Bà Rịa - Vũng Tàu xin ý kiến Bộ Xây dựng về dự án Safari Hồ Tràm hơn 628 ha

11-08-2021 12:05|Anh Khôi

Ông Lê Ngọc Khánh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu vừa có văn bản gửi Bộ Xây dựng đề nghị có ý kiến về nội dung đồ án quy hoạch phân khu tỷ lệ 1/2000 dự án Vườn thú hoang dã Safari và khu du lịch nghỉ dưỡng Bình Châu (Safari Hồ Tràm), huyện Xuyên Mộc.

UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cho biết, đồ án quy hoạch tỷ lệ 1/2000 dự án Safari Hồ Tràm đã UBND tỉnh phê duyệt nhiệm vụ quy hoạch vào tháng 11/2019.

Nội dung quy hoạch phân khu dự án nêu trên được lập phù hợp với nhiệm vụ quy hoạch đã được UBND tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu phê duyệt.

Quy hoạch cũng tuân thủ tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về quy hoạch xây dựng hiện hành và đã được Ban Thường vụ Tỉnh ủy, UBND tỉnh thông qua và tổ chức lấy ý kiến nhân dân theo quy định.

Theo UBND tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu, để có đủ điều kiện tổ chức phê duyệt đồ án quy hoạch phân khu theo quy định, UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đề nghị Bộ Xây dựng xem xét, có ý kiến đối với nội dung đồ án nêu trên.

Liên quan đến dự án Safari Hồ Tràm, khu vực nghiên cứu lập quy hoạch rộng khoảng 628,5 ha thuộc các xã Bình Châu, xã Bưng Riềng, huyện Xuyên Mộc.

Dự án được định hướng là vườn thú hoang dã Safari và khu du lịch nghỉ dưỡng, vui chơi giải trí đa dạng với công suất phục vụ khoảng 5.000 - 7.000 người.

Theo đó, đất du lịch sẽ chiếm khoảng 251,4 ha; đất vườn thú 151 ha, đất du lịch nghỉ dưỡng 101 ha, đất rừng tự nhiên 264 ha, phần còn lại đất hạ tầng kỹ thuật, giao thông, bãi cát, mặt nước…

undefined

Bảng thống kê sử dụng đất dự án Safari Hồ Tràm (Ảnh: UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu)

Phân khu chức năng của dự án sẽ bao gồm khu vườn thú hoang dã Safari và khu rừng thiên nhiên Hồ Đắng.

Cụ thể, khu vườn thú hoang dã Safari gồm ba phân khu. Phân khu Safari (Z1) có diện tích 156,9 ha, là khu vườn thú hoang dã với mật độ xây dựng gộp tối đa 5%, giữ lại tối đa hiện trạng cảnh quan tự nhiên, chức năng là khu bảo tồn thiên nhiên.

Phân khu du lịch - nghỉ dưỡng (Z2) có tổng diện tích 130,4 ha, là khu vực dải ven biển xuyên suốt dự án, mật độ xây dựng tối đa 25%.

Phân khu Z2 bao gồm các công trình cao tầng nằm ngay giữa trung tâm dự án, khách sạn 5 sao, nhà hàng... và khu vực quảng trường biển để tổ chức các lễ hội, triển lãm, biểu diễn nghệ thuật các sự kiện lễ hội quảng bá du lịch biển…

Phân khu du lịch nghỉ dưỡng (Z3) có tổng diện tích 256,4 ha, là khu rừng thiên nhiên kết hợp với du lịch sinh thái, cùng các công trình thấp tầng dưới tán rừng, các loại hình du lịch trải nghiệm, kết hợp thể dục thể thao dưới tán rừng. Mật độ xây dựng tại khu vực Z3 tối đa là 5%.

Riêng khu rừng thiên nhiên Hồ Đắng rộng khoảng 84,7 ha có mật độ xây dựng gộp tối đa là 25%, là khu vực có công trình cao tầng (tối đa 40 tầng) tạo điểm nhấn của dự án và cung cấp các dịch vụ vui chơi độc đáo, đa dạng.

Theo UBND tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu, các nội dung đề xuất tại đồ án quy hoạch phân khu tỷ lệ 1/2000 khu vườn thú hoang dã Safari và khu du lịch nghỉ dưỡng Bình Châu là phù hợp với yêu cầu thực tiễn và phù hợp với quy chuẩn xây dựng Việt Nam.

Liên quan đến dự án nói trên, hồi đầu tháng 8/2021, UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã có văn bản về việc xác định giá trị pháp lý hồ sơ dự án Safari Hồ Tràm của CTCP Đầu tư Vườn thú hoang dã Safari và Khu du lịch nghỉ dưỡng Bình Châu.

Cụ thể, UBND tỉnh giao Sở Tư pháp chủ trì, phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Du lịch và các cơ quan có liên quan rà soát toàn bộ hồ sơ pháp lý dự án Safari của CTCP Đầu tư Vườn thú hoang dã Safari và Khu du lịch nghỉ dưỡng Bình Châu - Việt Nam (liên doanh Việt Nam - Hong Kong).

Các cơ quan này cũng được giao phải có ý kiến về cơ sở pháp lý của dự án nêu trên có bảo đảm theo quy định của pháp luật không (trước và sau khi chấm dứt chủ trương đầu tư dự án), báo cáo về UBND tỉnh trước ngày 5/8.

Theo ktck bat dong san
https://kinhtechungkhoan.vn/ba-ria-vung-tau-xin-y-kien-bo-xay-dung-ve-du-an-safari-ho-tram-hon-628-ha-100071.html
Đừng bỏ lỡ
    Nổi bật Tỷ giá mới
    Bà Rịa - Vũng Tàu xin ý kiến Bộ Xây dựng về dự án Safari Hồ Tràm hơn 628 ha
    POWERED BY ONECMS & INTECH