Là người truyền cảm hứng cho nhân vật Gordon Gekko trong bộ phim nổi tiếng “Wall Street”, Ivan F. Boesky đã kiếm bộn tiền từ giao dịch nội gián trước khi nhận án tù. Sự kiện ông bị bắt cũng đặt dấu chấm hết cho một thập kỷ Phố Wall bị lũng đoạn bởi lòng tham.
Ivan F. Boesky, nhà đầu tư vẫn được ví là biểu tượng cho lòng tham của Phố Wall  và là nhân vật trung tâm của một loạt bê bối giao dịch nội gián trong thời kỳ những năm 1980, vừa qua đời tại nhà riêng ở San Diego (bang California, Mỹ). Ông hưởng thọ 87 tuổi.
Tháng 11/1986, Boesky thú nhận đã giao dịch nội gián và nhận án phạt 100 triệu USD (là mức cao kỷ lục ở thời đó), khiến cả Phố Wall rúng động. Đây cũng là mở màn cho một chuỗi các sự kiện chấm dứt thập kỷ Phố Wall chứng kiến hoạt động thâu tóm doanh nghiệp rầm rộ và nhiều người tích lũy được số tài sản kếch xù nhờ làm giàu bất chính. Cũng chính những lời khai của ông đã dẫn đến sự sụp đổ của ngân hàng đầu tư Drexel Burnham Lambert cùng với “vua trái phiếu  rác” Michael Milken.
Chiến lược đầu tư của Boesky là mua bán một số lượng rất lớn cổ phiếu của các công ty sẽ trở thành mục tiêu bị thâu tóm. Các giao dịch ăn chênh lệch giá (arbitrage) từng là một thế giới buồn tẻ nhưng ông đã thay đổi hoàn toàn điều đó bằng phong cách đầu tư quyết đoán và mạnh bạo. Chính vì sự quyết liệt đó, ông còn được mệnh danh là "bạo chúa Phố Wall".
Ở thời kỳ đỉnh cao vào giữa những năm 1980, Boesky tích lũy được khối tài sản 280 triệu USD (tương đương 818 triệu USD quy đổi theo tỷ giá hiện tại) và danh mục đầu tư trị giá 3 tỷ USD (tương đương 8,7 tỷ USD ở thời điểm hiện tại), dù phần lớn danh mục được tài trợ bởi tiền đi vay mượn.
Ông cũng sở hữu nhiều bất động sản hạng sang, trong đó có biệt thự ở hạt Westchester (New York) từng thuộc về nhà Revson, gia tộc sáng lập hãng mỹ phẩm Revlon. Ngoài ra, ông còn có 1 khu nghỉ dưỡng ở Frech Riviera, một căn hộ cao cấp ở thủ đô Paris (Pháp) và 1 căn hộ ở Hawaii. Ông cùng vợ nắm cổ phần ở khách sạn Beverly Hills, nơi các ngôi sao Hollywood và nhiều ông trùm tài chính thường dừng chân.
Boesky được cho là chỉ ngủ 2-3 tiếng mỗi đêm. Ông thường dậy từ 4h30 sáng, sau đó đi xe limousine tới văn phòng ở New York, nơi được trang bị 160 đường dây điện thoại và một bộ màn hình cho phép ông quan sát và lắng nghe nhân viên mọi lúc. Ngày nào ông cũng mặc bộ vest màu đen kết hợp với sơ mi trắng bên trong, đặc biệt có 1 sợi dây bằng vàng thò ra khỏi túi áo vest. Ông thích đứng cả ngày hơn là ngồi, ăn ít nhưng lại uống rất nhiều café.
Ivan Frederick Boesky khi rời phiên tòa xét xử năm 1987 |
“Tham lam không có gì sai”
Trên phố Wall lúc đó xuất hiện một nhóm nhà đầu tư được gọi là “những kẻ tạo vua”. Được hậu thuẫn bởi tiền giá rẻ huy động được qua các trái phiếu rác, Carl Icahn, T. Boone Pickens, James Goldsmith, Saul Steinberg cùng với Boesky và Milken đã có thể làm giàu nhanh chóng bằng cách “tấn công” các công ty và khiến thị trường chứng khoán Mỹ chao đảo trước cú sụp đổ năm 1987.
Trong bài phát biểu tại ĐH California năm 1986, Boesky tự tin khẳng định rằng “tham lam không có gì sai, bạn có thể tham lam mà vẫn cảm thấy tốt về bản thân mình”. Đáp lại, đám đông sinh viên kinh tế ở dưới vỗ tay không ngớt. Đây cũng chính là ý chính trong bài phát biểu nổi tiếng của nhân vật Gordon Gekko (do Michael Douglas thủ vai) trong bộ phim “Wall Street”. Năm 1985, Boesky còn xuất bản cuốn sách “Merger Mania” (tạm dịch: Cơn sốt sáp nhập), chia sẻ các kỹ năng đàm phán và khả năng xuất sắc của bản thân trong việc nhận dạng mục tiêu thâu tóm tiếp theo.
