Tài chính Ngân hàng

8 bí quyết quản lý tiền bạc hiệu quả: Điều số 7 là lý do người giàu luôn giàu

Gia Bảo 22/01/2025 0:01

Đây không chỉ là cách cân đối chi tiêu mà còn hướng đến những mục tiêu lớn hơn, có ý nghĩa hơn trong cuộc sống.

Quản lý tài chính cá nhân không chỉ là chuyện tiết kiệm hay đầu tư, mà còn cần sự thay đổi trong tư duy và những chiến lược đúng đắn. Dưới đây là những bài học thiết thực giúp bạn làm chủ tài chính và đạt được sự ổn định lâu dài.

1. Bắt đầu từ thay đổi cách nghĩ

Nhiều người có cảm xúc phức tạp về tiền, từ áp lực kiếm tiền, cảnh giác trước lòng tham, đến việc đề cao giá trị tinh thần mà né tránh yếu tố vật chất. Thực tế, việc thờ ơ với tiền thường bắt nguồn từ việc bạn chưa làm chủ được nó, và những câu như “không quan tâm” chỉ che đậy căng thẳng, sợ hãi khi không đạt được điều mong muốn.

Để quản lý tiền hiệu quả, trước tiên hãy hiểu cảm xúc của mình. Tana Gildea, tác giả The Graduate’s Guide to Money, khuyên bạn nên tự hỏi: “Mình cảm thấy thế nào về tiền, khả năng kiếm, tiết kiệm và quản lý nó? Nếu không tích cực, trải nghiệm liên quan đến tiền cũng sẽ không tốt”.

Hãy tin rằng bạn có thể làm chủ đồng tiền, sử dụng nó một cách khôn ngoan để tạo ra niềm vui và giá trị cho cuộc sống.

8 bí quyết quản lý tiền bạc hiệu quả: Điều số 7 là lý do người giàu luôn giàu
Hãy tin rằng bạn có thể làm chủ đồng tiền, sử dụng nó một cách khôn ngoan để tạo ra niềm vui và giá trị cho cuộc sống. Ảnh minh họa.

2. Chi tiêu tiết kiệm

Hãy giả định khả năng tài chính của mình thấp hơn thực tế một chút và điều chỉnh lối sống phù hợp. Theo Deana Arnett, chuyên gia tài chính tại Rosenthal Wealth Management Group: “Sống dưới mức khả năng là chìa khóa quản lý tài chính tốt nhất”. Điều này giúp bạn tiết kiệm mà vẫn sống thoải mái.

Chantel Bonneau, cố vấn tài chính tại Northwestern Mutual, nhấn mạnh rằng thói quen chi tiêu dưới mức khả năng giúp bạn kiểm soát tài chính hiệu quả hơn. Điều này không chỉ hỗ trợ bạn tiết kiệm mà còn tạo điều kiện đạt được những mục tiêu lớn như mua nhà hoặc đi du lịch. Để duy trì kỷ luật tài chính, bạn có thể sử dụng các ứng dụng quản lý chi tiêu, ghi chép vào sổ tay, hoặc nhờ người tin cậy hỗ trợ giám sát kế hoạch của mình.

Sống dưới mức khả năng không phải từ bỏ mọi thứ, mà là chọn lựa phù hợp, như xe cũ, nhà nhỏ hơn, hay đồ giảm giá. Đây không chỉ là cách cân đối chi tiêu mà còn hướng đến những mục tiêu lớn hơn, có ý nghĩa hơn trong cuộc sống.

3. Xây dựng ngân sách hợp lý

Nhiều người nghĩ rằng lập ngân sách là áp đặt sự chi tiêu hà khắc, khiến cuộc sống mất đi sự thoải mái. Mindy Crary, hướng dẫn viên tài chính, cảnh báo cách tiếp cận này dễ gây thất bại, giống như một quả bom nổ chậm. Thay vào đó, bà khuyên nên xây dựng ngân sách cân bằng, giống như duy trì chế độ ăn uống lành mạnh, coi quản lý tài chính là lối sống dài hạn chứ không phải giải pháp ngắn hạn.

Chellie Campbell, tác giả From Worry to Wealthy, gợi ý thiết lập ba mức ngân sách linh hoạt. Ngân sách thấp dành khi thu nhập giảm hoặc cần tiết kiệm cho mục tiêu lớn như mua nhà, xe. Ngân sách trung bình phù hợp với chi tiêu sinh hoạt hàng tháng, dựa trên thu nhập hiện tại. Ngân sách cao áp dụng khi có thêm nguồn thu nhập mới hoặc thu nhập tăng đáng kể. Việc lựa chọn ngân sách phù hợp với hoàn cảnh giúp bạn kiểm soát tài chính hiệu quả, cân đối chi tiêu và xây dựng nền tảng tài chính bền vững, ổn định lâu dài.

