Bệnh viện hạng đặc biệt lớn nhất miền Bắc sẽ được đầu tư nâng cấp ngang tầm quốc tế
Theo kế hoạch này, nước ta sẽ ưu tiên đầu tư nâng cấp 6 bệnh viện ngang tầm quốc tế.
Ngày 16/12, Phó Thủ tướng Lê Thành Long đã ký Quyết định số 1576, chính thức phê duyệt kế hoạch thực hiện Quy hoạch mạng lưới cơ sở y tế giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Kế hoạch nhằm mục đích triển khai thực hiện có hiệu quả Quyết định số 201 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch mạng lưới cơ sở y tế thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050; cụ thể hóa các nhiệm vụ, giải pháp, huy động nguồn lực gắn với trách nhiệm của các bộ, cơ quan trung ương, địa phương trong việc triển khai thực hiện Quy hoạch mạng lưới cơ sở y tế; xây dựng lộ trình thực hiện danh mục dự án dự kiến ưu tiên đầu tư, xác định nội dung trọng tâm, tiến độ và nguồn lực thực hiện.
Đáng chú ý, theo kế hoạch, nước ta sẽ ưu tiên đầu tư nâng cấp 6 bệnh viện ngang tầm quốc tế, gồm: Bệnh viện Bạch Mai , Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức , Bệnh viện Trung ương Huế, Bệnh viện Chợ Rẫy , Bệnh viện Trung ương Quân đội 108, Bệnh viện Quân y 175.
Đồng thời, Chính phủ ưu tiên đầu tư xây dựng Bệnh viện Trung ương Tây Nguyên; Trung tâm Điều phối quốc gia về ghép bộ phận cơ thể người tại Hà Nội, Đà Nẵng, TP. HCM.
Trong lĩnh vực Y tế dự phòng, y tế công cộng, ưu tiên đầu tư xây dựng trung tâm kiểm soát bệnh tật trung ương và đầu tư xây dựng 3 trung tâm kiểm soát bệnh tật khu vực.
Trong lĩnh vực Dân số - Sức khỏe sinh sản, Chính phủ ưu tiên đầu tư xây dựng 2 trung tâm sàng lọc chẩn đoán trước sinh và sơ sinh tại Thái Nguyên và Đắk Lắk; đồng thời, ưu tiên đầu tư nâng cấp 6 trung tâm sàng lọc chẩn đoán trước sinh và sơ sinh tại Hà Nội, Nghệ An, Thừa Thiên Huế, TP. HCM và Cần Thơ.
Đối với dự án đầu tư sử dụng các nguồn vốn khác ngoài vốn đầu tư công, kế hoạch nêu rõ khuyến khích đầu tư tư nhân phát triển các dịch vụ kỹ thuật cao, tiên tiến hiện đại, dịch vụ theo yêu cầu đáp ứng nhu cầu chăm sóc sức khỏe của nhân dân, kể cả của người có thu nhập cao, người nước ngoài.
Cũng theo kế hoạch, cần thu hút nguồn lực xã hội theo các hình thức đầu tư cơ sở y tế tư nhân; đầu tư theo phương thức đối tác công tư; vay vốn, thuê, cho thuê tài sản; tài trợ, viện trợ từ các tổ chức, cá nhân trong nước và nước ngoài; hình thức khác theo quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản công và quy định khác của pháp luật có liên quan.
>> 15 bệnh viện được Bộ Y tế phê duyệt tăng giá dịch vụ khám chữa bệnh