Biển Đông bước vào giai đoạn bão nhiều: Áp thấp nhiệt đới đổ bộ vào đất liền có thể cao hơn trung bình nhiều năm
Trong giai đoạn này, cần đặc biệt chú ý đến các cơn bão có thể hình thành ngay trên biển Đông, với diễn biến phức tạp, khó lường và khả năng đổ bộ vào đất liền rất cao.
Theo thông tin từ Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, từ tháng 9 đến tháng 11 năm 2024, hiện tượng La Nina  có thể xuất hiện với xác suất lên tới 60-70%.
La Nina sẽ có tác động đáng kể đến tình hình thời tiết, khiến hoạt động của bão và áp thấp nhiệt đới trên biển Đông có khả năng diễn ra với tần suất cao, thậm chí vượt mức trung bình nhiều năm, với khoảng 5,9 cơn bão. Đặc biệt, số lượng bão/áp thấp nhiệt đới  có thể đổ bộ vào đất liền dự kiến cũng sẽ cao hơn, với khoảng 2,9 cơn.
Khu vực miền Trung và các tỉnh phía Nam được dự báo là những nơi có khả năng chịu ảnh hưởng chính từ các cơn bão hoặc áp thấp nhiệt đới trong thời gian này. Trung tâm cũng khuyến cáo, trong giai đoạn này, cần đặc biệt chú ý đến các cơn bão có thể hình thành ngay trên biển Đông, với diễn biến phức tạp, khó lường và khả năng đổ bộ vào đất liền rất cao.
Từ đầu mùa bão đến nay, biển Đông đã ghi nhận sự xuất hiện của một áp thấp nhiệt đới và hai cơn bão, bao gồm bão số 1-MALASKA và bão số 2-PRAPIROON. Điều đáng chú ý là cả ba cơn bão và áp thấp nhiệt đới này đều hình thành ngay trên biển Đông, với những diễn biến khác thường và trái với quy luật khí hậu thông thường.
Đặc biệt, áp thấp nhiệt đới xuất hiện từ ngày 13-16/7 đã có hành trình khác lạ, thay vì di chuyển lên phía Bắc hoặc hướng tới Trung Quốc như thường lệ, nó lại hướng về đất liền các tỉnh miền Trung, phá vỡ quy luật khí hậu quen thuộc.
Cơn bão số 2 diễn ra trên biển Đông từ ngày 19-23/7 đã có những diễn biến bất thường. Bão ban đầu suy yếu khi di chuyển qua đảo Hải Nam, nhưng sau đó nhanh chóng mạnh trở lại khi tiến vào vịnh Bắc Bộ, đạt đến cấp 10, giật cấp 12 ở thời điểm mạnh nhất.
Vào sáng sớm ngày 23/7, khi bão tiếp cận vùng biển ven bờ khu vực Quảng Ninh-Hải Phòng, cường độ của nó giảm nhanh xuống cấp 8-9, giật cấp 11, rồi tiếp tục suy yếu thành áp thấp nhiệt đới với cường độ mạnh cấp 7, giật cấp 9.
Trên đất liền, Quảng Ninh và Hải Phòng đã trải qua những cơn gió mạnh cấp 6-7, vùng gần tâm bão gió giật đạt cấp 8-9, giật cấp 10. Sau khi cơn bão số 2 quét qua, các tỉnh miền Bắc, bao gồm Điện Biên và Hà Nội, đã hứng chịu mưa lớn kỷ lục, dẫn đến ngập lụt nghiêm trọng ở một số khu vực.