Tài chính Ngân hàng

Bầu Đức mất 3 năm thuyết phục Eximbank và câu chuyện tài chính biến lỗ thành lãi nhờ xóa nghìn tỷ nợ vay

Khương Lê 23/11/2024 - 11:33

Năm 2023, nhờ được Eximbank xóa hơn 1.400 tỷ đồng nợ, Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai đã kịp thời "lội ngược dòng" về lợi nhuận, chỉ ít tuần trước khi năm tài chính khép lại. Tại ĐHCĐ 2024, khi được hỏi liệu kế hoạch lợi nhuận năm nay của HAGL có tính đến việc xóa nợ như năm ngoái, Chủ tịch Đoàn Nguyên Đức đã khẳng định: "Không tính tới".

Lỗ thành lãi nhờ được xóa nợ trong quá khứ

Đã gần một năm kể từ sự việc Ngân hàng Eximbank miễn giảm hơn 1.400 tỷ đồng lãi vay cho CTCP Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai (HAGL, HOSE: HAG), gây xôn xao dư luận. Cho đến nay, đây vẫn là thương vụ xóa nợ có quy mô lớn nhất được công khai bởi một nhà băng tư nhân.

Cụ thể, ngày 13/12/2023, Hoàng Anh Gia Lai công bố thông tin về việc công ty con của tập đoàn - CTCP Chăn nuôi Gia Lai đã thanh toán 750 tỷ đồng (bao gồm toàn bộ nợ gốc gần 587 tỷ đồng và một phần lãi trong hạn hơn 163 tỷ đồng) cho Eximbank để tất toán các khoản vay từ năm 2014. Theo thông báo miễn giảm nợ lãi từ Công ty TNHH MTV Quản lý nợ và khai thác tài sản Eximbank, tổng số tiền lãi của các khoản vay được miễn giảm lên tới gần 1.425 tỷ đồng.

Đáng nói, khoản chi phí lãi vay được miễn giảm này góp phần lớn vào lợi nhuận hợp nhất của HAGL trong năm 2023. Trong những năm tài chính trước, doanh nghiệp đã hạch toán các khoản lãi vay chưa thanh toán (bao gồm cả lãi quá hạn) vào chi phí tài chính. Khi được ngân hàng xóa nợ, HAGL điều chỉnh giảm các khoản chi phí này, tạo ra lợi nhuận tài chính trên báo cáo.

Bầu Đức mất 3 năm thuyết phục Eximbank và câu chuyện tài chính biến lỗ thành lãi nhờ xóa nghìn tỷ nợ vay
Chủ tịch Đoàn Nguyên Đức

Có thể thấy, hơn 1.400 tỷ đồng mà Eximbank miễn cho HAG đã giúp doanh nghiệp bù đắp toàn bộ lãi vay phát sinh trong năm qua cùng các khoản chi phí tài chính khác và còn dư hơn 215 tỷ đồng.

Sau khi dứt nợ tại Eximbank, trong năm 2024, HAG cũng đã tất toán 48 tỷ đồng dư nợ dài hạn tại TPBank. Đồng thời, đến ngày 30/9, công ty đã giảm dư nợ ngắn hạn tại TPBank từ 848 tỷ đồng hồi đầu năm xuống còn 459 tỷ đồng.

Tính đến hết quý III, gánh nặng nợ lớn nhất của HAG vẫn là dư nợ trái phiếu với BIDV, trị giá 4.131 tỷ đồng, đã giảm 540 tỷ đồng so với đầu năm.

Về khả năng đàm phán miễn lãi với BIDV, trong ĐHĐCĐ được tổ chức hồi tháng 5, bầu Đức cho biết: “Công ty không thể quyết định được có miễn lãi hay không, vì việc miễn lãi tùy thuộc vào BIDV”. Ông nói thêm rằng, với khoản nợ tại Eximbank, công ty từng mất ba năm mới đàm phán được miễn lãi.

Chủ tịch HAG khẳng định, kế hoạch lợi nhuận năm 2024 không tính đến việc xóa nợ như năm ngoái.

Liên quan đến nguồn tiền trả nợ BIDV, bầu Đức nhấn mạnh, HAG, HAGL Agrico và BIDV đã ký biên bản thỏa thuận. Theo đó, HAGL Agrico sẽ thanh toán 1.100 tỷ đồng trong năm nay, dự kiến đến cuối năm 2024 sẽ trả được một phần số nợ BIDV. Số còn lại sẽ được công ty thanh toán dần cho đến khi hết hạn vào năm 2026.

