Sống

Bệnh nhân đột quỵ ngày càng nhiều nhưng thiếu trung tâm điều trị

Linh Giao 12/09/2023 - 11:45

Mỗi đơn vị đột quỵ tại Việt Nam đang điều trị trên 2.000 bệnh nhân/năm, trong khi con số lý tưởng là 500 bệnh nhân. Các chuyên gia tính toán, nước ta cần khoảng 400 đơn vị/trung tâm đột quỵ trong những năm tới.

Tháng 8 vừa qua, Hội Đột quỵ Thế giới đã trao giải thưởng đạt chuẩn kim cương, bạch kim, vàng cho 36 trung tâm đột quỵ tại Việt Nam. Trong đó, 7 bệnh viện đạt chuẩn cao nhất là kim cương, 9 bệnh viện đạt chuẩn bạch kim và 20 bệnh viện đạt giải thưởng vàng.

Một trong những bệnh viện lần đầu tiên đạt chuẩn vàng là Bệnh viện Lê Văn Thịnh (TP.HCM). Bác sĩ Nguyễn Văn Phước, Khoa Nội tim mạch, Bệnh viện Lê Văn Thịnh, cho biết đơn vị đã đáp ứng các tiêu chí chính như số lượng bệnh nhân đột quỵ trong 1 quý và tỷ lệ được tái thông bằng thuốc tiêu sợi huyết.

Tại cơ sở y tế này, bệnh nhân đột quỵ vào viện được tiếp cận điều trị thuốc tiêu sợi huyết đường tĩnh mạch trong vòng 43 phút. Thời gian 43 phút bao gồm thực hiện các quy trình như khám, xét nghiệm, chụp CT, hội chẩn, dùng thuốc….

Giáo sư, Tiến sĩ, bác sĩ Jeyaraj Durai Pandian, Chủ tịch Hội Đột quỵ Thế giới, nhận định trong 5 năm qua, Việt Nam có bước tiến lớn trong điều trị đột quỵ với sự ra đời của rất nhiều trung tâm trên cả nước, quy trình điều trị được chuẩn hóa với sự hỗ trợ của chương trình Angels. Việt Nam hiện có số trung tâm điều trị đột quỵ đạt chuẩn hàng đầu trong khu vực, chỉ xếp sau Thái Lan.

Người bệnh đột quỵ cần được cấp cứu càng sớm càng tốt. Ảnh: GL.

Theo Phó giáo sư, bác sĩ Nguyễn Huy Thắng, Phó chủ tịch Hội Đột quỵ Việt Nam, cả nước hiện có 110 trung tâm/đơn vị điều trị đột quỵ. Đây là con số vô cùng ý nghĩa vì người bệnh đột quỵ cần được cấp cứu càng sớm càng tốt, giảm tỷ lệ tàn phế, giảm gánh nặng cho gia đình, xã hội...

Tuy nhiên, Phó giáo sư Thắng cũng trăn trở khi số đơn vị đột quỵ hiện chưa đáp ứng được thực tế. Ông dẫn chứng theo bản đồ đột quỵ thế giới, Việt Nam thuộc nhóm những quốc gia có nguy cơ đột quỵ cao nhất, với tỷ lệ ước tính hơn 218/100.000 dân, tương ứng với khoảng trên 200.000 ca đột quỵ mỗi năm.

Như vậy, một đơn vị đột quỵ tại Việt Nam đang điều trị trên 2.000 bệnh nhân/năm. Trong khi đó, con số tương ứng tại Mỹ là 300 bệnh nhân, con số ở điều kiện lý tưởng là khoảng 500 bệnh nhân.

"Điều đó có nghĩa, chúng ta sẽ cần 400 đơn vị đột quỵ trong những năm tới hoặc cũng phải ở mức 200 đơn vị để đạt con số 1.000 bệnh nhân/ năm/đơn vị đột quỵ", ông nói.

Phó giáo sư Thắng bày tỏ khá nhiều tỉnh thành đến nay chưa có cơ sở điều trị đột quỵ hoặc có nhưng không duy trì 24/7, khiến nhiều người bệnh bị lỡ thời gian vàng những giờ dầu. Trong khi đó, cấp cứu trước viện ở bệnh nhân đột quỵ rất quan trọng, giúp rút ngắn thời gian đến được trung tâm gần nhất, chạy đua với thời gian để cứu lấy từng tế bào não.

