Bất ngờ loạt doanh nhân tiếng tăm từng phục vụ quân đội: Từ đại gia "điếu cày", "Đường bia", nữ tướng REE đến chủ tịch nhà băng lớn
Trước khi trở thành doanh nhân thành đạt như hiện nay, họ từng xuất thân từ những người lính. Thậm chí có những người đã trực tiếp chiến đấu tại chiến trường miền Nam.
Trước khi trở thành doanh nhân, họ từng là những người lính quân y, chiến sĩ tàu không số, sĩ quan... Sau khi xuất ngũ, bằng khối óc và sự sáng tạo không ngừng nghỉ, họ lại tiếp tục tham gia cống hiến cho nền kinh tế của đất nước và gặt hái được thành công trong nhiều lĩnh vực.
Bà Nguyễn Thị Mai Thanh - Nữ tướng đứng sau cơ điện lạnh REE
Bà Nguyễn Thị Mai Thanh từng có 6 năm làm quân y trong thời kỳ chống Mỹ cứu nước. Sinh ra trong gia đình có truyền thống quân đội, bà Mai Thanh gia nhập quân ngũ vào tháng 5/1968, khi đó bà mới chỉ 16 tuổi, với nhiệm vụ đầu tiên là tham gia khóa học đào tạo dược tá tại Sư Đoàn 9 chiến đấu khu Đ, miền Đông Nam Bộ. Công việc của một người lính quân y theo bà đến suốt 6 năm sau đó, trước khi được cử ra miền Bắc học văn hóa vào năm 1973.
Tốt nghiệp Đại học Kỹ thuật Karl Marx Stadt (Đức) năm 1982, bà Mai Thanh trở về làm việc tại Xí nghiệp liên hợp Thiết bị Lạnh với vị trí kỹ sư. Năm 1985, bà được bổ nhiệm làm Phó giám đốc và 10 năm sau trở thành Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc CTCP cơ điện lạnh REE (mã REE).
Dưới sự dẫn dắt của bà Mai Thanh, cơ điện lạnh REE đã phát triển từ một xí nghiệp cơ khí cũ kỹ, sản xuất thiết bị điện lạnh cho các nhà máy nước đá, thành một thương hiệu lớn trong ngành.
Trên thị trường chứng khoán, cổ phiếu REE được biết đến khi là một trong hai doanh nghiệp đầu tiên niêm yết (cùng với SAM). Tuy nhiên, thương hiệu REE ngày nay được biết đến như một tập đoàn đầu tư đa ngành với các lĩnh vực: bất động sản, điện, nước, khoáng sản...
Vào tháng 3/2019, bà Nguyễn Thị Mai Thanh được Forbes vinh danh vào top “50 phụ nữ ảnh hưởng nhất Việt Nam năm 2019”.
Ông Lê Thanh Thản - Chủ tịch Tập đoàn Mường Thanh
Ông Lê Thanh Thản (sinh năm 1949, tại xã Diễn Lâm, huyện Diễn Châu, tỉnh Nghệ An). Năm 1974, khi sắp tốt nghiệp cấp 3, ông ngưng việc học và xung phong đi bộ đội tham gia chiến đấu tại chiến trường miền Nam với vai trò là chiến sỹ thông tin.
Đến năm 1978, ông được cấp trên điều đi học tại trường Đảng Lê Hồng Phong. Sau đó, ông được tổ chức phân công tăng cường cho tỉnh Lai Châu - một tỉnh miền núi phía Bắc đang gặp nhiều khó khăn kinh tế, phức tạp về an ninh trật tự và phải đấu tranh với nhiều âm mưu thủ đoạn của các thế lực thù địch. Đến năm 1984, ông được điều động về làm Phó chánh Văn phòng Huyện ủy Mường Lay.
Tưởng rằng, ông Thản sẽ đi theo con đường quan lộ, nhưng cuối cùng ông lại chọn làm kinh tế tư nhân tại miền đất mà với nhiều doanh nhân là "không có nhiều triển vọng" này.
Sau một thời gian dài vật lộn với thị trường, năm 1990, ông Thản thành lập Xí nghiệp tư nhân xây dựng số 1 Lai Châu (nay là Doanh nghiệp tư nhân xây dựng số 1 tỉnh Điện Biên). Sau ngày thành lập, doanh nghiệp tư nhân của ông Thản mở rộng thị trường xây dựng không chỉ tại tỉnh Lai Châu (tỉnh Điện Biên và tỉnh Lai Châu hiện nay) mà còn ký kết được những gói thầu lớn ở nhiều tỉnh khác trong nước và cả nước bạn Lào.
