Bà Nguyễn Thị Như Loan bị bắt, Cường Đô la có vai trò gì ở Quốc Cường Gia Lai?
Bà Nguyễn Thị Như Loan bị khởi tố và tạm giam liên quan tới việc mua bán đất vàng từ nhiều năm trước. Con trai bà Loan là ông Nguyễn Quốc Cường (Cường Đô la) rút khỏi Quốc Cường Gia Lai khi nào và có vai trò gì tại QCG khi các vụ thâu tóm diễn ra?
Hơn thập kỷ làm sếp tại QCG của Cường Đô la
CTCP Quốc Cường Gia Lai (QCG ) hôm nay (22/7) vừa có thông cáo cho biết, doanh nghiệp này vẫn hoạt động bình thường. Hội đồng quản trị (HĐQT) của QCG sẽ sớm tìm người phụ trách điều hành trong thời gian sớm nhất để thực hiện các hoạt động liên quan đến công ty sau khi Tổng giám đốc Nguyễn Thị Như Loan bị khởi tố và tạm giam hôm 19/7 để phục vụ điều tra hành vi “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí”.
Bà Nguyễn Thị Như Loan (64 tuổi) bị cáo buộc vi phạm pháp luật trong việc chuyển nhượng dự án 39-39B Bến Vân Đồn, phường 12, quận 4, TP.HCM.
Sự việc diễn ra trong bối cảnh cơ quan chức năng mở rộng điều tra sai phạm xảy ra tại Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam (GVR), Công ty Cao su Đồng Nai, Công ty Cao su Bà Rịa, Bộ Tài nguyên và Môi trường cùng các đơn vị liên quan. Trong đó có sai phạm tại dự án khu đất 39-39B Bến Vân Đồn (rộng hơn 6.000m2, có nguồn gốc thuộc sở hữu Nhà nước).
Với vai trò là CEO của QCG, bà Nguyễn Thị Như Loan bị khởi tố và tạm giam để phục vụ điều tra. Kết luận còn ở phía trước.
Tuy nhiên, nhiều nhà đầu tư cũng quan tâm tới vai trò của một cựu lãnh đạo khá nổi tiếng ở QCG - ông Nguyễn Quốc Cường (con trai bà Loan) vào khoảng thời gian diễn ra các vụ mua bán đất vàng tại TP.HCM.
Ông Nguyễn Quốc Cường (thường được gọi với biệt danh Cường Đô la) sinh năm 1982. Ông Cường từng là thành viên HĐQT, phó tổng giám đốc và là người công bố thông tin tại Quốc Cường Gia Lai.
Ông Cường được bổ nhiệm giữ vị trí Phó tổng giám đốc QCG vào năm 2006 khi 24 tuổi, năm 2008 ông có mặt trong HĐQT của QCG.
Tới tháng 11/2018, ông Nguyễn Quốc Cường bất ngờ rút khỏi tất cả vị trí tại QCG. Ông Cường rút khỏi vị trí Phó Tổng giám đốc, thành viên HĐQT của QCG chỉ 1 ngày sau khi Ủy ban Kiểm tra Trung ương ban hành thông cáo báo chí kỳ họp 31, trong đó có nội dung kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm đối với ông Tất Thành Cang, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Phó Bí thư Thường trực Thành ủy TP.HCM.
Tại thời điểm đó và cho tới giờ, thiếu gia phố núi Nguyễn Quốc Cường chỉ nắm giữ 537.000 cổ phiếu QCG (0,2%), một con số rất nhỏ so với tỷ lệ nắm giữ 37,05% (tương đương gần 102 triệu cổ phiếu QCG) của bà Loan và 14,32% (gần 39,4 triệu cổ phiếu QCG) của em gái là Nguyễn Ngọc Huyền My, hay 3,52% (gần 9,7 triệu cổ phiếu QCG) của em gái bà Loan là Nguyễn Thị Ánh Nguyệt.
Ông Cường rời QCG vào thời điểm Quốc Cường Gia Lai gặp nhiều lùm xùm, trong đó có vụ mua bán đất vàng giá bèo có liên quan tới ông Tất Thành Cang.
