Tình hình tài chính của các doanh nghiệp liên quan dự án Aqua City của Novaland cho thấy, có những đơn vị nợ phải trả gấp chục lần vốn chủ sở hữu.
Theo Báo Giáo dục & Thời đại, Cơ quan CSĐT Công an TPHCM yêu cầu Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Đồng Nai cung cấp hồ sơ, tài liệu liên quan đến khu Đô thị Aqua City - một trong những dự án của Novaland (NVL ) được nhắc tới liên tục thời gian qua.
Cơ quan Cảnh sát điều tra yêu cầu cung cấp loạt thông tin về dự án Aqua City
Theo đó, Cơ quan Cảnh sát Điều tra Công an TPHCM yêu cầu Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Đồng Nai cung cấp các thông tin, tài liệu như sau:
- Từ trước đến nay, Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Đồng Nai có thực hiện việc giao đất cho loạt công ty (trong danh sách kèm theo) để thực hiện dự án “Khu đô thị Aqua City” thuộc phường Long Hưng, TP. Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai hay không?
Danh sách các công ty được nhắc tới gồm: Công ty TNHH Phát triển Bất động sản An Khang, CTCP Đầu tư Địa ốc Nova, CTCP Đầu tư và Phát triển Bất động sản Đại Phát, Công ty TNHH Thành phố Aqua, Công ty TNHH Tư vấn Long Hưng Phát, Công ty TNHH Đầu tư BĐS Long Hưng Phát, Công ty TNHH Bất động sản Gia Đức, Công ty TNHH Đầu tư Địa ốc Thành Nhơn, Công ty TNHH Bất động sản Đà Lạt Valley và Công ty TNHH Đầu tư và Bất động sản Tường Minh.
- Nếu có, dự án trên do đơn vị nào là chủ đầu tư, thông tin địa chỉ cụ thể của khu đất và cung cấp hồ sơ giao đất để thực hiện dự án nêu trên?
- Yêu cầu cho biết rõ nguồn gốc, quy hoạch sử dụng đất và việc thực hiện nghĩa vụ tài chính đối với Nhà nước của các cá nhân, đơn vị có liên quan tại khu đất nêu trên?
- Ngoài ra, Cơ quan Cảnh sát Điều tra Công an TP. HCM cũng yêu cầu Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Đồng Nai cung cấp các tài liệu khác có liên quan đến dự án “Khu đô thị Aqua City”.
Phối cảnh dự án Aqua City |
>> Novaland (NVL): Công an TPHCM yêu cầu cung cấp hồ sơ về dự án ‘sống còn’ Aqua City 
Bất ngờ tình trạng tài chính các công ty được nhắc tên liên quan dự án Aqua City
Trong loạt doanh nghiệp bị Cơ quan cảnh sát điều tra nhắc đến nói trên Công ty TNHH Thành phố Aqua (Aqua City) lâu này được cho là chủ đầu tư dự án Aqua City. Công ty TNHH Thành phố Aqua cũng là một thành viên trong hệ sinh thái Novaland (NVL).
Tình hình tài chính, kinh doanh của Aqua City và các công ty được nhắc tên trong danh sách, liên quan đến dự án "sống còn" của Novaland cũng rất đáng báo động.
Công ty TNHH Thành phố Aqua tiền thân là CTCP Thành phố Aqua, thành lập tháng 4/2008, ban dầu do ông David Edward Blackhall là thành viên HĐQT. Ngoài ra HĐQT còn có những tên tuổi có tiếng như ông Don Di Lam, quốc tịch Canada.
Aqua City do ông Bùi Thanh Trúc làm Chủ tịch HĐQT, vốn điều lệ hơn 1.765 tỷ đồng. Cổ đông sáng lập gồm Liên hiệp Hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp tổng hợp Đồng Nai (52,12%); CTCP An Phú Long; và Công ty Merrytime International Limited (45,88%) mà đại diện là ông Don Di Lam. Năm 2017 ông Don Di Lam giữ chức Chủ tịch HĐQT công ty.
