Áp lực giảm phát vẫn đè nặng kinh tế Trung Quốc bất chấp gói cứu trợ 1,4 nghìn tỷ USD
Trung Quốc đối mặt áp lực giảm phát kép khi CPI tăng chậm kỷ lục, ngay cả khi Chính phủ tăng gấp đôi biện pháp kích thích kinh tế.
Số liệu công bố ngày 9/11 cho thấy lạm phát tiêu dùng của Trung Quốc trong tháng 10 tăng chậm nhất trong 4 tháng qua, trong khi giá sản xuất tiếp tục đà giảm, bất chấp nỗ lực kích thích  kinh tế từ chính quyền Bắc Kinh.
Theo Cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc, Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 10 chỉ tăng 0,3% so với cùng kỳ năm trước - mức thấp nhất kể từ tháng 6 và thấp hơn dự báo tăng 0,4% từ các chuyên gia được Reuters khảo sát. Tuy nhiên, lạm phát cơ bản - không bao gồm giá thực phẩm và nhiên liệu - đã tăng nhẹ lên 0,2% từ mức 0,1% của tháng 9.
Trước tình hình này, cơ quan lập pháp Trung Quốc vừa phê duyệt gói giải cứu trị giá 10 nghìn tỷ nhân dân tệ (1,4 nghìn tỷ USD) nhằm giảm bớt gánh nặng "nợ ẩn" cho chính quyền địa phương. Tuy nhiên, kế hoạch này dường như chưa đáp ứng được kỳ vọng của nhà đầu tư về một gói kích cầu trực tiếp cho nền kinh tế.
"Tác động của các chính sách kích thích ban hành từ cuối tháng 9 vẫn chưa rõ ràng do ảnh hưởng từ kỳ nghỉ Tuần lễ Vàng", ông Bruce Pang, Chuyên gia kinh tế trưởng tại JLL nhận định. Ông dự báo CPI sẽ tiếp tục xu hướng tăng nhẹ, trong khi lạm phát cơ bản duy trì ở mức thấp - tạo điều kiện cho việc cắt giảm lãi suất vào đầu năm sau.
Bộ trưởng Tài chính Lan Foan cho biết Chính phủ sẽ sớm công bố thêm các chính sách thuế hỗ trợ thị trường bất động sản và đẩy nhanh việc tái cấp vốn  cho các ngân hàng. Động thái này tiếp nối các biện pháp hỗ trợ tiền tệ mạnh mẽ nhất kể từ đại dịch COVID-19 mà Ngân hàng Trung ương Trung Quốc đã triển khai vào cuối tháng 9.
Một số chuyên gia phân tích nhận định Bắc Kinh có thể đang dự trữ các công cụ kinh tế để đối phó với việc ông Donald Trump trở lại ghế Tổng thống Mỹ vào tháng 1/2025.
Ông Dong Lijuan, Giám đốc Cục Thống kê nhận định, nguyên nhân chính của đà giảm này đến từ sự sụt giảm giá thực phẩm trong tháng vừa qua.
Tình trạng này càng trở nên đáng ngại khi thị trường bất động sản - từng chiếm 1/4 GDP toàn quốc và thu hút 70% tài sản của các hộ gia đình Trung Quốc - vẫn chưa phục hồi sau khủng hoảng. Người dân thắt chặt chi tiêu, càng đẩy nền kinh tế lớn thứ hai thế giới đến gần hơn với nguy cơ giảm phát.
Goldman Sachs dự báo lạm phát tiêu dùng của Trung Quốc sẽ duy trì ở mức thấp 0,8% trong năm 2024. Đáng chú ý, giá sản xuất được dự đoán sẽ không thể hồi phục về mức dương cho đến quý III/2025.
Chỉ số giá sản xuất (PPI) tháng 10 ghi nhận mức giảm 2,9% so với cùng kỳ năm trước - mức giảm sâu nhất trong 11 tháng qua, vượt qua mức giảm 2,8% của tháng 9 và thấp hơn dự báo giảm 2,5% của thị trường.
Xu hướng giảm phát tại các nhà máy  thể hiện rõ rệt nhất ở các ngành khai thác dầu khí, chế biến dầu mỏ và than đá, hóa chất và sản xuất ô tô.
"Các chính sách điều chỉnh ngược chu kỳ đang phát huy tác dụng tốt hơn kỳ vọng và dự kiến sẽ thúc đẩy tiêu dùng và đầu tư", ông Zhou Maohua, chuyên gia kinh tế vĩ mô tại Ngân hàng China Everbright nhận định. Tuy nhiên, ông cũng lưu ý: "Sự phục hồi của thị trường bất động sản, tiêu dùng hộ gia đình và cân bằng cung cầu sẽ cần thêm thời gian".
Theo CNBC
Kinh tế Trung Quốc đón 'cơn mưa vàng' 1.400 tỷ USD 
Kinh tế Trung Quốc tăng ì ạch bất chấp gói kích thích khổng lồ