“Việc thành lập các đơn vị đột quỵ, với đội ngũ thầy thuốc và điều dưỡng đào tạo chuyên biệt, được xem là chiến lược mang lại lợi ích lớn nhất cho cộng đồng tại nhiều quốc gia.

Đặc biệt, với yêu cầu điều trị càng sớm càng tốt trong “thời gian vàng”, các đơn vị đột quỵ cần đạt được số lượng cần thiết theo khoảng cách địa lý, nhằm đảm bảo việc bệnh nhân có thể đến được đơn vị đột quỵ trong 60 phút sau khi khởi phát”, Phó giáo sư Thắng nhấn mạnh.

Bệnh viện Quân y 175 cũng được Hội đột quỵ thế giới trao giải thưởng chuẩn kim cương. Ảnh: GL.

Còn bác sĩ chuyên khoa 2 Nguyễn Thị Phương Nga, Trưởng khoa Nội thần kinh, Bệnh viện Thống Nhất (TP.HCM), đề xuất mỗi khu vực hoặc tỉnh thành, tùy theo dân số để bố trí một trung tâm đột quỵ và từ 2-4 đơn vị đột quỵ vệ tinh như phân tuyến trong điều trị.

Theo đó, các cơ sở khám chữa bệnh không có đơn vị đột quỵ sẽ chuyển bệnh lên đơn vị đột quỵ vệ tinh; trường hợp nặng hoặc cần thực hiện kỹ thuật cao, người bệnh tiếp tục được chuyển bệnh lên trung tâm đột quỵ. Bác sĩ Nga cho rằng Bộ Y tế nên có quy hoạch các đơn vị đột quỵ cho các tỉnh, thành phố theo khoảng cách địa lý và dân số.

Bác sĩ Nguyễn Văn Phước, Khoa Nội tim mạch, Bệnh viện Lê Văn Thịnh, cũng băn khoăn về việc hiện nay nhiều đơn vị đột quỵ của tuyến dưới chưa triển khai các kỹ thuật cao. Anh ví dụ bên cạnh dùng thuốc tiêu sợi huyết, có trường hợp sẽ cần can thiệp mạch máu lấy huyết khối bằng dụng cụ. Khi bệnh viện tuyến dưới chưa thực hiện được lấy huyết khối, bệnh nhân sẽ tiếp tục phải chuyển lên tuyến trên.

Bên cạnh đó, đến nay vẫn còn nhiều bệnh nhân bị đột quỵ 2-3 ngày mới vào viện cấp cứu, hoặc tự điều trị ở nhà bằng các phương pháp sai như châm mười đầu ngón tay, cạo gió, vắt chanh vào miệng...

"Mặc dù truyền thông rất nhiều nhưng vẫn phải tiếp tục để người dân phát hiện sớm đột quỵ, xử trí đúng, đến bệnh viện gần nhất và sớm nhất để cứu các tế bào não, tránh tình trạng tàn phế sau này", bác sĩ Phước chia sẻ.

Đột quỵ là tình trạng não bộ bị tổn thương nghiêm trọng do quá trình cấp máu não bị gián đoạn hoặc suy giảm đáng kể. Khi đó, não bộ rơi vào tình trạng thiếu oxy và không đủ dinh dưỡng để nuôi các tế bào. Trong vòng vài phút, nếu không được cung cấp đủ máu, các tế bào não sẽ chết dần. Mỗi phần não đều đảm nhận một chức năng nhất định như chức năng vận động, cảm giác, thị giác, thính giác...

Khi xảy ra đột quỵ, phần não bị hư hại không thể đảm nhận chức năng ban đầu, dẫn đến xuất hiện các triệu chứng: yếu liệt nửa người, tê và mất cảm giác, mất thị lực một bên hoặc mù hoàn toàn, mất ngôn ngữ, hôn mê...

Bệnh viện Bạch Mai được bệnh viện của Lào đề xuất hỗ trợ và chuyển giao chuyên môn về điều trị đột quỵ

Lần đầu tiên trong lịch sử 114 năm, Bệnh viện Bạch Mai cứu sống cụ ông 103 tuổi bị đột quỵ sau khi xem trận đấu giữa tuyển Việt Nam - Thái Lan

Theo vietnamnet.vn
https://vietnamnet.vn/dot-quy-ngay-cang-nhieu-nhung-thieu-trung-tam-dieu-tri-2188279.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
    Nổi bật Tỷ giá mới
    Bệnh nhân đột quỵ ngày càng nhiều nhưng thiếu trung tâm điều trị
    POWERED BY ONECMS & INTECH