Tháng 5/2018 công ty đổi tên thành Công ty TNHH Thành phố Aqua, thời điểm này ông Trần Thanh Hải làm Tổng giám đốc. Công ty Merrytime International Limited sở hữu đến 95,82% vốn điều lệ. Vốn điều lệ lúc này cũng đã điều chỉnh giảm xuống còn 845,21 tỷ đồng tương ứng 52.825.625 USD.
Bước ngoặt diễn ra tháng 6/2018 khi cổ đông lớn đổi chủ sang Công ty TNHH Bất động sản Bạch Kim (99,98%) và thời điểm này bà Nguyễn Thị Thu Hương làm Chủ tịch Hội đồng thành viên kiêm Tổng Giám đốc.
Vị trí cổ đông lớn liên tục thay đổi, sang CTCP Đầu tư phát triển Phước Nguyên, rồi CTCP Đầu tư Tường Vinh Phát (99,98%). Cơ cấu cổ đông có “phá vỡ” vào tháng 6/2019 khi CTCP The Prince Residence nắm 70% và CTCP Đầu tư xây dựng và phát triển Đại Cát nắm 30%.
Tháng 12/2019 ông Bùi Đạt Chương lên giữ chức Chủ tịch HĐQT. Tháng 7/2021 công ty chuyển địa chỉ trụ sở chính về Khu đô thị Aqua City.
Tình hình tài chính của Aqua City mới đáng báo động khi vốn chủ sở hữu tính đến 31/12/2023 đạt 1.131 tỷ đồng, trong khi đó nợ phải trả gấp chục lần vốn chủ sở hữu, vượt 11.400 tỷ đồng; trong đó nợ trái phiếu xấp xỉ 2.400 tỷ đồng.
Tình hình kinh doanh cũng không khả quan khi năm 2023 lỗ 359 tỷ đồng; năm 2022 lỗ 135 tỷ đồng.
Aqua City: Nợ phải trả gấp chục lần vốn chủ sở hữu
Không chỉ Aqua City, loạt doanh nghiệp được nhắc tên cũng có tình hình tài chính không khả quan.
Công ty TNHH Phát triển Bất động sản An Khang tiền thân là CTCP Biệt thự thành phố, thành lập tháng 5/2012, do ông Bùi Phan Phú Lộc làm Chủ tịch HĐQT, vốn điều lê 100 tỷ đồng. Cổ đông sáng lập gồm 3 người: Ông Bùi Phan Phú Lộc góp 99,8%; còn lại là ông Bùi Quang Huy và bà Phạm Kim Cúc.
Tháng 2/2015, công ty đổi tên thành CTCP Nova Tresor cho đến tháng 11/2016 đổi tên thành Bất động sản An Khang. Lúc này bà Lê Nguyễn Diễm My lên làm Chủ tịch HĐTV, nắm 99,8% vốn; 2 cổ đông còn lại là ông Nguyễn Văn Hiền và ông Nguyễn Quốc Hiền.
Tháng 10/2019 công ty bất ngờ tăng vốn “khủng” từ 100 tỷ đồng lên 750 tỷ đồng, sau đó đưa ông Nguyễn Quốc Hiền lên làm Chủ tịch. Cơ cấu cổ đông thay đổi khi 99,8% vốn điều lệ chuyển qua cho CTCP Đầu tư bất động sản Phong Điền.
Nói về Phong Điền, trước đó, tháng 3/2020, Novaland đã có "động thái", chuyển nhượng toàn bộ cổ phần tại Bất động sản Phong Điền. Tuy vậy Phong Điền vẫn không phải xa lạ khi công ty do ông Lê Thanh Liêm, một nhân vật thường xuyên được nhắc tới trong hệ sinh thái Novaland, làm người đại diện.
Quay lại với BĐS An Khang, tháng 9/2023 công ty tăng vốn điều lệ từ 1.000 tỷ đồng lên 3.200 tỷ đồng, Phong Điền nắm đến 99,92% vốn; và gần đây nhất, tháng 11/2023 tăng vốn lên thành 4.380 tỷ đồng.