4. Sắp xếp ưu tiên trong chi tiêu

Hãy xác định rõ điều gì thật sự quan trọng trước khi chi tiền và đảm bảo kế hoạch mua sắm của bạn tập trung vào ưu tiên hàng đầu. Nếu bạn thuê một căn hộ view đẹp để tạo không gian thư giãn, thu nhập của bạn sẽ ưu tiên cho không gian sống. Nếu bạn yêu thích du lịch, hãy đầu tư vào vật dụng di chuyển thay vì nội thất đắt tiền.

Một cách quản lý tài chính hiệu quả là phân chia thu nhập vào hai tài khoản: một cho nhu cầu thiết yếu và một cho chi tiêu tùy ý. Điều này giúp bạn kiểm soát tài chính dễ dàng hơn và tập trung vào những điều thực sự quan trọng.

5. Xác định mục tiêu tài chính và tiết kiệm hiệu quả

Tiết kiệm hiệu quả không phải là “càng nhiều càng tốt” mà cần dựa trên mục tiêu cụ thể. Hãy xác định rõ số tiền bạn cần tiết kiệm và thời gian để đạt được mục tiêu đó. Điều này giúp bạn có định hướng rõ ràng và dễ dàng lên kế hoạch tài chính.

Theo Mindy Crary, mục tiêu càng rõ ràng sẽ càng tạo động lực để bạn thực hiện. Từ mục tiêu lớn, hãy chia nhỏ thành các bước cụ thể, giúp bạn dễ dàng theo dõi và điều chỉnh, đảm bảo việc tiết kiệm diễn ra hiệu quả và bền vững.

6. Cân đối thu nhập

Để quản lý tài chính hiệu quả, hãy cân bằng giữa nguồn thu nhập cố định và thụ động. Các chuyên gia tài chính khuyến khích tập trung xây dựng nguồn thu nhập ổn định trong hiện tại và đầu tư để tạo thu nhập thụ động cho tương lai.

Theo Dave Ramsey, cân bằng giữa hai loại thu nhập này sẽ giúp bạn cải thiện tình hình tài chính, đảm bảo sự an toàn và ổn định lâu dài, đồng thời đạt được các mục tiêu tài chính dài hạn nhanh chóng hơn.

8 bí quyết quản lý tiền bạc hiệu quả: Điều số 7 là lý do người giàu luôn giàu
Để quản lý tài chính hiệu quả, hãy cân bằng giữa nguồn thu nhập cố định và thụ động. Ảnh minh họa.

7. Hãy để tiền làm việc cho bạn

Quản lý tài chính hiệu quả đòi hỏi bạn phải đầu tư những khoản tiền nhàn rỗi để sinh lời. Hãy lập kế hoạch tài chính cá nhân, trích một phần thu nhập hàng tháng để tiết kiệm và chuẩn bị cho tương lai. Điều này giúp bạn kiểm soát chi tiêu và duy trì hệ thống tài chính ổn định.

Suze Orman, chuyên gia tài chính, từng nói: “Tiết kiệm là chìa khóa cho thành công tài chính. Hãy chắp cánh ước mơ bằng việc tiết kiệm mỗi ngày và tránh để tiền nhàn rỗi”.

8. Tránh xa các khoản nợ

Nợ xấu là tình trạng không thanh toán đúng hạn, gây ảnh hưởng tiêu cực đến tín dụng và tiềm ẩn rủi ro lớn cho các giao dịch tài chính trong tương lai. Suze Orman từng nói: “Tránh nợ là một phần của việc tạo ra một tương lai tài chính an toàn”. Tương tự, Robert Kiyosaki, tác giả Rich Dad, Poor Dad, cảnh báo: “Nợ có thể giết bạn nhanh hơn bất cứ điều gì khác”.

Dù vậy, nợ để đầu tư tài chính hoặc kinh doanh có thể cân nhắc nếu bạn có khả năng thanh toán. Ngược lại, các khoản nợ từ chi tiêu quá mức, cờ bạc hoặc tệ nạn khác sẽ khiến số tiền nợ ngày càng lớn và khó trả hơn. Jean Chatzky nhấn mạnh: “Nợ có thể giúp bạn đạt mục tiêu tài chính, nhưng nếu không quản lý chặt chẽ, nó sẽ làm hại tài chính của bạn”.

>> Warren Buffett tiết lộ: Cách sử dụng tiền khôn ngoan mà ai cũng nên biết

Mua sắm thông minh: Nên tiết kiệm hay vay tiền?

Bí quyết quản lý tài chính cá nhân: Chuyên gia bật mí cách kiểm soát tiền bạc

Theo Kiến thức đầu tư
https://dautu.kinhtechungkhoan.vn/8-bi-quyet-quan-ly-tien-bac-hieu-qua-dieu-so-7-la-ly-do-nguoi-giau-luon-giau-272619.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
    Nổi bật Tỷ giá mới
    8 bí quyết quản lý tiền bạc hiệu quả: Điều số 7 là lý do người giàu luôn giàu
    POWERED BY ONECMS & INTECH