Ái nữ kín tiếng gánh cơ đồ nghìn tỷ
Nhiều ái nữ được các doanh nhân thế hệ 1 của Việt Nam giao trọng trách tiếp quản cơ ngơi nghìn tỷ. Đây được xem là gánh nặng, bởi tiền bạc nhiều mà không kiểm soát được lòng tham có thể mang đến tai họa.
Chọn mặt gửi vàng
Thông tin gây chú ý những ngày qua là việc ông Lê Phước Vũ - Chủ tịch Hội đồng quản trị (HĐQT) Tập đoàn Hoa Sen (HSG) - chia sẻ về kế hoạch chuyển giao cổ phần tại công ty cho cô con gái út trong vòng 7-10 năm tới.
Theo báo cáo quản trị năm 2023 của CTCP Tập đoàn Hoa Sen , ông Lê Phước Vũ có 3 người con là Lê Hoàng Vũ Trí, Lê Hoàng Diệu Tâm và Lê Hoàng Diệu Thiện. Cả 3 đều không sở hữu cổ phần tại Hoa Sen. Trong khi đó, ông Vũ sở hữu 104,8 triệu cổ phần HSG, tương đương hơn 17% vốn của doanh nghiệp, trị giá khoảng 2.200 tỷ đồng.
Trước đó, nhiều lần đại gia ngành tôn thép Lê Phước Vũ đã chia sẻ về ý định nhượng toàn bộ cổ phần cho quỹ thiện nguyện sau khi quy y Tam bảo từ giữa tháng 7/2020 và sống trên núi, điều hành doanh nghiệp từ xa.
Theo kế hoạch ban đầu, ông Vũ sẽ rút khỏi công ty vào năm 2026, nhân dịp kỷ niệm 25 năm thành lập doanh nghiệp và sẽ sống cuộc đời của một người tu hành.
Tuy nhiên, tại đại hội đồng cổ đông năm 2024 vào ngày 18/3 vừa qua, ông Vũ đã bỏ kế hoạch chuyển cổ phần cho quỹ thiện nguyện, cũng như loại phương án bán cổ phần để thu tiền về. Thay vào đó, Chủ tịch HSG tính chuyển giao quyền quản lý tập đoàn cho con gái út 23 tuổi trong vòng 7-10 năm tới.
Ái nữ út nhà ông Vũ là Lê Hoàng Diệu Thiện (sinh 2001) đang học song song 2 bằng đại học tại Australia. Cô được kỳ vọng có thể điều hành tập đoàn, như lời ông Vũ, là nhờ có đức tính trung thực.
Diệu Thiện sẽ được thử thách ở các vị trí từ nhỏ nhất để rèn luyện và việc chuyển giao cần có thời gian nhiều năm mới biết có đủ tố chất hay không. Đây được xem là sự dấn thân, là gánh nặng bởi theo ông Vũ, khi tiền bạc nhiều mà không kiểm soát được lòng tham thì có thể mang đến tai họa.
Gần đây, ái nữ kín tiếng nhà ông Đặng Thành Tâm - Đặng Nguyễn Quỳnh Anh - cũng đã vào HĐQT của Tổng công ty Phát triển Đô thị Kinh Bắc-CTCP - một doanh nghiệp bất động sản công nghiệp hàng đầu Việt Nam.
Trước đó, Đặng Nguyễn Quỳnh Anh từng nắm giữ danh hiệu “nữ 9X giàu nhất sàn chứng khoán Việt Nam”. Quỳnh Anh (1991) hiện nắm hơn 13,3 triệu cổ phần KBC, tương đương hơn 1,7% vốn doanh nghiệp này. Quỳnh Anh cũng là đại diện cho CTCP Đầu Tư Vinatex - Tân Tạo nắm giữ hơn 39 triệu cổ phiếu Kinh Bắc, tương đương hơn 5,1%.
Cũng như nhiều ái nữ nhà các đại gia khác, Quỳnh Anh có học vấn tốt, từng du học tại Mỹ và có thời gian làm chuyên viên phân tích dữ liệu cho một công ty nước ngoài.
Chia sẻ tài sản hay ghé vai gánh vác doanh nghiệp gia đình?
Trong vài năm qua, nhiều doanh nhân thế hệ 1 bắt đầu để con cái nắm giữ cổ phiếu của doanh nghiệp gia đình. Việc sở hữu cổ phần cũng được xem là bước khởi đầu để tham gia vào điều hành công ty.
