Chủ tịch HĐTV Agribank cho rằng, việc bổ sung vốn điều lệ cho ngân hàng này là hết sức bức thiết để duy trì được tăng trưởng tín dụng, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội.
Tham luận tại Hội nghị Triển khai Nhiệm vụ ngành Ngân hàng năm 2022 được tổ chức chiều 29/12/2021 tại Hà Nội, ông Phạm Đức Ấn, Chủ tịch HĐTV của Agribank cho biết, dự kiến đến 31/12/2021, Agribank hoàn thành toàn diện các chỉ tiêu kế hoạch kinh doanh.
Theo đó, tổng tài sản ước đạt 1,68 triệu tỷ, tăng 7,3%; huy động vốn đạt 1,563 triệu tỷ, tăng 7,5%; tín dụng đạt 1,316 triệu tỷ, tăng 8,5%.
Đồng thời, ông Ấn cho biết, trong năm 2022, áp lực lạm phát lớn khi Chính phủ triển khai chính sách tài khóa, tiền tệ nhằm hỗ trợ tăng trưởng kinh tế và tình hình thị trường chứng khoán, bất động sản nếu không kịp thời kiểm soát sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến nền kinh tế cũng như hệ thống ngân hàng.
Vì vậy, ông Ấn dự kiến hoạt động ngân hàng sẽ gặp nhiều khó khăn, nhất là chất lượng tín dụng. Dư địa để giảm lãi suất rất ít khi lãi suất huy động hiện nay đã ở mức thấp, nếu giảm tiếp thì khả năng người gửi tiền sẽ tìm kênh đầu tư khác thay vì gửi tiền vào ngân hàng.
"Tuy nhiên, Agribank sẽ tiếp tục giảm, miễn phí, áp dụng chính sách giảm lãi suất cụ thể cho các khách hàng bị ảnh hưởng tiêu cực từ dịch COVID-19", ông Ấn nhấn mạnh.
Đối với tỷ lệ cho vay trên tổng tiền gửi (LDR), theo ông Ấn, hiện nay Ngân hàng Nhà nước quy định tỷ lệ LDR giảm từ 90% xuống còn 85% thì với Agribank, ngân hàng phải dành hơn 230 ngàn tỷ không được cho vay. Trong khi đó, do đặc thù, 82% nguồn vốn của Agribank chủ yếu là tiền gửi có kỳ hạn từ dân cư huy động với lãi suất cao.
Qua đó, Chủ tịch HĐTV Agribank đề nghị, nếu cho phép tỷ lệ LDR ở mức 90% thì Agribank sẽ có thêm khoảng 80.000 tỷ đồng để cho vay phát triển nền kinh tế và có điều kiện tiếp tục giảm lãi suất cho khách hàng.
Trước những khó khăn sẽ phải đối mặt trong năm 2022, Chủ tịch Agribank cũng kiến nghị sớm được bổ sung vốn điều lệ.
Ông Ấn cho biết, việc bổ sung vốn điều lệ cho Agribank là hết sức bức thiết để Agribank có thể duy trì được tăng trưởng tín dụng từ 8-10%/năm phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, nhất là lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn.
"Hiện nay, có ngân hàng thương mại cổ phần quy mô tín dụng bằng 1/4 so với Agribank nhưng vốn điều lệ đã cao hơn Agribank. Vì vậy, kính đề nghị Chính phủ, Thủ tướng sớm xem xét việc để lại lợi nhuận năm 2021 tăng vốn cho Agribank, đồng thời dành Ngân sách Nhà nước để tăng vốn cho Agribank'', ông Ấn nói
Người đứng đầu Agribank cũng rất mong việc tăng vốn sẽ được triển khai ngay trong năm 2022 đặc biệt là trước khi tiến hành xác định giá trị doanh nghiệp để cổ phần hóa.
Trước đó, trong Quyết định số 1963/NHNN về Chương trình hành động của ngành ngân hàng thực hành tiết kiệm, chống lãng phí giai đoạn 2021-2025, đẩy nhanh cổ phần hoá Agribank là một trong những nhiệm vụ quan trọng của ngành trong giai đoạn tới.
Tuy là một trong 4 ngân hàng có quy mô tài sản, dư nợ cho vay và số lượng khách hàng lớn nhất hệ thống, nhưng đến nay, Agribank là nhà băng duy nhất chưa thể cổ phần hóa. Trong khi đó, Vietcombank, VietinBank, BIDV đều đã hoàn tất quá trình này và niêm yết cổ phiếu trên thị trường chứng khoán từ lâu.
Agribank nâng vốn điều lệ lên 51.600 tỷ đồng 
Big4 ngân hàng Việt báo lãi kỷ lục, tổng lợi nhuận 'vượt mốc' 126.000 tỷ đồng