Bà cụ đến MBBank yêu cầu chuyển 100 triệu đồng vào tài khoản nước ngoài, nhân viên ngân hàng thấy dấu hiệu bất thường lập tức báo công an
Nạn nhân đã nhận thức rõ bản thân bị lừa đảo và bày tỏ lòng cảm ơn đến lãnh đạo Công an tỉnh Đồng Nai vì đã kịp thời hỗ trợ, giúp bảo vệ tài sản.
Ngày 19/11, Phòng An ninh mạng và phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao Công an tỉnh Đồng Nai vừa phối hợp với Ngân hàng Quân đội (MBBank - Mã: MBB ) chi nhánh phường Tân Hòa (TP. Biên Hòa) ngăn chặn vụ chuyển tiền cho đối tượng lừa đảo.
Cụ thể, phòng nhận tin báo của nhân viên Ngân hàng MBBank chi nhánh phường Tân Hòa về việc nghi vấn khách hàng N.T.C. (SN 1959, ngụ phường Hố Nai, TP. Biên Hòa), đến yêu cầu chuyển số tiền 100 triệu để nhận quà tặng là 50.000 USD từ người bạn mới quen ở nước ngoài.
Qua nắm bắt tình hình, đại diện chi nhánh ngân hàng và Phòng An ninh mạng và phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao Công an tỉnh Đồng Nai đã tuyên truyền, giải thích cho bà C. về các hình thức lừa đảo hiện nay.
Bà C. đã nhận thức rõ bản thân bị các đối tượng lừa đảo bằng hình thức kết bạn, tặng quà trên không gian mạng.
Đồng thời, bà C. cảm ơn lãnh đạo Công an tỉnh Đồng Nai, Phòng An ninh mạng và Phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao và Ngân hàng MBBank đã giúp đỡ kịp thời, bảo vệ tài sản cho người dân.
Qua sự việc trên, Công an tỉnh Đồng Nai khuyến cáo người dân cần cảnh giác với các thủ đoạn lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng. Khi phát hiện các trường hợp có dấu hiệu lừa đảo như trên, cần báo ngay cho cơ quan công an nơi gần nhất.
Theo số liệu thống kê về lừa đảo trực tuyến trong năm 2023, thế giới ước tính thiệt hại hơn 1.000 tỷ USD, tương đương 1,05% GDP toàn cầu. Tại Việt Nam đã ghi nhận gần 16.000 phản ảnh lừa đảo trực tuyến, gây thiệt hại hơn 390.000 tỷ đồng. Tỉnh Đồng Nai trong 6 tháng đầu năm 2024 đã tiếp nhận 76 vụ lừa đảo qua mạng với tổng số tiền thiệt hại trên 325,4 tỷ đồng…
Thông tin từ Cục An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng CNC (Bộ Công an) cho biết, hiện có 10 phương thức lừa đảo phổ biến nhất. Trong đó, lừa đảo mua bán hàng hóa, dịch vụ giá rẻ; chiếm đoạt tài khoản mạng xã hội sau đó giả mạo người thân, quen nhắn tin, gọi điện yêu cầu chuyển tiền; lừa đảo chuẩn hóa thông tin cá nhân để yêu cầu truy cập hoặc cài đặt ứng dụng độc hại; giả mạo cơ quan, tổ chức, cá nhân tuyển người mẫu, cầu thủ nhí, người đại diện thương hiệu sau đó lôi kéo làm nhiệm vụ online; giả danh công ty tài chính, ngân hàng để hỗ trợ cho vay, nâng hạn mức tín dụng, sau đó yêu cầu chuyển tiền để làm thủ tục.
Đối tượng thực hiện lừa đảo bằng cách giả mạo danh nghĩa cơ quan, tổ chức phát tán tin nhắn SMS Brandname chứa đường dẫn truy cập vào các website giả mạo yêu cầu cung cấp thông tin cá nhân hoặc tải về ứng dụng độc hại; lừa đảo tham gia đầu tư sàn chứng khoán ảo, tiền ảo, đa cấp..., sau đó khóa, chiếm quyền sử dụng tài khoản tài khoản hoặc đánh sập sàn; lừa đảo tình cảm sau đó dẫn dụ đầu tư tài chính, làm nhiệm vụ online hoặc gửi tiền, quà có giá trị; lừa đảo qua hình thức tuyển cộng tác viên cho các sàn thương mại điện tử, việc nhẹ lương cao; giả danh cơ quan công quyền gọi điện đe dọa yêu cầu chuyển tiền hoặc hỗ trợ lấy lại tiền đã bị lừa đảo…
Trước tình hình đó, Phòng An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng CNC đã tham mưu Ban Giám đốc Công an tỉnh phối hợp các đơn vị có liên quan triển khai rất nhiều các hoạt động tuyên truyền về phương thức, thủ đoạn của các loại tội phạm lừa đảo qua mạng với nhiều hình thức khác nhau. Chẳng hạn, tuyên truyền bằng tờ rơi, trực tiếp, qua báo, đài truyền hình, qua cổng thông tin điện tử, mạng xã hội… Tuy nhiên, vẫn có nhiều người dân nhận thức chưa đầy đủ hoặc chưa nhận thức được phương thức thủ đoạn phạm tội của các đối tượng, thiếu cảnh giác và ý thức tự bảo vệ bản thân khi hoạt động trên môi trường mạng và đã trở thành nạn nhân của các vụ lừa đảo.
>> Cụ bà sợ sệt đến MBBank rút tiền tiết kiệm, nhân viên ngân hàng lập tức báo công an