Biệt phủ hoành tráng mất 300 năm mới xây xong, rộng gần bằng 1/3 Tử Cấm Thành, được xếp hạng di tích lịch sử trọng điểm
Đến nay, quần thể kiến trúc này vẫn được bảo tồn, khiến nhiều người bất ngờ về độ hoành tráng.
Giấu mình trong vùng đất cổ Tấn Trung, tỉnh Sơn Tây, miền bắc Trung Quốc là một biệt phủ khổng lồ, bí ẩn, được mệnh danh là "tư dinh số một Trung Quốc". Người ta gọi nó là Vương Gia Đại Viện. Tọa lạc tại huyện Linh Thạch, vốn nổi tiếng với nhiều danh lam thắng cảnh, biệt phủ nhà họ Vương nổi bật giữa những di sản văn hóa lịch sử với kiến trúc độc đáo và giá trị văn hóa sâu sắc, phản ánh sự thịnh vượng của một dòng tộc qua nhiều thế kỷ. Được biết, biệt phủ này do gia tộc nhà họ Vương xây dựng trong khoảng thời gian 300 năm, giữa hai triều đại Minh và Thanh.
Từ trên cao nhìn xuống, biệt phủ như một bức tranh tuyệt đẹp với những ngôi nhà san sát nhau, tạo nên một tổng thể hài hòa và tráng lệ. Kiến trúc  độc đáo này đã khiến biệt phủ trở thành một trong những công trình kiến trúc nổi tiếng nhất của thời nhà Thanh. Công trình được thiết kế phù hợp phong thủy, có khả năng đón gió mát vào mùa hè và ngăn gió lạnh vào mỗi mùa đông. Thiết kế nơi đây cùng tựa lưng vào núi và hướng cửa chính hướng về phía Nam.
Các chuyên gia kiến trúc nhận định rằng hệ thống sân trong của biệt phủ  này là sự kế thừa tinh hoa kiến trúc từ thời Tây Chu, đồng thời được phát triển để đáp ứng nhu cầu sinh hoạt của tầng lớp quan lại thời nhà Thanh, tạo nên một không gian sống vừa trang trọng, vừa ấm cúng.
Công trình kiến trúc hoành tráng này có diện tích lên đến 250.000m2, bằng gần 1/3 độ rộng của Tử Cấm Thành (720.000m2). Biệt phủ là một quần thể kiến trúc đồ sộ với 123 tứ hợp viện, mỗi viện lại bao gồm 1 sân vườn và 4 dãy nhà, tổng cộng lên đến 1.118 phòng. Bố cục tổng thể của công trình được thiết kế một cách thông minh với 5 làn đường, các khoảng sân được bố trí hợp lý tạo nên một hệ thống không gian đa dạng, vừa thuận tiện cho việc di chuyển vừa đảm bảo tính thẩm mỹ cao.
Quần thể kiến trúc được phân chia khoa học thành nội viện và ngoại viện, trong đó nội viện lại được chia thành viện chính và viện phụ. Trong khi viện chính dành cho các trưởng bối trong gia tộc thì viện phụ dành cho con cháu và người hầu, thể hiện rõ ràng trật tự tôn ti trong gia đình, đồng thời phản ánh quan niệm về gia đình, xã hội của người xưa.
Ở khắp biệt phủ được trang trí nhiều tác phẩm điêu khắc trên đá, gỗ, gạch với đa dạng chủ đề, tạo nên những bức tranh ấn tượng. Từ năm 2006, công trình đặc biệt này đã được xếp hạng di tích lịch sử trọng điểm quốc gia cấp 4A. Tới ngày nay, biệt phủ vẫn được trùng tu và bảo vệ, đón không ít khách du lịch thập phương hàng năm. Trải qua bao thăng trầm của lịch sử, công trình vẫn giữ được những nét đẹp nguyên sơ, như một minh chứng sống động cho vẻ đẹp trường tồn.