Coaching được xem là ngành công nghiệp tỷ đô với thu nhập hấp dẫn. Nhưng đằng sau thu nhập “khủng” của những người làm nghề là áp lực phải “giỏi hơn các chủ doanh nghiệp”.
Những năm gần đây, nghề coaching đang ngày càng trở nên phổ biến. Đặc biệt trong khoảng 3 năm trở lại, coaching nổi lên như một ngành dịch vụ với thu nhập vô cùng cao mỗi năm.
Nghề bùng nổ trong đại dịch
Hiểu một cách đơn giản, coaching là người đồng hành, giúp chúng ta đặt ra những câu hỏi thông minh, gợi mở ra cái nhìn rộng hơn. Từ đó giúp cho người được coaching đột phá hơn ở tư duy, thúc đẩy hành động và khai mở nguồn lực bên trong. Ngoài ra, coaching còn có thể chữa lành những vết thương trong tâm hồn do những sự việc buồn trong quá khứ xảy ra.
Ở các lĩnh vực khác nhau, các nhiệm vụ cụ thể của một người làm việc trong vai trò coach cũng sẽ khác nhau nhưng về cơ bản, mô tả công việc của coaching là:
- Giao tiếp với học viên để hiểu mục tiêu và tham vọng của họ.
- Xây dựng kế hoạch huấn luyện.
- Hỗ trợ học viên khám phá, vượt qua các rào cản cá nhân và đặt mục tiêu phù hợp.
- Đánh giá điểm mạnh của từng cá nhân và thúc đẩy họ phát triển thế mạnh, khắc phục được điểm yếu.
- Tạo động lực và hướng dẫn học viên phát triển kỹ năng.
- Hướng dẫn học viên thực hiện các nhiệm vụ, từng bước tiến dần đến mục tiêu.
- Theo dõi và đánh giá tiến độ.
Công việc của huấn luyện viên được biết đến khá phổ biến hiện nay trong 4 lĩnh vực: Huấn luyện viên thể thao, huấn luyện viên nghề nghiệp, huấn luyện viên cuộc sống, huấn luyện viên dinh dưỡng và chăm sóc sức khỏe.
Ngoài ra, bạn có thể trở thành coach trong bất cứ lĩnh vực nào nếu bạn xác định được thị trường tiềm năng và khả năng của bản thân như: Hỗ trợ về các mối quan hệ, học tập, nuôi dạy con cái, khởi nghiệp, lập trình, kỹ năng mềm,…
Những năm gần đây, coaching luôn nằm trong nhóm những ngành phát triển nhanh nhất. Theo Liên đoàn Khai vấn Quốc tế ICF, tổng doanh thu ngành đạt khoảng 2,8 tỷ USD, tăng trưởng khoảng 21% trong năm 2019.
Đặc biệt, cuộc khủng hoảng “kép” từ đại dịch Covid-19 đã buộc hàng loạt doanh nghiệp tìm đến coach như chiếc “phao cứu sinh” cuối cùng để vực dậy doanh nghiệp của mình.
Những yếu tố để trở thành một coaching
Bằng cấp và kinh nghiệm thực tiễn
Để xây dựng uy tín trong ngành, bên cạnh bằng cấp, thứ quan trọng hơn cả chính là kinh nghiệm thực tiễn dày dặn, nhiều trải nghiệm ý nghĩa và có những thành tựu được ghi nhận trong lĩnh vực mà bạn muốn huấn luyện cho người khác.
Mục đích sau cùng của việc huấn luyện là giúp người học đạt được mục tiêu của chính họ. Vì thế, bên cạnh khả năng sư phạm, kinh nghiệm và sự trải đời sẽ giúp bạn xây dựng thương hiệu cá nhân thành công và phát triển được với nghề.
Xác định thị trường ngách để cạnh tranh hơn
Khi bạn đã xác định được lĩnh vực mà bạn tham gia huấn luyện, việc tìm ra thị trường ngách cho bản thân rất quan trọng. Chẳng hạn như chọn huấn luyện về tài chính, bạn nên đi sâu vào cụ thể như: Đối tượng huấn luyện là nam hay nữ, độ tuổi bao nhiêu? Huấn luyện 1:1 hay theo nhóm,…
Khi đã xác định được thị trường ngách sẽ giúp bạn dễ dàng xây dựng tệp khách hàng cũng như phân bổ thời gian huấn luyện hợp lý và hiệu quả hơn cho cả 2 bên.
"Hãy dạy cách câu cá chứ đừng cho con cá"
Đây là cốt lõi của việc huấn luyện khiến nó trở nên khác biệt với những phương pháp tiếp cận khác. Một huấn luyện viên chuyên nghiệp không phải là người biết đáp án cho mọi vấn đề. Thay vào đó, họ biết cách lắng nghe, đặt câu hỏi sâu sắc và có tính định hướng giúp người học xác định giá trị và mục tiêu, từ đó bắt tay vào hành động.
Bên cạnh đó, sau khi huấn luyện, người học có thể tái sử dụng kiến thức, tư duy trong những tình huống khác thì mới được coi là khóa huấn luyện thành công
Thu nhập của nghề coaching
Theo khảo sát năm 2019 của ICF, thu nhập trung bình hàng năm (chỉ tính riêng từ coaching) khoảng 33.600 USD (tại châu Á) và 62.500 USD (tại Bắc Mỹ).
Còn tại Việt Nam, theo khảo sát thường niên của CLB Coach Hà Nội (Hanoi Coach Club) thì 49% chuyên gia khai vấn chưa có thu nhập, 12% thu nhập từ 10-30 triệu đồng/tháng; 4% có thu nhập 30-50 triệu đồng/tháng; 3% thu nhập trên 100 triệu đồng/tháng.
Con số này không quá ngạc nhiên vì nghề coaching còn khá mới tại Việt Nam. Hầu hết các người huấn luyện chỉ có 1-2 năm kinh nghiệm. Đối với những coach giàu kinh nghiệm, thu nhập của họ có thể đạt khoảng 50-100 triệu đồng/tháng. Ngoài ra, mức phí tính theo giờ của nghề này cũng được xác định trên kinh nghiệm và năng lực tùy từng người.
Nghề KOLs: Thu nhập trăm triệu nhưng cũng nhiều áp lực 
VND mất giá 5% trong năm 2024: Việt Nam đang đối mặt áp lực ngoại tệ ra sao? 
Cảng biển lớn nhất miền Bắc gia tăng áp lực cạnh tranh trong năm 2025