Bầu Đức tự hào khi Hoàng Anh Gia Lai (HAG) từng là doanh nghiệp đầu tiên dám tuyên bố mất thanh khoản
Sau cú sốc giá cao su năm 2016, Hoàng Anh Gia Lai (HAG) quyết tâm "chuyển mình", tái khởi đầu từ con số không.
Sáng ngày 2/11, Công ty cổ phần Hoàng Anh Gia Lai (HAG ) chính thức ký hợp tác chiến lược phân phối sản phẩm với chuỗi siêu thị thực phẩm King Food Mart. Tại sự kiện này, ông Đoàn Nguyên Đức (bầu Đức) - Chủ tịch HĐQT Hoàng Anh Gia Lai - chia sẻ sâu sắc về hành trình nhiều thăng trầm với lĩnh vực nông nghiệp, nơi ông từng trải qua cả thất bại và thành công.
Ông Đức tóm tắt hành trình ấy bằng một câu ngắn gọn nhưng đậm chất trải nghiệm: "Từ đỉnh cao xuống hố sâu, rồi phát triển lại cũng nhờ nông nghiệp. Đây là một hành trình dài và đầy phức tạp".
Ông chia sẻ thêm, Hoàng Anh Gia Lai bắt đầu bước vào lĩnh vực nông nghiệp từ năm 2007. Trước năm 2012, tập đoàn hoạt động đa ngành với các lĩnh vực như bất động sản, thủy điện, khoáng sản… Sau năm 2012, tập đoàn chuyển hướng mạnh mẽ sang nông nghiệp, đầu tư hàng tỷ USD vào ba nước trong khu vực.
Hình ảnh ông Đoàn Nguyên Đức chia sẻ tại buổi ký kết hợp tác sáng 2/11 |
>> Chán bán heo, HAGL (HAG) của bầu Đức bất ngờ thu lời khủng từ loại cây 'siêu lợi nhuận' 
Thời kỳ này chính là giai đoạn hoàng kim của Hoàng Anh Gia Lai, thu hút đầu tư từ nhiều tập đoàn nước ngoài, trong đó có Temasek rót tới 200 triệu USD vào doanh nghiệp để trồng cây cao su. Khi ấy, chi phí trồng cao su là 1.400 USD/tấn trong khi giá bán đạt 5.200 USD/tấn – một mảng kinh doanh siêu lợi nhuận.
Tuy nhiên, “người tính không bằng trời tính”, khi Hoàng Anh Gia Lai bắt đầu khai thác cao su, giá thị trường chỉ còn 1.100 USD/tấn. Năm 2016, tập đoàn rơi vào tình trạng mất thanh khoản, không đủ tiền trả lãi và lương. Từ đỉnh cao, Hoàng Anh Gia Lai rơi vào vực sâu khủng hoảng.
Nhìn lại, bầu Đức nói vẫn tự hào khi Hoàng Anh Gia Lai là doanh nghiệp đầu tiên của Việt Nam dám tuyên bố mất thanh khoản, dù lúc đó nợ tới 32.000 tỷ đồng. Tham vọng xây dựng một tập đoàn nông nghiệp hàng đầu khu vực đã không thành hiện thực.
Sau cú sốc giá cao su năm 2016, Hoàng Anh Gia Lai quyết tâm "chuyển mình", tái khởi đầu từ con số không. Tập đoàn chuyển hướng sang chiến lược lấy ngắn nuôi dài với các cây trồng ngắn ngày như ớt, chuối, và chanh dây. Đặc biệt, chuối đã trở thành “cứu cánh”, giúp Hoàng Anh Gia Lai vượt qua khủng hoảng. Từ những bước đầu khó khăn, đến nay mảng chuối của tập đoàn đang dẫn đầu Đông Nam Á về diện tích, và chiếm thị phần ở các thị trường Hàn Quốc, Nhật Bản.
Sau chuối, Hoàng Anh Gia Lai tiếp tục mở rộng với sầu riêng. Hiện tại, ba sản phẩm trái cây chủ lực của tập đoàn gồm chuối, sầu riêng, và bưởi. Bên cạnh đó, tập đoàn còn nuôi heo, gà, và thậm chí đang thử nghiệm nuôi cá tầm, cá hồi – dự kiến sẽ có kết quả trong vài tháng tới.
>> Vay 9.600 tỷ đồng, ai đang là chủ nợ lớn nhất của HAGL Agrico (HNG)? 
Ông Đức cũng nhấn mạnh rằng, Hoàng Anh Gia Lai đã xuất khẩu sản phẩm sang những thị trường khó tính như Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, và không có lý do gì để bỏ qua thị trường nội địa. Vì vậy, tập đoàn đang đẩy mạnh hướng đến người tiêu dùng trong nước, với mong muốn mang sản phẩm chất lượng cao đến tay người dân Việt Nam.
Bầu Đức tự hào khẳng định rằng sản phẩm chuối của Hoàng Anh Gia Lai là loại ngon nhất Việt Nam, được trồng ở độ cao 900m so với mực nước biển, trong điều kiện khí hậu mát mẻ. Mỗi lứa chuối phải mất một năm mới thu hoạch, dài hơn ba tháng so với trồng thông thường, nên chuối dẻo, thơm và ngọt hơn.
Theo thỏa thuận ký kết, chuỗi siêu thị thực phẩm King Food Mart sẽ phân phối nhiều sản phẩm thuộc hệ sinh thái của Hoàng Anh Gia Lai, như chuối, thịt heo… Đặc biệt, Hoàng Anh Gia Lai còn tặng 1 triệu trái chuối để chuỗi siêu thị này gửi đến khách hàng, đánh dấu bước khởi đầu của sự hợp tác đầy triển vọng.
>> THACO dự kiến đạt doanh thu 1 tỷ USD xuất khẩu nông sản trong thời gian tới 
Chán bán heo, HAGL (HAG) của bầu Đức bất ngờ thu lời khủng từ loại cây 'siêu lợi nhuận' 
Sau heo ăn chuối, bầu Đức 'tiết lộ' đang nuôi cá hồi, cá tầm