Lãi nhưng không có dòng tiền thực

Ngoài Hoàng Anh Gia Lai (HAG), trong thời gian qua, một số doanh nghiệp niêm yết khác như Đạm Hà Bắc hay Gỗ Trường Thành cũng ghi nhận lợi nhuận đột biến nhờ được xóa lãi.

Thuyết minh báo cáo tài chính bán niên 2024 của CTCP Tập đoàn Kỹ nghệ Gỗ Trường Thành (Gỗ Trường Thành, mã CP: TTF) được soát xét bởi EY cho biết: Vào ngày 26/3 năm nay, TTF nhận được thông báo về việc xóa lãi chậm trả phát sinh chưa thu từ BIDV - Chi nhánh Đắk Lắk - Đắk Nông, với số tiền lần lượt là 27,11 tỷ đồng và 10,99 tỷ đồng. Nhờ đó, TTF hoàn nhập chi phí lãi vay trong kỳ với tổng số tiền hơn 38 tỷ đồng.

Điều này góp phần giúp TTF ghi nhận lợi nhuận trước thuế 654 triệu đồng sau 6 tháng đầu năm trong khi hoạt động kinh doanh cốt lõi chỉ đạt 106 tỷ đồng và tổng chi phí bán hàng và quản lý doanh nghiệp lên tới 132,5 tỷ đồng.

Bầu Đức mất 3 năm thuyết phục Eximbank và câu chuyện tài chính biến lỗ thành lãi nhờ xóa nghìn tỷ nợ vay
Trích BCTC bán niên 2024 TTF

Cũng nhờ được ngân hàng cơ cấu nợ, năm ngoái và quý I năm nay, Đạm Hà Bắc và Đạm Ninh Bình, hai doanh nghiệp thành viên của Tập đoàn Hóa chất Việt Nam (Vinachem) thoát lỗ.

Khoản vay hơn 4.100 tỷ đồng giữa Đạm Hà Bắc và VDB được ký kết tháng 9/2008 để đầu tư vào Dự án cải tạo, mở rộng Nhà máy Phân đạm Hà Bắc, nhằm nâng công suất từ 180.000 tấn/năm lên 500.000 tấn/năm. Dự án khởi công cuối năm 2010, hoàn thành và khánh thành ngày 19/6/2015, đáp ứng nhu cầu phân đạm trong nước và xuất khẩu.

Tuy nhiên, từ 2015-2020, công ty lỗ lũy kế 4.760 tỷ đồng do chi phí đầu vào và tài chính cao từ các khoản vay lãi suất lớn. Trước khó khăn này, Chính phủ chỉ đạo tháo gỡ vướng mắc, đến tháng 8/2022, Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu hoàn thiện đề án tái cơ cấu để cải tiến sản xuất và tăng năng lực cạnh tranh.

Năm 2023, Đạm Hà Bắc (CTCP Phân đạm và Hóa chất Hà Bắc) được NH Phát triển Việt Nam – CN khu vực Bắc Đông Bắc về việc xóa nợ lãi tính trên nợ gốc quá hạn và nợ lãi tính trên nợ lãi chậm trả, giảm lãi suất các khoản vay và cơ cấu lại thời hạn trả nợ. Giá trị lãi được xóa, giảm được Công ty ghi nhận vào thu nhập khác trong năm, trị giá tới 1.802 tỷ đồng.

Nhờ thu nhập khác tăng đột biến, mặc dù lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh âm tới 945 tỷ đồng, nhưng Đạm Hà Bắc vẫn ghi nhận lãi trước thuế cả năm 2023 đạt 858 tỷ đồng.

Bầu Đức mất 3 năm thuyết phục Eximbank và câu chuyện tài chính biến lỗ thành lãi nhờ xóa nghìn tỷ nợ vay
Trích BCTC năm 2023 của Đạm Hà Bắc

Tiếp tục, trong quý I năm nay, Đạm Hà Bắc được xóa nợ lãi tính trên lãi chậm trả từ ngày 1/1 đến 21/12/2023 của VDB, với số tiền gần 142 tỷ đồng. Khoản này được hạch toán vào lợi nhuận khác, giúp công ty lãi sau thuế 38 tỷ đồng 3 tháng đầu năm, trong khi cùng kỳ năm trước lỗ 129 tỷ đồng.

Sang đến quý II, mặc dù vẫn được VDB xóa nợ lãi nhưng Đạm Hà Bắc lại ghi nhận lỗ sau thuế hơn 137 tỷ đồng. Nguyên nhân chính, công ty giải thích là do sự cố sét đánh, làm đứt đường dây truyền tải điện, buộc công ty phải ngừng sản xuất để khắc phục, dẫn đến giảm sản lượng và tăng chi phí.