Vào tháng 12/2018, Hội nghị Trung ương 9, khóa XII đã thông qua việc kỷ luật ông Tất Thành Cang bằng hình thức cách chức Ủy viên Trung ương Đảng khóa XII, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy, Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy TP.HCM nhiệm kỳ 2015-2020 vì đã có những khuyết điểm, vi phạm rất nghiêm trọng.
QCG của nhà bà Nguyễn Thị Như Loan có “biệt tài” gom đất vàng giá rẻ nhưng cũng có nhiều tai tiếng.
Bên cạnh khu đất 39-39B Bến Vân Đồn, QCG còn có dự án Phước Kiển 32ha. Công ty Tân Thuận (thuộc Văn phòng Thành ủy TP.HCM) bán chỉ định hơn 30ha đất đã đền bù tại khu dân cư Phước Kiển cho QCG với giá chỉ 1,29 triệu đồng/m2. Dự án này sau đó đã bị thu hồi. Dàn lãnh đạo Công ty Tân Thuận bị kỷ luật.
Trong nhiều năm, QCG gặp rất nhiều khó khăn vì vốn đọng trong các dự án bị đình trệ. Một số quý bị lỗ và doanh thu rất thấp. Cổ phiếu QCG biến động mạnh, tăng giảm 5-7 lần.
Hồi tháng 8/2020, bà Nguyễn Thị Như Loan cũng thôi kiêm nhiệm chức danh chủ tịch (chỉ còn làm tổng giám đốc) sau khi con trai là ông Nguyễn Quốc Cường rời QCG và phát triển các dự án riêng.
Vụ việc chuyển nhượng khu đất vàng diễn ra nhiều năm trước, từ 2009-2017
Về nguồn gốc, khu đất 39-39B Bến Vân Đồn là đất thuộc sở hữu Nhà nước, được giao cho Công ty Cao su Đồng Nai và Công ty Cao su Bà Rịa quản lý. Đây là hai doanh nghiệp thuộc Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam.
Tháng 12/2009, hai doanh nghiệp cao su nói trên góp vốn thành lập Công ty TNHH Phú Việt Tín (Phú Việt Tín; trụ sở tại số 39-39B Bến Vân Đồn) với vốn điều lệ 6 tỷ đồng.
Đến tháng 3/2010, UBND TP.HCM có quyết định thu hồi và giao khu đất 39-39B Bến Vân Đồn cho Phú Việt Tín để đầu tư, xây dựng dự án theo quy hoạch.
Sau khi được giao khu đất 39-39B Bến Vân Đồn, Phú Việt Tín không những không triển khai dự án mà cơ cấu các bên góp vốn liên tục thay đổi. Đến năm 2014 có sự xuất hiện của CTCP Quốc Cường Gia Lai của nhà bà Nguyễn Thị Như Loan.
Trong vụ này, Quốc Cường Gia Lai đã chi 465 tỷ đồng để mua vốn của Phú Việt Tín, sau đó bán cho hai pháp nhân và một cá nhân, thu lợi nhuận 382 tỷ đồng.
Cuối tháng 3/2017, Phú Việt Tín sáp nhập vào Công ty TNHH Đầu tư và Phát triển Bất động sản Phúc Nguyên.
Quá trình thanh tra dự án trên khu đất 39-39B Bến Vân Đồn, Thanh tra Chính phủ xác định Công ty Phú Việt Tín không lập dự án đầu tư là vi phạm Nghị định 12/2009 của Chính phủ.
Ngoài ra, UBND TP.HCM ra quyết định thu hồi, giao đất và chỉ định Công ty Phú Việt Tín làm nhà đầu tư thực hiện dự án tại số 39-39B Bến Vân Đồn không qua đấu giá là không đúng Luật Đất đai 2003 và Thông tư 03/2009 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư.
>> Quốc Cường Gia Lai (QCG) chính thức lên tiếng sau thông tin bà Nguyễn Thị Như Loan bị bắt