Nơi đây được người dân địa phương gọi là dãy núi “khó hiểu” và họ cho rằng ở thung lũng này có sự hiện diện của một “luồng không khí bí hiểm”.
Trên địa phận xã Sơn Trung, huyện Khánh Sơn, tỉnh Khánh Hòa có một vùng đất được gọi “thung lũng tử thần”. Nơi đây được đặt với một cái tên khá lạ - thung lũng  Ô Kha.
Ô Kha nằm giữa hai đỉnh núi Ma Hang và núi Chè ở phía Bắc, lọt thỏm giữa hai dãy núi cao. Thung lũng Ô Kha như một lòng chảo, tứ bề giăng mắc núi. Phía Bắc là Hòn Bà cao 1.500m - nơi nhà bác học, bác sĩ Yersin mở trại thực nghiệm để nghiên cứu các loại giống cây trồng cũng như các loại vắc xin cứu người; phía Tây và Nam là những dãy núi điệp trùng quanh năm mây phủ.
Thoạt nhìn, thung lũng này rất nên thơ, lãng mạn bởi có dòng suối Hà Mang bắt ngang qua như một dải lụa mềm mại. Thế nhưng, phía sau vẻ đẹp mơ mộng đó là những bí ẩn chưa có lời giải gây ám ảnh cả ngành hàng không.
Sở dĩ, Ô Kha còn được nhiều người biết đến với một tên gọi khác là ‘thung lũng tử thần’ do trước giai đoạn 1975, nhiều máy bay từng rơi ở khu vực này. Điển hình nhất cho một trong những tai nạn hàng không thảm khốc tại Ô Kha phải kể đến vụ rơi máy bay Yak-40 vào ngày 14/11/1992.
Chiếc máy bay loại nhỏ của hãng hàng không quốc gia  Việt Nam chở theo 31 hành khách cùng phi hành đoàn, bay từ TP.Hồ Chí Minh ra Nha Trang, khi đến thung lũng này, đã đâm vào một ngọn núi làm 30 người tử nạn, chỉ một hành khách sống sót. Người phụ nữ đầy may mắn ấy là bà Annette Herfkens, quốc tịch Hà Lan. Bà đã phải trải qua 192 giờ trong rừng rậm nơi thung lũng Ô Kha với những vết thương lớn cùng cái đói, cơn khát và cả nỗi sợ hãi bủa vây, để chống chọi với thần chết trước khi đội cứu hộ tìm được bà.
Thảm kịch của vụ rơi máy bay ấy không dừng lại ở đó. Sau khi hay tin chiếc máy bay dân sự gặp nạn, lực lượng cứu hộ đã điều một chiếc trực thăng bay đến Ô Kha để tìm kiếm. Chưa kịp phát hiện ra nạn nhân cần cứu, chiếc máy bay nọ cũng đã đâm sầm vào một ngọn núi gần đó, khiến 8 người trong đội cứu hộ thiệt mạng, mãi đến gần một tháng sau mới tìm ra chiếc máy bay cùng những người xấu số này.
Khí hậu ở Ô Kha cũng có nhiều điều lạ kỳ. Theo lời kể của người dân địa phương, vào mùa đông, thung lũng này mưa lâm thâm suốt ngày đêm, sương mù và mây rất dày đặc. Vào mùa khô khi người ta quan sát thì ít khi thấy ánh nắng mặt trời. Do không khí ở đây rất loãng nên khi máy bay bay qua khu vực này thường bị “kéo” xuống vài trăm mét.
Ông Cao Văn Nhiến, nguyên Chỉ huy trưởng Cơ quan Quân sự huyện Khánh Sơn nhớ lại: “Ngay cả chiếc trực thăng Mi-8 trước khi bị rơi ở gần thung lũng này đã từng chở tôi và mấy đồng chí hàng không dân dụng đi thị sát 4 lần, nhưng không dám bay qua thung lũng vì ở đây không khí rất loãng, chúng tôi chỉ bay vòng quanh thung lũng nhưng vẫn bị kéo xuống 300-400m như muốn rơi”.
Trong khi đó, ông Nguyễn Thành Chung - nguyên Phó Chỉ huy tham mưu trưởng Cơ quan Quân sự huyện Khánh Sơn cho biết tại ‘thung lũng tử thần’ không chỉ có chiếc Yak-40 hay chiếc Mi-8 của quân đội gặp nạn mà từ thời Pháp và thời Mỹ - Ngụy, nhiều máy bay đã rơi khi bay qua thung lũng này.
Đâu chỉ vụ tai nạn ám ảnh ngành hàng không Việt Nam , thung lũng Ô Kha còn nhiều điều huyền ảo khác. Theo lời kể của người dân tại Sơn Trung, cứ buổi chiều sau cơn dông, người dân sẽ thấy thung lũng này chuyển sang màu xanh thẫm, từ xa có thể nhìn rõ cả những luồng khí đang uốn lượn bốc lên từ chân núi. Không ai biết những luồng khí này là gì, chỉ có cảm giác kỳ quái là luôn thường trực.
Hay cũng có người kể lại, giữa ngày hè nóng nực nhưng vào đến thung lũng này lại thấy lạnh lẽo lạ thường. Người dân trong vùng qua nhiều thế hệ truyền tai nhau những câu chuyện bí ẩn về Ô Kha - ‘thung lũng tử thần’.