'Bắc Giang gắn với vải thiều, thành tên phường, xã tỉnh mình Bắc Ninh'
Sáp nhập Hải Phòng với Hải Dương lấy tên Hải Phòng và có các phường Hải Dương để thương hiệu bánh đậu xanh vẫn còn mãi. Bắc Giang gắn với thương hiệu vải thiều, nếu được đặt tên phường, xã trong tỉnh Bắc Ninh thì rất hay.
Sau khi Trung ương công bố tên gọi dự kiến của 34 tỉnh, thành sau sáp nhập, nhiều người dân cho rằng, phương án đặt tên này là phù hợp, bên cạnh một số người bày tỏ “chút tiếc nuối”.
Sự 'hy sinh' xứng đáng
Hầu hết độc giả bày tỏ quan điểm không nên ghép cơ học tên của 2-3 tỉnh thành một, mà cần một cái tên ngắn gọn, dễ nhớ.
Chọn tên tỉnh nào cũng sẽ gây nuối tiếc cho tỉnh kia, và chọn tên tỉnh này không có nghĩa là tỉnh kia kém hơn. Có thể anh hơn tôi điểm này nhưng kém tôi điểm khác. Tên thì chỉ được chọn một, vì thế cần phải “hy sinh” vì đại cục, vì sự phát triển chung của tỉnh nhà.

“Cuộc cách mạng nào cũng cần sự ‘hy sinh’ dù dưới hình thức này hay hình thức kia” - anh Lê Thành Bạch nói.
Nhiều người chia sẻ rằng, đúng là trong 2-3 cái tên phải chọn 1, đương nhiên sẽ không thể thỏa mãn được tất cả người dân các địa phương. Ai cũng đều có tình cảm, đều gắn bó với vùng đất mình sinh ra và lớn lên. Nhưng đó là một sự “hy sinh” xứng đáng.
Một ví dụ điển hình là Hà Tây trước đây sáp nhập vào Hà Nội. Ban đầu cũng có chút lưu luyến nhưng rồi cũng quen. Và quan trọng là làng xóm được đầu tư khang trang hơn nên ai cũng thấy mừng.
Không được đặt tên tỉnh thì lấy làm tên phường, xã
Một số độc giả góp ý, những tỉnh, thành không được chọn lấy tên, nên chăng sẽ được đặt tên cho các phường, xã. Ví dụ Hải Phòng và Hải Dương sáp nhập, lấy tên Hải Phòng, sau đó sẽ có các phường được đặt tên Hải Dương 1, Hải Dương 2…
“Như vậy để thương hiệu bánh đậu xanh Hải Dương vẫn còn mãi, gợi nhớ về một vùng quê đã gắn bó…” - một người Hải Dương nêu ý kiến.
“Cái tên Bắc Giang gắn bó với thương hiệu vải thiều, nếu được đặt tên phường, xã trong tỉnh Bắc Ninh thì hay quá” - anh Trần Thanh Linh chia sẻ.

Cùng chung quan điểm này, chị Hương Liên cho biết, thời gian qua có rất nhiều tâm tư và tâm thư được chia sẻ trên báo chí, mạng xã hội về việc chọn tên tỉnh, thành mới. Có những tâm thư đầy cảm xúc cho rằng nên chọn những cái tên mới như Hải Hưng, Hải Đông… hay những cái tên cũ như Hà Nam Ninh, Bình Trị Thiên…
“Nhưng thử nghĩ xem, giữ lại Hải Phòng, Đà Nẵng, TPHCM - những cái tên đã có thương hiệu quốc tế - sẽ có lợi cho phát triển kinh tế, du lịch rất nhiều chứ. Ít nhất còn giữ lại được một cái tên. Những tỉnh còn lại đặt tên cho xã, phường, như vậy là trọn vẹn đôi đường”.
“Trước đây, tỉnh Sa Đéc đổi tên thành Đồng Tháp nhưng chợ Sa Đéc, sông Sa Đéc, hủ tiếu Sa Đéc, làng hoa Sa Đéc vẫn còn và là niềm tự hào của người dân nơi đây.
Trường hợp Quảng Nam sáp nhập với Đà Nẵng và lấy tên Đà Nẵng, liệu danh xưng Quảng Nam có mất? Không! Mỳ Quảng, hồn Quảng, món Quảng… vẫn sống mãi trong tâm thức người dân. Tên gọi có thể thay đổi nhưng ký ức, văn hóa và con người thì không.
Quan trọng hơn hết, quê hương không phải dòng chữ ghi trên giấy tờ mà là nơi ta cảm thấy thuộc về, nơi ta sống tốt. Và trên hết, tất cả chúng ta đều thuộc về hai chữ Việt Nam” - một quan điểm được chia sẻ nhiều trên mạng.
Độc giả Nguyễn Quốc Tuấn góp ý, hãy lắng nghe thêm ý kiến của nhân dân. “Không ai biết tất cả, không ai giỏi mọi thứ. Lắng nghe nhân dân là lắng nghe trí tuệ của hàng triệu người. Nếu nhân dân có góc nhìn khác, giải pháp khác hay hơn thì nên tiếp thu.
Các ý kiến cũng cần cơ sở thực tiễn và luận cứ mang tính khoa học để kiến giải vấn đề. Mục đích cuối cùng là tìm được đáp án cho bài toán tối ưu và đi đến sự thống nhất, đồng lòng khi mọi khía cạnh đã sáng tỏ”.
Ngoài ra, cũng có những ý kiến cho rằng, việc giữ tên tỉnh này, bỏ tên tỉnh kia không quá quan trọng. Vì dù không còn tên tỉnh nhưng nó vẫn là những địa danh không thể mất. “Như Quảng Nam, Kon Tum, Phú Yên… làm sao có thể mất đi trong lòng người dân Việt Nam được?”.
Vấn đề quan trọng hơn là sau khi sáp nhập, bộ máy vận hành như thế nào, có lợi gì cho dân.
Tại hội nghị toàn quốc quán triệt, triển khai Nghị quyết hội nghị Trung ương lần thứ 11, khóa 13, Tổng Bí thư Tô Lâm cho rằng, khi thực hiện sáp nhập các tỉnh, sắp xếp cấp xã sẽ tác động nhất định đến tâm tư, tình cảm của cán bộ, đảng viên nhân dân.
"Đây là điều dễ hiểu, bởi mỗi con người Việt Nam đều in sâu trong ký ức về hình ảnh quê hương, nơi chôn rau, cắt rốn của mình", Tổng Bí thư chia sẻ.
Tuy nhiên, trước yêu cầu phát triển mới của đất nước, cần thay đổi về tư duy, tầm nhìn, thống nhất về nhận thức tư tưởng, phải vượt lên chính mình, hy sinh lợi ích cá nhân vì lợi ích chung của đất nước.
“Vượt qua khó khăn, lo lắng, tâm lý thói quen bình thường; vượt qua tâm lý, tâm trạng vùng miền để hướng tới tư duy, tầm nhìn rộng lớn hơn. Đất nước là quê hương”, Tổng Bí thư nhấn mạnh.
>> Sau sáp nhập, 6 thành phố trực thuộc Trung ương có quy mô lớn thế nào?