Doanh nghiệp A-Z

Bầu Đức: Từ đi trước đón đầu đến 'cạn duyên' với ngành khách sạn

Khương Lê 11/09/2024 08:25

Khách sạn Hoàng Anh Gia Lai Pleiku, niềm tự hào một thời của bầu Đức, chính thức thay biển tên vào ngày 9/9/2024. Thời kỳ đỉnh cao, ông chủ Hoàng Anh Gia Lai từng sở hữu bốn khách sạn và khu nghỉ dưỡng tiêu chuẩn 4-5 sao tại vị trí đắc địa ở thành phố lớn nhưng tất cả đều đã chuyển nhượng. Hai trong số đó về tay Tập đoàn Mường Thanh.

Sau khi về tay Tập đoàn Mường Thanh hồi đầu tháng 8, khách sạn cuối cùng trong chuỗi bất động sản du lịch của bầu Đức đổi tên thành Mường Thanh Grand Gia Lai.

Bầu Đức: Từ 'đi trước đón đầu' đến 'cạn duyên' với ngành khách sạn
Biển tên mới của khách sạn Mường Thanh Grand Gia Lai. Ảnh: Gia Lai TV

Năm ngoái, khi công bố kế hoạch về việc thanh lý tài sản trả nợ lô trái phiếu đã quá hạn nhiều năm tại BIDV, Hoàng Anh Gia Lai (HAGL) gọi khách sạn cuối cùng tại phố Pleiku, cùng với bệnh viện HAGL là tài sản “không sinh lợi”.

Trong báo cáo kinh doanh, cùng với bệnh viện, quảng cáo… khách sạn được đưa vào mảng kinh doanh dịch vụ của Công ty Cổ phần Hoàng Anh Gia Lai (mã CK: HAG) bên cạnh chăn nuôi, trồng trọt. Nhìn chung, mảng dịch vụ đóng góp rất khiêm tốn cả về doanh thu và lợi nhuận cho tập đoàn.

Chẳng hạn, năm 2022, ngành dịch vụ chỉ mang lại 5,7%, tương đương 293 tỷ đồng, trong tổng doanh thu và đóng góp 28 tỷ đồng lợi nhuận gộp.

Việc HAGL bán khách sạn hay bệnh viện HAGL không phải là điều bất ngờ, vì từ lâu, cả hai tài sản này đều đã được thế chấp cho khoản nợ trái phiếu hơn 5.000 tỷ đồng tại BIDV. Tuy nhiên, với bầu Đức, khách sạn Pleiku có mức độ "gắn bó" và biểu tượng thương hiệu nhiều hơn các dự án bất động sản khác.

Nằm tại đầu đường Phù Đổng (Pleiku), đối diện trụ sở chính của HAGL, khách sạn 4 sao đầu tiên của khu vực Tây Nguyên đã khắc sâu dấu ấn thương hiệu "Hoàng Anh Gia Lai" trên rẻo đất đại ngàn. Ở Gia Lai, người dân gọi khu vực ngã tư cạnh khách sạn là Ngã tư Hoàng Anh, Ngã tư Hoàng Anh Gia Lai hay vòng xoay khách sạn Hoàng Anh...

Trong hơn 15 năm hoạt động, HAGL Pleiku Hotel trở thành điểm dừng chân của nhiều du khách, doanh nhân khi đến công tác và du lịch tại phố núi. Đặc biệt, không ít đội bóng V-League và đội tuyển quốc gia cũng chọn khách sạn này làm nơi lưu trú mỗi khi thi đấu ở Pleiku.

Bầu Đức: Từ 'đi trước đón đầu' đến 'cạn duyên' với ngành khách sạn
Khách sạn HAGL tại Pleiku trước khi đổi tên. Ảnh: Báo Gia Lai

Những năm bất động sản ở thời kỳ đỉnh cao, bầu Đức từng tuyên bố: “Năm 2008, HAGL là số một trong lĩnh vực bất động sản”. Giai đoạn đó, ngoài cao ốc, chung cư và trung tâm thương mại, bầu Đức còn xây khách sạn.

