SCB vào tháng 10 năm ngoái là những yếu tố bất lợi, tác động lên nợ xấu của toàn hệ thống.
Chất lượng tín dụng của nhiều ngân hàng cũng có dấu hiệu đi xuống. Một số nhà băng niêm yết trên sàn chứng khoán có tỷ lệ nợ xấu (tính trên tổng dư nợ cho vay) đến cuối tháng 6 vượt 3%, gồm NCB, ABBank, BVBank, VPBank, VietBank, OCB, PGBank.
Theo nhận định của NHNN, công tác xử lý nợ xấu vẫn gặp nhiều khó khăn do doanh nghiệp đang chịu những tác động bất lợi, tiêu cực từ môi trường bên ngoài, làm suy giảm khả năng trả các khoản nợ quá hạn của các hộ gia đình và doanh nghiệp.
Đồng thời, khuôn khổ pháp lý liên quan đến cơ cấu lại TCTD và xử lý nợ xấu chưa được hoàn thiện; thiếu các cơ chế, chính sách ưu đãi, khuyến khích các nhà đầu tư trong nước và ngoài nước tham gia xử lý tài sản bảo đảm và mua bán nợ xấu.
Thị trường bất động sản gặp nhiều khó khăn, thanh khoản thấp, gây khó khăn trong việc xử lý tài sản bảo đảm là bất động sản trong khi thị trường mua, bán nợ vẫn còn nhiều hạn chế.
Ngoài ra, ý thức trả nợ của một bộ phận khách hàng còn thấp, thiếu chủ động, không hợp tác, chây ỳ, chống đối trong việc trả nợ và bàn giao tài sản bảo đảm khiến quá trình thu hồi, xử lý nợ xấu của TCTD kéo dài, kém hiệu quả.
Tính riêng trong 7 tháng đầu năm 2023, toàn hệ thống xử lý được 128.800 tỷ đồng nợ xấu, tăng 46,3% so với cùng kỳ năm trước.
NHNN cũng cho hay nguồn lực hỗ trợ công tác cơ cấu lại còn hạn chế. Việc cơ cấu lại các TCTD yếu kém còn thiếu nguồn lực và cơ chế đặc thù để xử lý triệt để. Một số tập đoàn, tổng công ty nhà nước thiếu nguồn lực để xử lý tổn thất và thực hiện cơ cấu lại TCTD phi ngân hàng do mình làm chủ sở hữu hoặc là cổ đông lớn.
Thông tin mới nhất về Ngân hàng SCB 
NHNN: Chuẩn bị chuyển giao bắt buộc 2 ngân hàng yếu kém còn lại trong vài ngày tới