Bầu Đức mất 3 năm thuyết phục Eximbank và câu chuyện tài chính biến lỗ thành lãi nhờ xóa nghìn tỷ nợ vay
Ảnh minh họa (Nguồn: Vietnamnet)

Liên quan đến tình huống doanh nghiệp được ngân hàng xóa nợ và ghi nhận lợi nhuận tài chính trong kỳ, chuyên gia tài chính Hà Thúy Quỳnh cho biết đây không phải nghiệp vụ phổ biến.

Thông thường, các ngân hàng chỉ chấp nhận miễn giảm lãi khi doanh nghiệp gặp khó khăn nghiêm trọng, như các khoản phải thu tồn đọng, hàng tồn kho chậm luân chuyển hoặc tài sản đảm bảo chỉ đủ thu hồi một phần nợ gốc và lãi. Trong trường hợp này, phần lãi còn lại được xem như không thể thu hồi.

Trên thực tế, theo chia sẻ từ bầu Đức, HAGL phải mất tới 3 năm để đàm phán việc miễn giảm lãi tại Eximbank. Trong trường hợp của Đạm Hà Bắc, khoản vay được xử lý theo đề án tái cơ cấu đã được Thủ tướng phê duyệt.

Theo đó, Ngân hàng Phát triển Việt Nam (VDB) giảm lãi suất vay từ 11% xuống 8,55% và kéo dài thời hạn trả nợ. Ngoài ra, VDB còn xóa nợ lãi phát sinh từ lãi chậm trả, giúp công ty giảm gánh nặng tài chính và cải thiện hiệu quả kinh doanh.

Nhìn chung, việc được nhà băng giảm lãi suất hoặc không tính lãi phạt giúp doanh nghiệp vượt qua khó khăn, tránh phải trả một khoản lớn.

Tuy nhiên, về bản chất tài chính, các khoản lợi nhuận từ miễn giảm lãi đều không bền vững, không phản ánh hoạt động kinh doanh thực tế và không tạo ra dòng tiền thực. Khi đánh giá hiệu quả doanh nghiệp, chuyên gia Hà Thúy Quỳnh cho rằng, con số lợi nhuận này không phản ánh sự cải thiện trong vận hành mà chỉ là kết quả từ việc giảm áp lực tài chính.

Bà Quỳnh lưu ý nhà đầu tư khi xem xét báo cáo tài chính, nên thận trọng với các khoản lợi nhuận tài chính có giá trị tài chính lớn, đến từ các sự kiện bất thường, như được miễn giảm lãi vay.

Trong trường hợp doanh nghiệp áp dụng Chuẩn mực Báo cáo Tài chính Quốc tế (IFRS), lợi nhuận từ xóa, giảm lãi sẽ được phân loại rõ ràng hơn, minh bạch nguồn gốc và giúp các bên liên quan, như nhà đầu tư, đánh giá chính xác hơn về tính bền vững tài chính của doanh nghiệp. Bên cạnh đó, IFRS cũng yêu cầu bổ sung báo cáo về dòng tiền và các thay đổi trong nợ phải trả, mang lại góc nhìn đầy đủ hơn về sức khỏe tài chính.

Bà Hà Thúy Quỳnh, chuyên gia tài chính với gần 20 năm kinh nghiệm, hiện là CPA kiểm toán viên quốc gia, CMA Úc và Thạc sĩ Quản trị Kinh doanh (MBA). Bà là tác giả của những đầu sách tài chính như Đọc vị tài chính SMEs, Kinh doanh không lo mất vốnGiải mã định giá gọi vốn MA.

>> Gần 33.000ha đất của HAGL đang được thế chấp tại ngân hàng

Giá sầu riêng cao kỷ lục, bầu Đức có bán hớ 26.000 gốc sầu riêng tại Lào?

Từ đỉnh cao xuống hố sâu, Bầu Đức kiên quyết ‘bám’ nông nghiệp, vực dậy Hoàng Anh Gia Lai (HAG)

Theo Kiến thức Đầu tư
https://dautu.kinhtechungkhoan.vn/bau-duc-mat-3-nam-thuyet-phuc-eximbank-va-cau-chuyen-tai-chinh-bien-lo-thanh-lai-nho-xoa-nghin-ty-no-vay-261789.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
    Nổi bật Tỷ giá mới
    Bầu Đức mất 3 năm thuyết phục Eximbank và câu chuyện tài chính biến lỗ thành lãi nhờ xóa nghìn tỷ nợ vay
    POWERED BY ONECMS & INTECH