Năm 1997, khách sạn đầu tiên mang thương hiệu Mường Thanh được thành lập tại thành phố Điện Biên. Từ đó đến nay, hàng loạt khách sạn mang thương hiệu Mường Thanh đã lần lượt xuất hiện trên khắp các tỉnh thành dọc theo chiều dài đất nước.
Tuy nhiên, tháng 4 vừa qua, ông Lê Thanh Thản đã bị truy tố với tội danh "Lừa dối khách hàng" trong dự án CT6 Kiến Hưng. Ngày 10/8, TAND Hà Nội sẽ mở phiên tòa xét xử Chủ tịch Tập đoàn Mường Thanh và 6 bị cáo khác.
Ông Dương Công Minh - Chủ tịch Sacombank
Ông Dương Công Minh sinh năm 1960, quê Quế Võ, Bắc Ninh. Ông từng tốt nghiệp cử nhân chuyên ngành Vật giá năm 1984 tại Đại học Kinh tế Kế hoạch (nay là Đại học Kinh tế Quốc dân). Trước khi ra kinh doanh, ông Minh từng là trung úy trong quân đội và có hơn 13 năm làm quản lý tại các doanh nghiệp quân đội.
Trong một buổi tọa đàm vào cuối năm 2018, ông Minh từng chia sẻ: “Báo chí đều nói tôi là đại tá, trung tá nhưng tôi là trung úy quân đội, tức là đi nghĩa vụ quân sự là thiếu úy ra quân là trung úy”.
Vị doanh nhân gốc Bắc Ninh từ lâu được biết đến với biệt danh "Minh Him Lam". Trước đó, ông cũng từng có biệt danh "Minh Xoài", cái tên bắt nguồn từ việc ông Minh kinh doanh xoài xuất khẩu sang Trung Quốc trong những năm đầu thập niên 1990.
Trong một phi vụ thua lỗ, ông Minh đã phải bán căn nhà rộng 1.000 m2 để trả nợ. Tuy nhiên, chính trong lúc lo thủ tục giấy tờ bán nhà ông Minh đã nhận thấy những cơ hội làm giàu từ bất động sản. Những ý tưởng lúc đó về sau đã hình thành nên CTCP Him Lam – Him Lam Group, một trong những tập đoàn phát triển bất động sản lớn tại Việt Nam hiện nay.
Tên tuổi của ông Minh gắn liền với Tập đoàn Him Lam và LienVietPostBank (nay là LPBank) - những nơi ông giữ vị trí Chủ tịch HĐQT. Ông Minh cũng chia sẻ rằng cái tên Him Lam là địa danh gắn với chiến dịch Điện Biên Phủ "lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu".
Ngày 30/6/2017, ông Dương Công Minh chính thức đảm nhận chức vụ Chủ tịch HĐQT Sacombank.
Vào tháng 1/2018, ông Dương Công Minh trở thành lãnh đạo ngân hàng đầu tiên rời cương vị lãnh đạo tại các doanh nghiệp khác nhằm đáp ứng Luật các tổ chức tín dụng sửa đổi. Theo đó, ông đã chính thức từ chức Chủ tịch HĐQT tại 4 công ty gồm: CTCP Him Lam, CTCP Dụng cụ Thể thao Bảo Long, CTCP Phát triển Xín Mần, CTCP Chứng khoán Liên Việt. Hiện tại, ông Minh chỉ giữ chức vụ Chủ tịch HĐQT duy nhất tại Sacombank.
Doanh nhân “Đường bia” - Chủ tịch Hòa Bình Group
Doanh nhân Nguyễn Hữu Đường từng có những năm tháng chiến đấu trong công cuộc thống nhất đất nước. Ông rời quân ngũ năm 1975, rồi đi chở bia thuê ở Hà Nội trong 10 năm trước khi tự mình kinh doanh bia. Biệt danh “Đường bia” cũng được người ta biết đến từ ngày đó.
Thành công với lĩnh vực đồ uống, doanh nhân Nguyễn Hữu Đường rót vốn vào lĩnh vực bất động sản và thành công với một loạt dự án bất động sản chất lượng, uy tín trên thị trường như: tháp đôi Somerset Hòa Bình (106 Hoàng Quốc Việt, Hà Nội), chung cư cao cấp khu Vĩnh Phúc, Ba Đình, Hòa Bình Green City (505 Minh Khai, Hà Nội).
Ông luôn tự hào về những dự án mình từng làm, ông cũng từng nổi tiếng với tuyên bố: “Hòa Bình Green City là công trình kiệt tác, tôi làm căn hộ thật ở dự án này còn đẹp hơn căn nhà mẫu hiện tại”. Các cư dân sinh sống tại đây cũng cho biết, chỉ cần một lời phàn nàn của khách hàng về chất lượng vật liệu nội, ngoại thất, ông lập tức thay thế bằng sản phẩm chất lượng đắt tiền hơn.