Từ năm 2004 đến năm 2007, HAG liên tiếp khai trương HAGL Resort Quy Nhơn, HAGL Resort Đà Lạt, HAGL Hotel Pleiku và HAGL Hotel Plaza Đà Nẵng.

HAGL Plaza Đà Nẵng, với 206 phòng và cao 23 tầng, từng là một trong những tòa nhà cao nhất Đà Nẵng khi mới xây dựng, nổi bật với kiến trúc phương Tây. Khách sạn có hồ bơi ngoài trời và nằm ở vị trí thuận tiện, ngay trung tâm thành phố, gần biển Mỹ Khê, cách sân bay quốc tế Đà Nẵng 1km.

Những năm 2000, du lịch Đà Nẵng chưa phát triển mạnh như hiện nay, số lượng đơn vị lưu trú đạt tiêu chuẩn 4-5 sao trên địa bàn hạn chế, khách sạn của bầu Đức đã mang lại một luồng gió mới cho du lịch thành phố biển miền Trung.

Sau gần hai năm khai trương, vào tháng 5/2009, HAGL Plaza Đà Nẵng được Tổng cục Du lịch công nhận đạt chuẩn 5 sao.

Thay vì thuê các tập đoàn nước ngoài quản lý, HAGL chọn cách tự quản lý với phương châm đặt lợi ích của khách hàng lên hàng đầu, định hướng đầu tư vào sản phẩm và dịch vụ. Chiến lược của HAGL là xây dựng lòng trung thành từ khách hàng, đặc biệt là doanh nhân và khách MICE, phục vụ các hội thảo và sự kiện quốc tế.

HAGL đã dành riêng bốn tầng của HAGL Plaza Đà Nẵng với diện tích 4.200m², trang bị đầy đủ tiện nghi, cho các công ty trong và ngoài nước thuê làm văn phòng và khách sạn. Ngoài ra, khách sạn còn có các phòng chức năng lớn, nhỏ, đủ sức chứa từ 30 đến 500 khách để tổ chức các sự kiện, hội thảo và dạ tiệc.

"Những khách hàng như Abbott, BIDV, IDP, Agribank, Vietcombank, Sacombank... luôn tin tưởng tổ chức các sự kiện quan trọng tại khách sạn của chúng tôi", Giám đốc CTCP Hoàng Anh Gia Lai chi nhánh Đà Nẵng chia sẻ với báo chí vào tháng 11/2009.

Có tầm nhìn từ sớm vào phân khúc bất động sản du lịch cao cấp nhưng cuối cùng, cơn bão khủng hoảng kinh tế năm 2009-2010 đã quét dần loạt khách sạn cùng những bất động sản khác của bầu Đức.

Cuối năm 2008, khủng hoảng tài chính bắt nguồn từ sự sụp đổ của thị trường tín dụng dưới chuẩn và sự phá sản của nhiều tổ chức tài chính lớn tại Mỹ, kéo theo hệ lụy cho nền kinh tế thế giới. Tại Việt Nam, tăng trưởng nóng bộc lộ ngày càng rõ nét, lạm phát tăng cao, Ngân hàng Nhà nước thực thi chính sách tiền tệ thắt chặt.

Năm 2009, thị trường bất động sản Việt Nam chịu ảnh hưởng nặng nề, sức mua giảm mạnh, giao dịch trầm lắng. HAGL, doanh nghiệp một năm trước đó còn "đứng đầu ngành BĐS" trở nên lao đao với khối hàng tồn kho hơn 2.213 tỷ đồng và gánh nợ vay gấp 2,3 lần (5.240 tỷ đồng, số liệu 31/12/2009).

Bán rẻ tài sản, thanh lý tồn kho là những hành động cấp thiết để lấp vào "miệng hút không đáy" của gánh nợ vay.

Bầu Đức: Từ 'đi trước đón đầu' đến 'cạn duyên' với ngành khách sạn
Báo cáo tài chính của HAG 2010

Khách sạn đầu tiên HAG bán là Khu nghỉ dưỡng Hoàng Anh Quy Nhơn. Tài sản này được bán cho bên thứ ba với giá 175 tỷ đồng, ghi nhận lãi ròng 99,2 tỷ đồng vào năm 2010.