Thế nhưng đằng sau sự thành công của Boesky lại là sự lừa dối: ông đã bỏ tiền mua các thông tin nội bộ trong doanh nghiệp, từ đó có lợi thế hơn người khác và thao túng thị trường.
Một trong những nguồn tin lớn nhất của Boesky là Martin Siegel, người lúc đó đang làm 1 nhân viên ngân hàng đầu tư tại Kidder, Peabody & Company. Để đối lấy thông tin, Boesky chuyển cho Siegel những vali chứa đầy tiền mặt, có lúc là 150.000 USD, 200.000 USD hay có lúc lên đến 400.000 USD. Họ thường giao dịch tại khách sạn Plaza ở Manhattan.
Năm 1986, “thế giới” của Boesky bắt đầu đảo lộn khi Dennis Levine, 1 banker cấp thấp hơn so với Siegel, bị buộc tội giao dịch nội gián. Cơ quan điều tra phát hiện trong cuốn sổ ghi chú của Levine có nhắc tới Boesky. Đến tháng 9 năm đó, ông bị bắt.
Đằng sau sự thành công của Boesky lại là sự lừa dối: ông đã bỏ tiền mua các thông tin nội bộ trong doanh nghiệp, từ đó có lợi thế hơn người khác và thao túng thị trường |
Cậu bé đến từ Detroit
Ivan Frederick Boesky sinh ngày 6/3/1937 tại Detroit. Bố ông là một người Do Thái nhập cư từ Nga. Gia đình họ có 1 chuỗi nhà hàng mang tên Brass Rail nhưng cuối cùng đã phá sản. Khi đó mới 13 tuổi, dù không có bằng lái xe, cậu bé Ivan đã lái chiếc xe tải chở kem đi bán dạo ở khắp các con phố để kiếm từng đồng bạc lẻ.
Tuy nhiên Ivan vẫn được theo học ở những ngôi trường danh giá. Ông ghi danh ở 3 trường Đại học nhưng đều bỏ dở. Cuối cùng, sau 5 năm với 2 lần bỏ dở giữa chừng, năm 1964 ông được nhận bằng từ trường Luật Detroit. Ra trường, ông làm một nhân viên kế toán.
Năm 1962, Boesky kết hôn với Seema Silberstein, con gái của nhà phát triển bất động sản sở hữu khách sạn Beverly Hills, từ đó bước chân vào giới thượng lưu. Năm 27 tuổi, ông được một người bạn cùng lớp cấp 3 đang làm việc cho Bear Stearns chia sẻ thông tin về các giao dịch arbitrage. Rất thích thú với điều này, ông chuyển tới New York, sống trong căn hộ sang trọng ở ngay Park Avenue do bố vợ mua cho.
Ông trở thành thực tập sinh tại ngân hàng đầu tư, sau đó làm chuyên gia phân tích và arbitrageur tại 1 công ty tài chính. Tuy nhiên sau đó Boesky bị sa thải vì để lỗ 20.000 USD. Năm 1975, với 700.000 USD từ gia đình nhà vợ, ông khởi nghiệp công ty Ivan F. Boesky, công ty môi giới thực hiện các giao dịch arbitrage. Mục tiêu ban đầu của công ty là những khoản đầu tư nhỏ và thận trọng vào các công ty đã được thông báo là sẽ được mua lại, với kỳ vọng giá cổ phiếu sẽ tăng.
Hình ảnh Ivan Boesky khi ở đỉnh cao sự nghiệp |
Nhưng Boesky nhanh chóng hướng sang những cú đặt cược lớn và đầy rủi ro. Có lúc ông đặt cược 10 triệu USD, thậm chí cả 100 triệu USD, vào những công ty mà ông nghĩ là sẽ được mua lại dù chưa có thông tin chính thức. Ông cũng đi vay mượn rất nhiều. Boesky đặt cược khoảng 65 triệu USD khi Chevron mua lại Gulf, 50 triệu USD khi Texaco mua lại Getty và 50 triệu USD khi Philip Morris thâu tóm General Foods.
Người bạn thân thiết nhất của Boesky là Milken, trưởng bộ phận giao dịch trái phiếu rác tại Drexel Burnham. Hai người ngày nào cũng nói chuyện với nhau, và phần lớn là Milken thu xếp nguồn tài chính cho các thương vụ của Boesky.
Cuộc đời bình lặng
Boesky nhận tội vào tháng 11/1986, đồng ý nộp phạt 100 triệu USD. Tháng 12 năm đó, ông bị kết án 3 năm tù. Năm 1990, ông được trả tự do ở tuổi 53. Năm 1991, vợ ông đệ đơn ly hôn. Sau vụ ly hôn, ông được chia 20 triệu USD và ngôi nhà trị giá 2,5 triệu USD ở California, cộng với khoản trợ cấp 180.000 USD mỗi năm.
Trong quãng thời gian tiếp theo, ông sống cuộc đời bình lặng và kín tiếng ở La Jolla, nơi ông tái hôn và có thêm 1 người con.