Cũng tại dự án Hòa Bình Green City, ông Đường từng gây sốc với tuyên bố miễn phí cho thuê mặt bằng đối với các doanh nghiệp kinh doanh hàng Việt Nam chất lượng cao. Tuy nhiên, theo tiết lộ của giới đầu tư bất động sản, ngoài tinh thần dân tộc, một lý do nữa khiến ông Nguyễn Hữu Đường đi đến quyết định này là ông “tự ái” khi một đối tác nước ngoài trả giá thuê mặt bằng quá rẻ.
Tháng 3 vừa qua, thông tin đại gia "Đường bia" có kế hoạch bán khách sạn dát vàng tại B7 Giảng Võ (Đống Đa, Hà Nội) với giá hàng trăm triệu USD đã một lần nữa gây gây xôn xao dư luận.
Được biết, Công ty TNHH Hoà Bình với tiền thân là Tổ hợp Hoà Bình do 9 người là thương binh và cựu chiến binh thành lập năm 1987. Hiện nay, công ty đã phát triển mạnh với các công ty thành viên sản xuất malt bia, bia, nước giải khát, xây dựng và sản xuất thép và inox.
"Chúa đảo" Tuần Châu Đào Hồng Tuyển
Sinh năm 1954, ông Đào Hồng Tuyển đã có nhiều năm gắn bó với màu áo lính thuộc binh đoàn tàu không số - lực lượng vũ trang huyền thoại của Việt Nam - vào những năm cuối của cuộc chiến tranh chống Mỹ.
Ông cũng giữ chức Uỷ viên Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Phó chủ tịch Hội cựu chiến binh đoàn tàu không số thuộc lực lượng Hải quân.
Rời quân ngũ vào những năm 80 với số tiền trợ cấp xin việc ít ỏi, ông Đào Hồng Tuyển từng quyết định trụ lại ở Sài Gòn để lập nghiệp. Đến những năm 90, ông dồn vốn mua lại các xí nghiệp của chế độ cũ và xây dựng nhà máy sản xuất nước giải khát, phân bón...
Năm 1997, ông Đào Hồng Tuyển - khi đó là Chủ tịch công ty TNHH Âu Lạc - đã quyết định đổ khoảng 80 tỷ đồng để xây con đường độc đạo xuyên biển, nối Tuần Châu với đất liền, đổi lại, ông được khai thác 98ha đất trên đảo.
Quyết định táo bạo này đã giúp em dựng nên thương hiệu "Chúa đảo". Bên cạnh danh xưng này, ông Tuyển cũng được biết đến là người hào phóng trong hoạt động từ thiện.
Doanh nhân Dũng "lò vôi"
Nhập ngũ từ khi chưa hoàn thành chương trình học phổ thông, doanh nhân gốc Bình Định Huỳnh Uy Dũng từng tham gia chiến tranh biên giới Tây Nam vào những năm 1975. Sau đó, ông lui về làm công tác hậu cần, tiếp tế lương thực, quân trang tại Quân khu 5, rồi đến Quân khu 7.
Khi chuyển về công tác ở bộ phận hậu cần thuộc Công an thị xã Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương, ông phát triển ý tưởng làm lò vôi, sản xuất các loại vôi quét tường, vôi bột công nghiệp để có thêm thu nhập cho đơn vị. Tên Dũng “lò vôi” có từ năm 1983 và theo ông suốt từ đó đến nay.
Thời gian sau đó, ông Dũng đã bán xí nghiệp lò vôi và chuyển qua làm sơn mài với chức Giám đốc Công ty sơn mài Thanh Lễ (tỉnh Sông Bé - nay là tỉnh Bình Dương), sau đổi tên thành Công ty Thương mại Xuất nhập khẩu Thanh Lễ - Thalexim.
Sau đó, ông lại rời Thalexim để lập CTCP Ðại Nam. Năm 1997, ông làm làm khu công nghiệp Bình Đường. Tiếp đó, ông tự đứng ra đầu tư 2 khu công nghiệp khác là Sóng Thần 2 và Sóng Thần 3, cùng với nhiều dự án khu dân cư khác. Bên cạnh là một doanh nhân, ít ai biết ông Dũng là tác giả của hơn 20 đầu sách đã xuất bản, phần lớn là sách về lịch sử, tâm linh, luân hồi chuyển kiếp…
Nhiều doanh nghiệp sắp lì xì cổ đông tiền tỷ ăn Tết 
MB chốt quyền nhận cổ tức 15% bằng cổ phiếu vào đầu năm 2025