Bất động sản phía Nam: 'Cơn sóng bung hàng' sau thời gian 'ủ lực'?
Thị trường địa ốc phía Nam được dự báo sẽ bật tăng mạnh trong năm 2025 với nhiều dự án đã lên kế hoạch "tung hàng".
Nhiều chuyển động mới trong năm 2025
Theo đánh giá của các chuyên gia, thị trường bất động sản  (BĐS) phía Nam đã ghi nhận nhiều chuyển biến tích cực ngay sau Tết Nguyên đán.
Theo đó, tâm điểm của thị trường trong thời gian tới sẽ không còn thuộc về TP. HCM mà lan rộng và tập trung ở vùng "tứ giác" của đô thị này gồm: Bình Dương, Đồng Nai, Long An và Bà Rịa - Vũng Tàu.
Phó Tổng Giám đốc DKRA Vietnam - ông Trần Hiếu cho biết điểm sơ lược về thị trường Bình Dương từ nay đến hết quý II/2025, sẽ có khoảng 10 dự án căn hộ mới được ra hàng, nếu như cộng dồn các dự án cũ, ước tính trong năm 2025 sẽ có ít nhất 20.000 căn hộ được tung ra thị trường, chưa kể các dự án đất nền và nhà phố.

Trong khi đó, đối với thị trường tại Long An, tâm điểm là Bến Lức, vị chuyên gia này dự báo trong năm 2025 sẽ có sự bùng nổ về nguồn cung.
Đơn cử có thể kể đến như CTCP Prodezi Long An dự kiến trong quý II/2025 sẽ mở bán sản phẩm tại dự án LA Home quy mô gần 100 ha với khoảng 3.500 sản phẩm nhà phố, biệt thự.
Tại Đồng Nai, thời gian qua địa phương này đã tiến hành triển khai đấu giá hàng loạt các khu đất vàng, những dự án bị vướng về mặt pháp lý, đồng thời từng bước tháo gỡ cũng như mở bán trở lại các dự án như Aqua City quy mô 1.000ha, do Novaland làm chủ đầu tư.
Đa phần các doanh nghiệp và nhà đầu tư đều quan tâm đến thị trường Đồng Nai do năm 2025 được xem là "điểm rơi" của hệ thống hạ tầng kết nối, từ dự án sân bay Long Thành đang được xây dựng cho đến dự án cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu... đang được đẩy nhanh tiến độ.
Thời điểm bắt đầu một chu kỳ mới
Các chuyên gia nghiên cứu thị trường cho rằng năm 2025 được xem là thời điểm bắt đầu của một chu kỳ mới.
Theo đó, có nhiều yếu tố để nhận diện chu kỳ này, một trong số đó chính là hạ tầng giao thông sẽ dẫn dắt thị trường vệ tinh quanh các TP lớn.
Nếu như tiềm năng gia tăng, giá trị của bất động cũng vì thế mà thay đổi, quỹ đất tại các đô thị vệ tinh hiện vẫn còn dồi dào và giá cả phải chăng.
Trên thực tế, sau giai đoạn khó khăn kéo dài, thị trường đã bắt đầu định hình lại, nhiều chủ đầu tư đã vượt qua thách thức và từng bước cơ cấu lại hoạt động. Nhiều dự án vướng thủ tục tiếp tục được tháo gỡ nhằm chuẩn bị cho các giai đoạn phát triển mới.

Theo Tổng Giám đốc Công ty BĐS TPI - ông Trần Hoài Bảo cho rằng thị trường BĐS hiện đã bước qua giai đoạn khó khăn nhất và bắt đầu bước vào giai đoạn phục hồi.
Dù vậy, sự phục hồi của thị trường ở đây không đồng nghĩa với việc không phải dự án nào cũng bán tốt và dự án nào cũng sẽ được khách hàng quan tâm và ai cũng là nhà đầu tư BĐS.
Ở một góc nhìn khác, Tổng Giám đốc SeaHodings - ông Trần Hiền Phong đánh giá thị trường hiện đang từng bước phục hồi nhưng sẽ rất khác so với trước đây.
Nhiều khu vực đã giảm rất sâu so với giai đoạn đỉnh điểm nhưng gần như mất đi thanh khoản do không có người mua. Nhưng cũng có nhiều nơi giá và thanh khoản đều tăng cao trở lại nhờ đáp ứng được nhu cầu thực tế.
Theo dự báo, quỹ đất khu vực vệ tinh tại các TP lớn sẽ được săn đón nhiều hơn trong tương lai, nhờ đó nhưng khu vực "sạch" về pháp lý sẽ khó tiếp cận hơn trước kia.
Các chuyên gia cho rằng thị trường BĐS vẫn luôn vận hành theo quy luật cung - cầu do đó, nhu cầu đầu tư và khai thác sử dụng sẽ vẫn không ngừng tăng cao.
Giữa bối cảnh thị trường BĐS và các đô thị lớn, đặc biệt là TP. HCM ngày càng khan hiếm nguồn cung, mức giá bị đẩy lên cao thì việc giãn dân đô thị ra các vùng vệ tinh dần trở thành xu hướng tất yếu.
Chính vì thế mà các khu vực đóng vai trò là vệ tinh của TP. HCM như Bình Dương, Đồng Nai, Long An... nổi lên như các điểm sáng mới.
Cùng với đó, sự đồng bộ và hoàn thiện về hạ tầng giao thông tại các khu vực này cũng đã tạo ra sự kết nối thuận tiện giữa TP. HCM và các khu vực lân cận, làm giảm thời gian di chuyển cũng như tăng giá trị của BĐS, góp phần thu hút đông đảo sự chú ý của người mua, bao gồm cả mua để ở và để đầu tư dài hạn.
>> Đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam hơn 67 tỷ USD có chuyển động mới