Báo Mỹ: 'Giáng đòn' vào thép Trung Quốc, Việt Nam và các quốc gia gây sức ép lên thị trường thế giới
Việt Nam hiện là nhà nhập khẩu thép Trung Quốc lớn nhất, trong đó HRC là mặt hàng chủ lực.
Việt Nam sẽ áp thuế chống bán phá giá đối với thép nhập khẩu từ Trung Quốc. Đây là động thái tiếp nối các biện pháp tương tự từ Hàn Quốc và nhiều quốc gia khác nhằm đối phó với nguồn cung thép dồi dào từ nhà sản xuất thép lớn nhất thế giới.

Theo thông báo từ Bộ Công Thương vào thứ Sáu (21/2), Việt Nam sẽ áp dụng thuế tạm thời đối với một số sản phẩm thép cuộn cán nóng (HRC) từ đầu tháng 3. Hiện nay, Việt Nam là nước nhập khẩu thép Trung Quốc lớn nhất, trong đó HRC là mặt hàng xuất khẩu chủ lực.
Năm 2024, Trung Quốc  xuất khẩu lượng thép lớn nhất trong vòng 9 năm qua khi các nhà sản xuất nước này tìm đến thị trường toàn cầu để bù đắp sự suy giảm nghiêm trọng trong lĩnh vực xây dựng trong nước. Điều này tạo tiền đề cho Tổng thống Mỹ Donald Trump đề xuất mức thuế 25% đối với tất cả hàng nhập khẩu vào Mỹ, đồng thời khiến nhiều quốc gia như Hàn Quốc, Brazil và Ấn Độ cân nhắc áp dụng các biện pháp thuế quan.
Theo kế hoạch, mức thuế tạm thời của Việt Nam sẽ dao động từ 19,38% đến 27,83%, có hiệu lực từ ngày 7/3 và kéo dài trong 120 ngày.
Theo Citigroup, biện pháp này dự kiến sẽ ảnh hưởng đến khoảng 50% trong tổng số 8 triệu tấn HRC mà Trung Quốc xuất khẩu sang Việt Nam trong năm qua. Hiện nay, Việt Nam là thị trường nhập khẩu thép Trung Quốc  lớn thứ hai thế giới, chỉ sau chính quốc gia này.
Cuộc điều tra chống bán phá giá được khởi xướng bởi hai nhà sản xuất thép hàng đầu Việt Nam là Tập đoàn Hòa Phát và Công ty TNHH Gang thép Formosa Hà Tĩnh. Ban đầu, họ yêu cầu điều tra thép nhập khẩu từ cả Ấn Độ và Trung Quốc, tuy nhiên hiện tại thuế chưa được áp dụng đối với thép Ấn Độ.
Làn sóng bảo hộ thương mại ngày càng gia tăng đang tạo áp lực lên Bắc Kinh trong việc kiểm soát ngành công nghiệp thép khổng lồ, đặc biệt khi nhu cầu trong nước suy yếu trong những năm gần đây. Giá thép kỳ hạn tại Trung Quốc đã giảm tới 1,8%, trong khi cổ phiếu của các nhà sản xuất thép tại Việt Nam lại có xu hướng tăng.
Theo nhóm phân tích của Citigroup do Jack Shang đứng đầu, các quyết định áp thuế gần đây có thể thúc đẩy chính phủ Trung Quốc thực hiện cải cách nguồn cung mới, nhằm siết chặt kỷ luật sản xuất và cải thiện lợi nhuận ngành.
Trên thị trường, giá HRC kỳ hạn tại Sàn giao dịch Thượng Hải đã giảm 1,3%, trong khi giá quặng sắt tại Singapore ổn định ở mức 107,45 USD/tấn.
Theo BT
>> ByBit huy động được 4 tỷ USD chỉ trong 24 giờ sau vụ hack lớn nhất lịch sử ngành tiền số