Khu nghỉ dưỡng Hoàng Anh Quy Nhơn khai trương năm 2004, được tài trợ bằng một phần vốn vay từ Vietcombank theo hợp đồng vay năm 2003, thời gian vay 120 tháng (ân hạn 24 tháng), tài sản bảo đảm là tài sản hình thành từ vốn vay.

Bầu Đức: Từ 'đi trước đón đầu' đến 'cạn duyên' với ngành khách sạn
Resort với các căn biệt thự Pháp cổ một thời ở Đà Lạt của bầu Đức. Ảnh: VNE (2010)

Hơn hai năm sau khi bán Hoàng Anh Quy Nhơn, Resort tại Đà Lạt cũng chia tay bầu Đức. Đây là dự án bất động sản du lịch "trắc trở" nhất của ông bầu phố núi này. Được biết, HAG theo đuổi dự án cải tạo, nâng cấp khu biệt thự trên đường Nguyễn Du và Phó Đức Chính, phường 9, TP Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng từ năm 2002, gồm 20 biệt thự Pháp cổ.

Đến năm 2004, dự án được giao cho Xí nghiệp tư doanh Hoàng Anh Gia Lai (sau này là CTCP HAGL) thuê trong 50 năm.

Các biệt thự được giao dưới dạng cho thuê đất và tài sản trên đất, tổng diện tích gần 46.000m2, chia làm 3 giai đoạn căn cứ theo tiến độ bồi thường giải phóng mặt bằng của UBND TP Đà Lạt.

Khi được địa phương bàn giao 15 căn biệt thự, HAG xây dựng, cải tạo cuốn chiếu được 8 căn. 7 căn còn lại chờ kết hợp với 5 biệt thự giai đoạn cuối để đầu tư khu này thành resort 4 sao.

Tuy nhiên, sau đó vướng mắc về giải phóng mặt bằng và quyết định đơn phương thu hồi dự án của chính quyền địa phương vào năm 2009 dẫn đến tranh chấp pháp lý liên quan đến dự án resort này trong suốt những năm 2009-2010.

Từ năm 2010 đến cuối năm 2012, giá trị tài sản ròng của Resort Đà Lạt được phản ánh trên BCTC dưới dạng khoản đầu tư ngắn hạn trị giá 81,8 tỷ đồng, đã được chấp thuận để thanh lý cho một bên thứ ba nhưng chưa hoàn thành thủ tục pháp lý.

Từ năm 2013, Resort Đà Lạt không còn được nhắc đến trên Báo cáo HAG.

Bầu Đức: Từ 'đi trước đón đầu' đến 'cạn duyên' với ngành khách sạn
Khách sạn Mường Thanh Luxury Sông Hàn. Ảnh: Internet

Thương vụ HAG bán khách sạn 23 tầng, 5 sao gần biển Mỹ Khê, Đà Nẵng lại là một thương vụ khá kín tiếng, cả trên truyền thông và báo cáo doanh nghiệp. Điều trùng hợp là khách sạn HAGL Plaza Đà Nẵng, tương tự như HAGL Pleiku, đều “về tay” Tập đoàn Mường Thanh.

Mường Thanh đã mua HAGL Hotel Plaza và đổi tên thành Mường Thanh Luxury Sông Hàn vào tháng 11/2019. Khách sạn kinh doanh ổn định từ đó đến nay.

>> Bên mua khách sạn Hoàng Anh Gia Lai: Thế chấp Sacombank, giảm 75% vốn điều lệ trước khi về tay Tập đoàn Mường Thanh

Chân dung con gái kín tiếng của bầu Đức: Sở hữu khối tài sản trăm tỷ và vai trò đặc biệt với Hoàng Anh Gia Lai

Bầu Đức dự kiến bội thu nhờ diện tích sầu riêng tăng gấp 10 lần

Theo Kiến thức Đầu tư
https://dautu.kinhtechungkhoan.vn/bau-duc-tu-di-truoc-don-dau-den-can-duyen-voi-nganh-khach-san-248344.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
    Nổi bật Tỷ giá mới
    Bầu Đức: Từ đi trước đón đầu đến 'cạn duyên' với ngành khách sạn
    POWERED BY ONECMS & INTECH