Bất kể ai thắng cử, cuộc chiến công nghệ Mỹ - Trung sẽ không có lựa chọn ‘mềm mỏng’
Cả hai ứng viên đều có cách tiếp cận khác nhau nhưng chung mục tiêu là kiềm chế sự tiến bộ công nghệ của Trung Quốc.
Theo các cựu quan chức từ chính quyền Biden và Trump cùng các chuyên gia, Mỹ sẽ tăng cường kiểm soát dòng chảy hàng hóa công nghệ từ Trung Quốc, đặc biệt là chip bán dẫn cơ bản, xe thông minh và các mặt hàng khác. Đồng thời, việc kiểm soát xuất khẩu thiết bị sản xuất chip và chip AI cao cấp sang Trung Quốc cũng sẽ được thắt chặt.
Trong chiến dịch tranh cử, cả bà Harris và ông Trump đều thể hiện quan điểm cứng rắn với Trung Quốc . Harris nhấn mạnh mục tiêu giúp Mỹ dẫn đầu cuộc cạnh tranh thế kỷ 21, trong khi Trump đề xuất tăng thuế để đối phó với sự phát triển công nghệ của Trung Quốc.
Peter Harrell, cựu quan chức an ninh quốc gia dưới thời chính quyền Biden, cho biết: "Chúng ta đang chứng kiến sự mở rộng của mặt trận mới trong cuộc chiến tranh lạnh công nghệ Mỹ - Trung , tập trung vào dữ liệu, phần mềm và các thiết bị kết nối."
Tháng trước, Mỹ đã đề xuất quy định hạn chế xe hơi thông minh sử dụng linh kiện Trung Quốc lưu thông trên đường phố Mỹ, trong khi một luật mới được thông qua vào mùa xuân năm nay yêu cầu TikTok phải được bán khỏi công ty mẹ Trung Quốc vào năm sau, nếu không sẽ bị cấm.
Harrell cho biết: “Việc công ty Trung Quốc có khả năng truy cập và cập nhật thiết bị gây nhiều lo ngại. Vấn đề xe hơi thông minh và TikTok chỉ là phần nổi của tảng băng chìm”.
Theo người thân cận, nếu đắc cử, bà Harris có thể sẽ theo đuổi chính sách có định hướng rõ ràng và phối hợp hơn so với ông Trump. Harrell cho biết bà có thể tiếp tục hợp tác với các đồng minh như cách chính quyền Biden đã làm để ngăn công nghệ Mỹ hỗ trợ quân đội Trung Quốc.
Ngược lại, một chính quyền Trump có thể hành động nhanh hơn và sẵn sàng trừng phạt các đồng minh cứng đầu. Jamieson Greer, cựu chánh văn phòng của Đại diện Thương mại Mỹ Robert Lighthizer dưới thời Trump, nhận xét: "Chúng ta đã học được từ nhiệm kỳ đầu của Trump rằng ông ấy có xu hướng hành động nhanh chóng".
Bà Nazak Nikakhtar, một cựu quan chức Bộ Thương mại dưới thời Trump, dự đoán một chính quyền Trump sẽ "hung hăng hơn nhiều về chính sách kiểm soát xuất khẩu đối với Trung Quốc". Theo bà, danh sách các đơn vị bị hạn chế sẽ được mở rộng, bao gồm cả các chi nhánh và đối tác của những công ty đã bị liệt kê.
Nikakhtar cho rằng việc cấp phép xuất khẩu công nghệ sang Trung Quốc sẽ khó khăn hơn, với các hạn chế không chỉ về chip mà còn cả sản phẩm chứa chip Trung Quốc.
Ông Bill Reinsch, cựu quan chức Bộ Thương mại thời Clinton, nhận định ông Trump sẽ áp dụng biện pháp mạnh trong kiểm soát, khác với cách tiếp cận tinh tế hơn của Harris. Trump đã đề xuất áp thuế 10-20% với mọi hàng nhập khẩu và trên 60% với hàng Trung Quốc.
Đáp lại, Trung Quốc đã có những động thái phản ứng. Năm ngoái, nước này nhắm vào Micron Technology sau khi Mỹ siết chặt kiểm soát xuất khẩu. Trung Quốc cũng đã áp dụng các hạn chế xuất khẩu đối với các kim loại như germanium và gallium, những chất quan trọng trong sản xuất chip. Gần đây nhất, Trung Quốc đã đưa ra các hạn chế mới đối với một số sản phẩm graphite, nguyên liệu quan trọng trong pin xe điện, ngay sau khi Mỹ thắt chặt quy định về xuất khẩu chip.
Wilbur Ross, cựu Bộ trưởng Thương mại Mỹ, nhấn mạnh cần có cách tiếp cận cứng rắn nhưng chiến lược với Trung Quốc, do Mỹ vẫn phụ thuộc vào nguồn đất hiếm từ nước này. "Sẽ rất nguy hiểm nếu cố cắt đứt hoàn toàn mối quan hệ", ông nói.
Theo Reuters
>> Mỹ hay Trung Quốc: Quốc gia nào mới là siêu cường số 1 thế giới?
Nhiều hãng hàng không lớn đồng loạt rút khỏi Trung Quốc, chuyện gì đã xảy ra? 
Tỷ phú Warren Buffett bất ngờ có thông báo quan trọng về bầu cử Tổng thống Mỹ