Bất ngờ số thu ngân sách 7 tháng đầu năm của tỉnh lớn nhất Việt Nam
Tính riêng tháng 7/2024, thu ngân sách Nhà nước của tỉnh này ước thực hiện 1.300 tỷ đồng.
Ngày 26/7, đồng chí Lê Hồng Vinh - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh chủ trì phiên họp UBND tỉnh thường kỳ tháng 7.
Tại cuộc họp, lãnh đạo các sở, ban, ngành đã tập trung thảo luận nhiều vấn đề quan trọng, tập trung các nhóm vấn đề về công tác an sinh xã hội , phòng chống đuối nước ở trẻ em, giải quyết việc làm, giáo dục và đào tạo, chống khai thác thủy sản bất hợp pháp IUU...
Trong tháng 7/2024, kinh tế của tỉnh Nghệ An tiếp tục đà phục hồi tích cực. Trong đó, các mặt sản xuất công nghiệp, nông nghiệp tiếp tục ổn định. Chỉ số sản xuất công nghiệp tháng 7 ước tăng hơn 11% so với cùng kỳ. Lũy kế 7 tháng, tỉnh ước tăng 10,1%, trong đó công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 10,5%.
Tháng 7 được xem là cao điểm của hoạt động du lịch trên địa bàn tỉnh Nghệ An. Theo dự ước, lượng khách du lịch trong tháng 7 đạt 1,4 triệu lượt. Trong đó khách lưu trú đạt 950.000 lượt, khách quốc tế đạt 15.000 lượt. Tổng thu từ khách du lịch đạt hơn 5.000 tỷ đồng, trong đó doanh thu du lịch hơn 1.500 tỷ đồng.
Thu ngân sách Nhà nước tháng 7 ước thực hiện 1.300 tỷ đồng; lũy kế 7 tháng ước thực hiện 13.400 tỷ đồng, đạt 84,6% dự toán và bằng 138,2% so với cùng kỳ năm 2023.
Trong tháng 7, tỉnh Nghệ An đã cấp mới 8 dự án, điều chỉnh cho 5 lượt dự án, với tổng vốn đăng ký cấp mới và điều chỉnh là hơn 6.100 tỷ đồng.
Lũy kế đến ngày 22/7, đã cấp mới 48 dự án, điều chỉnh 90 lượt dự án, với tổng số vốn 23.700 tỷ đồng, bằng 96,77% so với cùng kỳ năm 2023. Tính đến ngày 20/7, tổng kế hoạch đầu tư công đã giải ngân hơn 3.800 tỷ đồng, đạt 41,8% (cao hơn so với cùng kỳ 36,43%).
>> Một huyện của Nghệ An sắp đón đô thị mới, quy mô hơn 2.000ha 
Ngày 11/7 vừa qua, Thủ tướng Chính phủ ban hành quyết định về kế hoạch thực hiện Quy hoạch tỉnh Nghệ An thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Kế hoạch gồm 3 nhóm nội dung, gồm: Hoàn thiện đồng bộ hệ thống các quy hoạch; Triển khai thực hiện các dự án theo quy hoạch tỉnh; kế hoạch sử dụng đất.
Đặc biệt, về kinh tế, đến năm 2030, Nghệ An sẽ trở thành tỉnh khá của cả nước, là trung tâm của khu vực Bắc Trung Bộ về thương mại, y tế, giáo dục và đào tạo, khoa học và công nghệ, công nghiệp và nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao...
Tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh (GRDP) bình quân thời kỳ 2021-2030 đạt khoảng 10,5%-11,0%/năm. Trong cơ cấu GRDP, tỷ trọng công nghiệp - xây dựng chiếm 42%-42,5%; dịch vụ chiếm 39%-39,5%; nông, lâm, thuỷ sản chiếm 13,5%-14% và thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm chiếm 4,5%-5%.
GRDP bình quân đầu người năm 2030 khoảng 7.500-8.000 USD.
Theo số liệu của Tổng cục Thống kê Việt Nam năm 2022, tỉnh có diện tích lớn nhất Việt Nam là Nghệ An với diện tích 16.490km2, chiếm 3,2% diện tích cả nước. Tỉnh Nghệ An nằm ở trung tâm khu vực Bắc Trung Bộ, có đường biên giới giáp với Lào và phía đông giáp biển Đông. Vinh là thành phố trực thuộc tỉnh duy nhất của tỉnh Nghệ An.
Nghệ An hiện có 21 đơn vị hành cấp huyện (17 huyện, 1 thành phố thuộc tỉnh và 3 thị xã), trong đó, có 5 đơn vị đạt 100% tiêu chuẩn theo quy định về diện tích tự nhiên quy mô dân số. 12 đơn vị có một tiêu chuẩn đạt tiêu chuẩn từ 70% theo quy định, tiêu chuẩn còn lại đạt từ 100%.
>> Hé lộ danh tính nhà đầu tư sắp làm cụm công nghiệp hơn 335 tỷ đồng tại Nghệ An