Bất động sản An Khang kinh doanh bết bát, năm 2021 lỗ 112 tỷ đồng; năm 2022 lỗ khủng 830 tỷ đồng và 6 tháng đầu năm 2023 lỗ 237 tỷ đồng. Chỉ riêng 2,5 năm này, bất động sản An Khang đã lỗ 1.180 tỷ đồng.
Bất ngờ, thời điểm 30/6/2023, vốn chủ sở hữu Địa ốc An Khang đạt 822 tỷ đồng nhưng nợ phải trả gấp đến 17 lần vốn chủ sở hữu, lên 14.000 tỷ đồng và nợ trái phiếu gấp 3 lần vốn chủ sở hữu, lên hơn 2.400 tỷ đồng.
Một doanh nghiệp khác, CTCP Đầu tư địa ốc No Va thành lập tháng 11/2004 do ông Bùi Thành Nhơn làm người đại diện theo pháp luật. Cơ cấu cổ đông gồm Tập đoàn đầu tư địa ốc No Va (69,9%); CTCP Him Lam (30%) và ông Bùi Cao Nhật Quân (0,1%).
Tháng 8/2017 công ty bất ngờ giảm vốn từ 1.700 tỷ đồng xuống 1.295 tỷ đồng, cơ cấu cổ đông thay đổi. Sau đó công ty đưa ông Bùi Đạt Chương lên làm Chủ tịch. Những người đại diện khác là những cái tên quan trọng Huỳnh Phương Thảo, Phạm Thị Cúc, Lâm Chí Trung.
Tháng 1/2020 công ty tiếp tục tăng vốn lên 1.921 tỷ đồng. Tháng 7/2021 công ty tiếp tục tăng vốn lên thành 4.171,4 tỷ đồng; và lên đến 4.427 tỷ đồng vào tháng 12/2021. Gần đây nhất, tháng 6/2022 công ty tăng vốn điều lệ lên 5.577 tỷ đồng.
Địa ốc Nova vừa báo lỗ hơn 70 tỷ đồng trong năm 2023 vừa qua. Năm 2022 lãi 532 tỷ đồng. Tính đến hết năm 2023, vốn chủ sở hữu doanh nghiệp đạt 6.762 tỷ đồng; nợ phải trả gấp 1,3 lần vốn chủ sở hữu, lên gần 8.800 tỷ đồng, trong đó nợ trái phiếu 1.690 tỷ đồng.
>> Công an yêu cầu cung cấp dự án 'sống còn' Aqua City: Novaland nói gì? 
Còn CTCP Đầu tư và Phát triển Bất động sản Đại Phát thành lập tháng 3/2015 do bà Nguyễn Thị Bé Bảy, sinh năm 1989, làm Chủ tịch HĐTV, vốn điều lệ gần 24 tỷ đồng. Bà Bé Bảy cũng là chủ sở hữu 99,9% vốn điều lệ công ty.
Chỉ mấy tháng sau khi thành lập, BĐS Đại Phát đổi Chủ tịch và chủ sở hữu sang bà Lê Nguyễn Diễm My, sinh năm 1988. Tháng 12/2021 bà Diễm My rời ghế Chủ tịch HĐQT, thay vào đó là ông Lý Trường An, sinh năm 1988.
Sau nhiều lần tăng vốn, hiện BĐS Đại Phát có vốn điều lệ 1.600 tỷ đồng
Đáng chú ý, trong danh sách những người quản lý của Đại Phát, có tên ôhng Bùi Đạt Chương, Nguyễn Thị Thu Hà, sinh năm 1991, là thành viên HĐQT. Ngoài ra, bà Lê Nguyễn Diễm My cũng từng xuất hiện trong danh sách lãnh đạo của Bất động sản An Khang kể trên.
Còn tiếp...
Công an yêu cầu cung cấp dự án 'sống còn' Aqua City: Novaland nói gì? 
Novaland (NVL): Công an TPHCM yêu cầu cung cấp hồ sơ về dự án ‘sống còn’ Aqua City