Bảo hiểm Sun Life hoạt động tại Việt Nam đến nay được 9 năm, và thua lỗ cả 9 năm liên tiếp. Trong đó, 2 năm gần nhất lỗ 3.000 tỷ đồng.
Bộ Tài chính vừa tiến hành thanh tra 4 doanh nghiệp bảo hiểm  là Prudential , MB Ageas, Sun Life, BIDV Metlife. Kết qủa cho thấy cả 4 doanh nghiệp đều có nhiều sai phạm, đặc biệt việc bán bảo hiểm qua kênh ngân hàng.
Kết luận thanh tra tại Công ty TNHH bảo hiểm nhân thọ Sun Life Việt Nam cho thấy doanh nghiệp bảo hiểm này có rất nhiều sai phạm, từ khâu đào tạo nhân viên, quy trình hoạt động, quy trình giám sát đại lý và khoản hạch toán chưa đúng hơn 600 tỷ đồng.
Bảo hiểm Sun Life thua lỗ 9 năm liên tiếp
Báo cáo tài chính của Bảo hiểm Sun Life Việt Nam năm 2021, 2022 ghi nhận 2 năm liên tiếp doanh nghiệp đều lỗ hơn 1.400 tỷ đồng mỗi năm. Tổng lỗ của năm 2021 và 2022 lên đến hơn 3.000 tỷ đồng.
Bảo hiểm Sun Life được thành lập tháng 1/2013 tại Việt Nam, chủ sở hữu là Sun Life Assurance Company of Canada. Không tính năm 2013 - mới thành lập chưa đủ nguyên năm tài chính - thì từ 2014 đến nay Sun Life đã lỗ liên tiếp 9 năm. Tổng lỗ lũy kế 4.574 tỷ đồng.
Đáng chú ý, doanh thu của công ty lại tăng mạnh hàng năm từ 2017 đến nay, trong đó doanh thu năm 2021 tăng 130% so với năm 2020; năm 2022 doanh thu tăng 72% so với năm 2021.
Một nghịch lý là, doanh thu càng tăng, số lỗ càng lớn. Nếu như năm 2016 Sun Life đang lỗ quanh mức 100 tỷ đồng, thì năm 2019 số lỗ gấp 3 lần lên 332 tỷ đồng. Năm 2020 doanh thu tăng 30% so với năm 2019 nhưng lại lỗ gấp đôi. Năm 2021 và 2022 hiện đang lỗ lớn nhất, trên 1.400 tỷ đồng mỗi năm. Vì sao? cùng đi tìm nguyên nhân.
Chi hoa hồng và khen thưởng đại lý bào mòn lợi nhuận
Xét tình hình kinh doanh năm 2022, doanh thu thuần hoạt động kinh doanh bảo hiểm đạt 5.173 tỷ đồng, tăng 72% so với cùng kỳ. Trong các khoản chi phí, đáng chú ý những khoản “chi phí khác hoạt động kinh doanh bảo hiểm”, trong đó có 1.193 tỷ đồng là chi hoa hồng bảo hiểm (tăng 371 tỷ đồng so với cùng kỳ).
Ngoài ra, chi phí bán hàng hơn 3.453 tỷ đồng trong đó có “chi khen thưởng hỗ trợ đại lý 2.900 tỷ đồng (tăng 720 tỷ đồng so với cùng kỳ). Tổng chi hoa hồng bảo hiểm cùng với khen thưởng hỗ trợ đại lý trong năm lên đến gần 4.100 tỷ đồng. Năm 2021 tổng chi cho 2 khoản này cũng xấp xỉ 3.000 tỷ đồng.
Trong khi chi thưởng, chi hoa hồng hàng nghìn tỷ đồng, thì Bảo hiểm Sun Life chỉ dành chưa đến 22 tỷ đồng cho công tác đào tạo ban đầu và thi cấp chứng chỉ.
Nhà đầu tư, giới quan tâm đặt câu hỏi, không tính đến khoản chia hoa hồng, thì tại sao công ty kinh doanh thua lỗ, vẫn dành hàng nghìn tỷ đồng để chi khen thưởng hỗ trợ đại lý – và việc này vẫn thực hiện đều đặn nhiều năm nay? Trong khi đó công tác đào tạo yếu kém, để xảy ra nhiều sai phạm, nhất là việc nhân viên tư vấn không thực hiện đúng quy trình, dẫn đến nhiều kiện cáo, bức xúc của người dân lại xảy ra?
Mang tiền đi đầu tư trái phiếu
Với các doanh nghiệp bảo hiểm, việc dùng tiền để đầu tư tài chính vào các khoản đầu tư an toàn như kênh đầu tư trái phiếu chính phủ, hoặc mang tiền đi gửi tiết kiệm. Cũng có một số doanh nghiệp dùng phần nhỏ đi đầu tư mạo hiểm vào chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp…
Tuy vậy mang bao nhiêu đi đầu tư, và đầu tư vào đâu trong khi tình hình thị trường trái phiếu đang rất nóng cũng là chủ đề những khách hàng của các doanh nghiệp bảo hiểm quan tâm, xem dòng tiền của mình đang đổ vào những đâu, mức độ rủi ra ra sao?
Báo cáo cho thấy Bảo hiểm Sun Life dành hơn 2.700 tỷ đồng đi gửi tiết kiệm có kỳ hạn tại ngân hàng; hơn 3.200 tỷ đồng đầu tư trái phiếu chính phủ; gần 100 tỷ đồng đầu tư khác; đáng chú ý là khoản đầu tư vào trái phiếu doanh nghiệp.
Tính đến 31/12/2022 Bảo hiểm Sun Life ghi nhận khoản đầu tư vào trái phiếu đã tăng đáng kể so với đầu năm. Giá trị đầu tư trái phiếu doanh nghiệp ngắn hạn 262 tỷ đồng và trái phiếu dài hạn gần 1.400 tỷ đồng (tăng 652 tỷ đồng so với đầu năm). Tổng giá trị đầu tư vào trái phiếu doanh nghiệp 1.656 tỷ đồng.
'Người bệnh ung thư, sao còn bắt đi xin giấy chuyển viện' 
Phó giám đốc bệnh viện ở Thanh Hóa bị khởi tố liên quan tới trục lợi bảo hiểm