Bắt ổ nhóm thuê nhà tại Campuchia, lập nhiều tài khoản mạng xã hội giả mạo để lừa đảo, rửa tiền hàng nghìn tỷ đồng
Mới đây, công an đã triệt phá thành công ổ nhóm lừa đảo quy mô lớn này.
Theo Báo Kinh tế & Đô thị, mới đây, một ổ tội phạm đã bị công an triệt phá sau một khoảng thời gian điều tra. Trước đó, chị N.T.T, trú tại xã Hóa Quỳ, huyện Như Xuân, tỉnh Thanh Hóa đã làm đơn tố giác vì bị một đối tượng lừa đảo  chiếm đoạt số tiền hơn 250 triệu đồng với chiêu trò hứa hẹn sẽ làm thủ tục xuất khẩu lao động.
Với các biện pháp nghiệp vụ sắc bén, công an huyện Như Xuân đã nhanh chóng xác minh và triệt phá thành công ổ nhóm lừa đảo do các đối tượng ở tỉnh Hải Dương cầm đầu, gồm Giang Đình Lộc (sinh năm 1998), Nguyễn Trường Thanh (sinh năm 1989), Phạm Phương Đông (sinh năm 1998), đều trú tại huyện Thanh Miện và Lê Văn Long (sinh năm 1988), trú tại huyện Nam Sách.
Tại cơ quan công an, các đối tượng khai nhận đã thành lập một đường dây lừa đảo chuyên nghiệp từ tháng 5/2024. Chúng thuê nhà tại Campuchia, mua sắm các thiết bị hiện đại và lập nhiều tài khoản mạng xã hội giả mạo để thực hiện hành vi lừa đảo. Ngoài ra, chúng còn cấu kết với các nhóm tội phạm khác để rửa tiền, nhằm che giấu nguồn gốc bất hợp pháp của số tiền chiếm đoạt được.
Các đối tượng đã lợi dụng sự tin tưởng của người dân vào các tổ chức uy tín để thực hiện hành vi lừa đảo. Chúng đã tạo ra các tài khoản mạng xã hội giả mạo, sau đó gửi tin nhắn lừa đảo đến nhiều người với nội dung yêu cầu chuyển tiền. Bằng thủ đoạn này, chỉ trong thời gian ngắn, các đối tượng đã tung lưới khắp cả nước, lừa đảo hàng trăm nạn nhân và chiếm đoạt số tiền lên đến hàng chục tỷ đồng.
Trong quá trình điều tra và mở rộng vụ án , Công an huyện Như Xuân đã bắt giữ thêm ba đối tượng: Hoàng Mạnh Linh (sinh năm 1998, trú tại Đức Giang, Long Biên, Hà Nội), Vũ Thị Như Quỳnh (sinh năm 1991, trú tại Thanh Miện, Hải Dương) và Đoàn Xuân Long (sinh năm 1991, trú tại Bồ Đề, Long Biên, Hà Nội).
Nhóm này bị cáo buộc tham gia rửa tiền cho nhiều tổ chức lừa đảo khác nhau, với số tiền lên đến hàng nghìn tỷ đồng. Để tránh bị kiểm soát sinh trắc học, các đối tượng đã lập và mua nhiều "công ty ma" rồi sử dụng tài khoản công ty để giao dịch. Đồng thời, chúng còn lôi kéo nhiều người trên mạng xã hội Telegram, trả lương để thực hiện các hoạt động rửa tiền, mua bán tiền ảo và các giao dịch bất hợp pháp khác. Hiện, công an vẫn đang mở rộng điều tra vụ án.
>> Công an tìm bị hại chuyển tiền đến 7 tài khoản ngân hàng lừa đảo sau