Bất ngờ lời khai của nhóm tội phạm xuyên biên giới: KPI tối thiểu 100 triệu đồng/tháng
Nhiều người Việt vì tin vào lời mời gọi “việc nhẹ, lương cao” đã vượt biên trái phép để làm việc tại các nước trong khu vực, tham gia vào đường dây lừa đảo.
Tại một số nước Đông Nam Á, các băng nhóm tội phạm xuyên quốc gia do người Trung Quốc cầm đầu đang lợi dụng chính sách ưu đãi tại các đặc khu kinh tế và khu casino để thực hiện hành vi lừa đảo, cưỡng đoạt tài sản. Những tổ chức này hoạt động theo từng khu vực quốc gia, sử dụng nhiều kịch bản tinh vi để đánh lừa nạn nhân.
Nhiều người Việt Nam vì tin vào những lời mời gọi “việc nhẹ, lương cao” đã vượt biên trái phép để làm việc tại các nước trong khu vực. Khi đến nơi, họ bị ép buộc tham gia các đường dây lừa đảo, sống tập trung trong điều kiện kiểm soát chặt chẽ, được cung cấp công cụ như máy tính, điện thoại, tài khoản mạng xã hội và đào tạo theo các kịch bản lừa đảo chi tiết.
Nếu không đạt chỉ tiêu, họ sẽ phải đối mặt với các hình phạt khắc nghiệt như bị đánh đập, tra tấn, chích điện hoặc ép thực hiện các hình phạt thể lực như chạy bộ, đứng nghiêm, nhảy cóc. Một số trường hợp nghiêm trọng đã dẫn đến cái chết hoặc các hành vi bạo lực tàn bạo như phân xác, đốt thi thể, hoặc vứt bỏ nạn nhân từ trên cao.
Theo Cổng thông tin điện tử Bộ Công an, đầu năm 2025, trong chiến dịch cao điểm trấn áp tội phạm bảo vệ Tết Nguyên đán Ất Tỵ, Cục Cảnh sát hình sự Việt Nam phối hợp với cơ quan Bộ Công an tại Campuchia đã triệt phá một đường dây lừa đảo lớn tại TP Bavet, tỉnh Svay Rieng. Đường dây này do người Trung Quốc cầm đầu, hoạt động với quy mô hàng trăm nhân viên, chủ yếu là người Việt Nam.
Các nhân viên tại đây bị giao chỉ tiêu lừa đảo từ 1,5 đến 3 tỷ đồng mỗi tháng, tương ứng với mỗi cá nhân phải đạt tối thiểu 100 triệu đồng/tháng. Những ai đạt chỉ tiêu sẽ được trả lương và thưởng, ngược lại sẽ bị bạo hành và cưỡng bức lao động.
Một trong các thủ đoạn phổ biến của nhóm này là giả mạo các dự án đầu tư của Tập đoàn Vingroup. Chúng tạo lập các website, tài khoản ngân hàng giả danh Vingroup như VinFast, Vinclubid.com, Vinclubgrup.com, đồng thời giả mạo cán bộ, lãnh đạo tập đoàn để tạo lòng tin. Ngoài ra, nhóm còn dụ dỗ nạn nhân tham gia đánh bạc trên các website do chúng tạo ra, lợi dụng mã độc để chiếm đoạt tài sản.
Cơ quan CSĐT Bộ Công an đã khởi tố vụ án, bắt giữ và khởi tố 9 đối tượng liên quan. Hơn 400 người Việt Nam làm việc trong đường dây này được tiếp nhận để phân loại, điều tra.
Người dân từng là nạn nhân của các thủ đoạn lừa đảo được khuyến khích trình báo với cơ quan chức năng qua Điều tra viên Nguyễn Văn Long theo số điện thoại 0935.546.688 để hỗ trợ điều tra mở rộng.
Đại tá Lê Khắc Sơn, Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát hình sự nhấn mạnh, rằng các tổ chức tội phạm xuyên quốc gia sẽ bị xử lý nghiêm, bất kể chúng hoạt động trong hay ngoài lãnh thổ Việt Nam.
Cục Cảnh sát hình sự khuyến cáo người dân: Tránh tin vào các quảng cáo “việc nhẹ, lương cao” tại nước ngoài. Ngoài ra, tuân thủ quy định pháp luật về xuất nhập cảnh, không xuất cảnh trái phép. Cuối cùng, báo ngay cho cơ quan công an khi phát hiện người thân tham gia tổ chức lừa đảo để vận động trở về.
Người dân cần cảnh giác trước các thủ đoạn giả mạo trên không gian mạng, đặc biệt là các hình thức dụ dỗ đầu tư vào các dự án không rõ ràng hoặc tham gia đánh bạc trực tuyến. Hành động tỉnh táo và thông minh chính là cách bảo vệ tài sản và tương lai của chính bạn.
>> THACO phát đi thông báo khẩn về hành vi gây ảnh hưởng đến uy tín công ty 
Sập bẫy 'việc nhẹ lương cao', người phụ nữ ở Hà Nội mất hơn 1 tỷ đồng 
Cụ bà bị lừa mất hơn 2 tỷ đồng sau cuộc gọi từ 'Trưởng phòng Cảnh sát hình sự'