Bộ Thông tin và Truyền thông cho biết, cơ quan chức năng sẽ xử phạt cơ sở kinh doanh sim điện thoại sai quy định tới 40 triệu đồng; tổ chức đăng ký sử dụng từ 50 SIM trở lên, cá nhân sử dụng từ 20 SIM trở lên phải cung cấp thông tin.
Bộ Thông tin và Truyền thông (TT-TT) từng công bố hơn số lượng sim không có thông tin chính xác khoảng 26 triệu số; con số này chiếm khoảng 1/4 số lượng thuê bao di động thời điểm năm 2020.
Tuy nhiên, qua nhiều đợt chuẩn hóa lại thông tin thuê bao và sau đó đối soát với Cơ sở dữ liệu (CSDL) quốc gia về dân cư của Bộ Công an, gần đây chỉ còn 3,84 triệu sim thuê bao mà nhà mạng xác định phải chuẩn hóa do sai thông tin so với CSDL quốc gia về dân cư.
Sử dụng 20 SIM trở lên phải cung cấp thông tin
Nhiều doanh nghiệp, cá nhân đứng tên đăng ký sở hữu hàng ngàn SIM nhưng không rõ mục đích sử dụng, không phù hợp với nhu cầu thực tế hoặc so với số lượng nhân viên hiện có, dẫn đến bùng phát các cuộc gọi quấy rối, khủng bố đòi nợ, lừa đảo, bôi nhọ, xúc phạm gây mất trật tự, an toàn xã hội, nhiều người dân bị thiệt hại về tài sản.
Nhằm chấn chỉnh tình trạng nêu trên, xử lý triệt để vấn đề SIM rác, bộ triển khai đợt thanh tra diện rộng hoạt động đăng ký, lưu trữ thông tin thuê bao trên phạm vi toàn quốc từ ngày 5/4 đến ngày 5/6.
Tính đến ngày 31/3 thì chỉ còn dưới 1,5 triệu sim chưa thực hiện chuẩn hóa thông tin.
Để thanh tra hiệu quả, bộ đề nghị các tỉnh thành phối hợp, giao sở thông tin - truyền thông khẩn trương thành lập đoàn, thanh tra đồng bộ chi nhánh doanh nghiệp viễn thông tại địa phương, các điểm cung cấp dịch vụ, tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân đăng ký sử dụng SIM điện thoại số lượng lớn, có dấu hiệu bất thường.
Hoạt động của doanh nghiệp viễn thông di động tại địa phương gồm: Viettel, VNPT, MobiFone, Vietnamobile, Đông Dương Telecom, MOBICAST, Công ty cổ phần viễn thông ASIM và cả các điểm cung cấp dịch vụ viễn thông đăng ký thông tin thuê bao lớn, có dấu hiệu vi phạm.
Đồng thời yêu cầu các trung tâm, chi nhánh doanh nghiệp viễn thông di động cung cấp dữ liệu đăng ký sử dụng số lượng SIM điện thoại lớn, có dấu hiệu bất thường, như trường hợp các doanh nghiệp, tổ chức đăng ký sử dụng từ 50 SIM trở lên, cá nhân sử dụng từ 20 SIM trở lên.
Đối với việc đăng ký sử dụng SIM điện thoại số lượng lớn, có dấu hiệu bất thường như thuê bao không đầy đủ, không chính xác, có cùng thông tin thuê bao, ảnh chụp giống nhau nhưng được tái sử dụng để thực hiện giao kết hợp đồng theo mẫu, điều kiện giao dịch chung ở các thời điểm khác nhau hoặc tại các điểm cung cấp dịch vụ viễn thông khác nhau.
Xử phạt sim điện thoại sai quy định tới 40 triệu đồng
Theo Bộ TT-TT, thực tế có tình trạng, người kinh doanh sin thuê sinh viên, lao động tự do… đứng tên đăng ký hàng loạt sim rồi đem bán.
Việc xử phạt căn cứ theo Nghị định số 49/2017 sửa đổi, bổ sung Điều 15 của Nghị định 25/2011 quy định quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Viễn thông và Điều 30 của Nghị định số 174/2013 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, công nghệ thông tin và tần số vô tuyến điện (gọi tắt là Nghị định 49).
Nghị định 49 quy định các hành vi bị cấm: Giả mạo; sử dụng giấy tờ tùy thân, giấy chứng nhận pháp nhân của cá nhân, tổ chức khác để giao kết hợp đồng theo mẫu, điều kiện giao dịch chung; Nhập sẵn thông tin thuê bao; kích hoạt dịch vụ di động trả trước cho sim thuê bao khi chưa thực hiện, hoàn thành việc giao kết hợp đồng theo mẫu, điều kiện giao dịch chung theo quy định; Mua bán, lưu thông trên thị trường sim thuê bao đã được nhập sẵn thông tin thuê bao, kích hoạt sẵn dịch vụ di động trả trước; Tiết lộ, sử dụng thông tin thuê bao di động trái pháp luật; Sử dụng sim đa năng, thiết bị có chức năng kích hoạt sim thuê bao không cần phải bẻ SIM để nhập sẵn thông tin thuê bao, kích hoạt sẵn dịch vụ di động trả trước cho sim thuê bao.
Nghị định đưa ra các mức xử phạt nặng cho các hành vi vi phạm với từng chủ thể (doanh nghiệp viễn thông di động, điểm cung cấp dịch vụ viễn thông di động, chủ thuê bao viễn thông di động), đặc biệt là hành vi cung cấp dịch vụ cho tổ chức, cá nhân có thông tin thuê bao không đúng quy định.
Theo đó, phạt tiền từ 200.000 đồng đến 500.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây: Giả mạo; sử dụng giấy tờ của các cá nhân, tổ chức khác để thực hiện giao kết hợp đồng theo mẫu, điều kiện giao dịch chung.
Phạt tiền từ 30 triệu đồng đến 40 triệu đồng đối với một trong các hành vi: Bán sim thuê bao di động khi không được doanh nghiệp viễn thông di động ký hợp đồng ủy quyền giao kết hợp đồng theo mẫu, điều kiện giao dịch chung; Bán, lưu thông trên thị trường sim thuê bao đã được nhập sẵn thông tin thuê bao, kích hoạt sẵn dịch vụ di động trả trước.
Phạt tiền từ 80 triệu đồng đến 100 triệu đồng đối với hành vi cung cấp hoặc sử dụng ứng dụng công nghệ thông tin để giả mạo thông tin, ảnh chụp giấy tờ của cá nhân, tổ chức, ảnh chụp người trực tiếp đến giao kết hợp đồng để thực hiện việc giao kết hợp đồng theo mẫu, điều kiện giao dịch chung cung cấp và sử dụng dịch vụ viễn thông...
Bắt đối tượng dùng trạm BTS giả, dừng chuẩn hóa thông tin thuê bao online 
Dừng chuẩn hóa thông tin thuê bao di động qua hình thức online