Hồi đầu năm 2024, Lê Thị Minh Ngọc - con gái ông Lê Văn Quang và bà Chu Thị Bình - đã chi khoảng 200 tỷ mua vào hơn 11 triệu cổ phiếu MPC của Thuỷ sản Minh Phú, tương ứng 2,76% vốn.
Con gái Chủ tịch Ngân hàng Techcombank Hồ Hùng Anh  - Hồ Thuỷ Anh - trong năm 2023 mua hơn 82 triệu cổ phiếu Techcombank (TCB), trị giá hàng nghìn tỷ đồng, qua đó nâng sở hữu lên gần 105 triệu cổ phiếu TCB.
Còn ái nữ nhà Phó Chủ tịch Ngân hàng TPBank (TPB) Đỗ Anh Tú đã nắm giữ gần 3,1% cổ phần TPB. Ái nữ nhà đại gia Ngô Chí Dũng, Chủ tịch Ngân hàng VPBank sở hữu 10,8 triệu cổ phiếu VPB, trị giá khoảng 200 tỷ đồng.
Trước đó, giới đầu tư chứng kiến nhiều trường hợp ái nữ khá thành công trong việc tiếp quản doanh nghiệp gia đình.
Tại Ngân hàng TMCP Phương Đông (OCB), con gái Chủ tịch Trịnh Văn Tuấn là Trịnh Thị Mai Anh (1992) đã hiện diện trong HĐQT của ngân hàng này. Đây cũng là gương mặt nữ 9x duy nhất trong HĐQT của một ngân hàng tại Việt Nam. Trịnh Thị Mai hiện sở hữu 2,94% cổ phần OCB, trị giá khoảng 890 tỷ đồng.
Giữa tháng 7/2022, con gái Madam Nguyễn Thị Nga - Lê Thu Thủy (1983) - rời ghế Tổng Giám đốc SeABank sau nhiệm kỳ 5 năm, nhưng tiếp tục tham gia quản trị ngân hàng với vai trò Phó Chủ tịch HĐQT. Bà Thủy làm Ủy viên thường trực HĐQT SeABank từ năm 2009, lúc mới chỉ 26 tuổi.
Trong thời gian bà Thủy làm CEO, SeABank có nhiều chuyển biến tích cực. Hồi tháng 3/2021, SeABank chính thức đưa hơn 1,2 tỷ cổ phiếu SSB niêm yết trên Sở Giao dịch Chứng khoán TP.HCM - HOSE (HSX) với giá tham chiếu 16.800 đồng/cp.
SeABank là một trong những ngân hàng tầm trung có tăng trưởng mạnh mẽ nhất vài năm gần đây.
Bà Thủy có học vấn cao, tốt nghiệp cử nhân Quản trị kinh doanh và cử nhân Tài chính ngân hàng tại Đại học George Mason, Mỹ. Bà sở hữu lượng cổ phiếu SeABank giá trị cả nghìn tỷ đồng.
Còn tại đế chế mía đường Thành Thành Công, bà Đặng Huỳnh Ức My - con gái đại gia Đặng Văn Thành và bà Huỳnh Bích Ngọc đã có nhiều đóng góp lớn cho CTCP Thành Thành Công Biên Hòa (SBT). Bà Ức My hiện là phó Chủ tịch SBT.
Bà Đặng Huỳnh Ức My (1981) được mệnh danh là công chúa mía đường của Việt Nam kế nghiệp “nữ hoàng mía đường” Huỳnh Bích Ngọc.
Dưới sự lãnh đạo của mẹ con bà My, SBT đã chiếm vị trí số 1 ngành mía đường Việt Nam sau khi thực hiện một loạt các thương vụ đình đám, bao gồm cả thâu tóm mảng mía đường của ông Đoàn Nguyên Đức (Bầu Đức). CTCP Đầu tư Thành Thành Công hiện nắm giữ hơn 26,7% cổ phần SBT, bà Ức Mỹ nắm gần 16,7%; còn bà Bích Ngọc nắm gần 10,7%.
Hiện tượng những ái nữ và tiểu thư trẻ tuổi, bí ẩn của các đại gia Việt liên tiếp lộ diện với tư cách là cổ đông nắm giữ một lượng lớn cổ phiếu hoặc/và nắm giữ các vị trí quan trọng trong doanh nghiệp gần đây diễn ra phổ biến.
Đây được xem là lớp người kế cận, không phân biệt nam hay nữ, cho thế hệ doanh nhân hình thành sau thời kỳ đổi mới sắp bước sang tuổi xế chiều.
Con chủ tịch chốt thương vụ nghìn tỷ, lọt Top người giàu