Bình Định: 600 công chức thuế không dùng giấy tờ, chuyển đổi số sâu rộng

31-10-2023 16:19|PV

Những “ác cảm” với cơ quan thuế đang dần được xoá nhoà. Thậm chí, người dân, doanh nghiệp lại đang hỗ trợ ngành trong công tác quản lý thuế. Thay đổi lớn tới từ ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số tại Bình Định.

3 năm nay, gần 600 công chức ngành thuế của tỉnh Bình Định đã không còn sử dụng giấy tờ hành chính. Tất cả văn bản nội bộ hàng ngày trong cơ quan được đưa lên hệ thống trực tuyến, giúp thủ trưởng các bộ phận đẩy nhanh tốc độ phê duyệt tờ trình, ra quyết định kịp thời, tăng chất lượng quản trị công.

Chưa dừng ở đó, ngành thuế Bình Định cũng giảm thanh, kiểm tra tại trụ sở người nộp thuế, thay vào đó là phương thức “tầm soát-tư vấn” từ xa.

Nhìn lại cuộc cải tổ lớn trên, Trưởng phòng Công nghệ thông tin (Cục Thuế tỉnh Bình Định), ông Trần Hữu Danh thừa nhận: “Với tốc độ phát triển của kinh tế hiện nay, nếu không chuyển đổi số, cơ quan thuế không thể đủ người làm việc”.

Ngành thuế phải cám ơn người dân

Thưa ông, có quá không khi nói, nếu thiếu vai trò hỗ trợ của công nghệ thông tin, nhân lực công chức ngành thuế không đủ đáp ứng cho nền kinh tế ?

Ông Trần Hữu Danh: Điều này là chắc chắn. Tôi đã có 30 năm công tác trong ngành thuế, trên chặng đường dài đó, tôi chứng kiến từng sự đổi thay của ngành mình. Ứng dụng công nghệ thông tin đã đóng vai trò rất lớn. 

Đầu những năm 90, khi tôi mới vào ngành, chưa có bất kỳ ứng dụng công nghệ nào, mọi thao tác công việc được thực hiện thủ công. 

Hơn 10 năm sau đó, Tổng cục Thuế đầu tư thiết bị cho các cục ở địa phương, xuất hiện các tỉnh tự làm ứng dụng. Từ mô hình phân tán dữ liệu tại từng cục thuế cho tới mô hình tập trung dữ liệu tại tổng cục, công nghệ thông tin đã mang lại quá nhiều tiện ích cho người dân, thuế vụ.

Trước kia, người dân phải đi nộp tờ khai thuế, rồi xếp hàng chờ đợi trong nhiều giờ. Tương tự, trong một số trường hợp, cán bộ thuế phải đi thu thuế trực tiếp. Bây giờ, các giao dịch với cơ quan thuế được thực hiện trên môi trường điện tử. 

Do đó, với sự phát triển của đa dạng các ngành, nghề kinh tế trong xã hội hiện nay, nếu không ứng dụng công nghệ thông tin, lực lượng công chức ngành không bao giờ có thể đáp ứng, phục vụ kịp quá trình hoạt động kinh doanh của người dân, doanh nghiệp.

W-dsc00431-1.jpg
Ông Trần Hữu Danh, Trưởng phòng Công nghệ thông tin, Cục Thuế tỉnh Bình Định. (Ảnh: Xuân Quý)

Nhiều người còn khá mơ hồ khi nói về ứng dụng công nghệ vào thực tiễn trong quản lý của ngành thuế. Ông sẽ trả lời họ như thế nào ?

Ông Trần Hữu Danh: Tôi có 2 ví dụ “cây nhà lá vườn”. 

Thứ nhất, năm 2021, Cục Thuế Bình Định triển khai “Bản đồ số hộ kinh doanh” trên địa bàn tỉnh. (Địa chỉ tại biditaxmap.vn)

Trước đây, công khai số liệu bằng giấy tờ. Ngày nay, dữ liệu được đưa lên môi trường điện tử. Ngành thuế công khai các số liệu được phép theo quy định của Luật Quản lý thuế trên môi trường mạng. 

Chỉ với một chiếc smartphone, người dân hoàn toàn có thể tra cứu thông tin: doanh thu hộ kinh doanh; tiền thuế phải nộp; trạng thái hoạt động của người nộp thuế…

Ví dụ, trên đường Xuân Diệu (phường Trần Phú, TP.Quy Nhơn), một hộ kinh doanh có doanh thu tháng liền trước là 11,5 triệu đồng/tháng. Thuế khoán mà hộ kinh doanh này phải nộp dựa trên doanh thu là 517.500 đồng/tháng. 

Ngoài thông tin cụ thể trên, thì nhóm ngành nghề hoạt động; tên bảng hiệu; địa chỉ; tên người đại diện… cũng được công khai trên bản đồ số.

Khi công khai thông tin, người dân có thể tra cứu, phản ánh, giúp cơ quan thuế thuận lợi hơn trong công tác quản lý, kiểm tra. Dẫn chứng, hộ kinh doanh đóng mức thuế trên, nhưng người dân tại địa bàn thấy quy mô hoạt động của hộ đó lớn hơn, mức thuế đóng chưa tương xứng, người dân có thể ghi phản ánh trên bản đồ số. Cơ quan thuế sẽ tiếp nhận thông tin, rà soát, kiểm tra lại dữ liệu hộ kinh doanh. 

Không dừng ở đó, các ngành liên quan như quản lý thị trường cũng kiểm tra được giấy phép kinh doanh của hộ gia đình trên bản đồ số. 

Ngoài ra, bản đồ còn phục vụ ngành du lịch, hỗ trợ tìm kiếm địa điểm cung cấp dịch vụ tuỳ theo nhu cầu du khách; hay chỉ đường tới các hộ kinh doanh.

“Bản đồ số hộ kinh doanh” được chúng tôi triển khai năm 2021, tới đầu năm 2023, Tổng cục Thuế đã sử dụng ý tưởng của Cục Thuế Bình Định về ứng dụng này, nâng cấp một số tính năng, đưa lên bản mobile và triển khai ở 6 địa phương khác trên toàn quốc.

Thứ hai, năm 2022, chúng tôi thực hiện “Bản đồ số mỏ khai thác khoáng sản” tại Bình Định.

Ngành thuế xây dựng bản đồ này trên cơ sở các giấy phép khai thác được cấp của Bộ TN-MT và UBND tỉnh.

Bản đồ thể hiện rõ các quận/huyện đang có bao nhiêu mỏ được chính thức cấp phép, thời gian cấp phép trong bao lâu, loại tài nguyên khai thác là gì…

Đơn cử, người dân có thể thông tin tới ngành thuế khi thấy hoạt động khai thác khoáng sản bất thường tại địa phương. Nếu trên bản đồ không hiển thị mỏ khoáng sản mà có hoạt động khai thác tại đó, đấy là bất thường.

Sau khi tiếp nhận ý kiến người dân, cơ quan thuế phối hợp với đơn vị liên quan để tiến hành rà soát thông tin; đối chiếu dữ liệu; xuống địa bàn kiểm tra trực tiếp; xử lý nếu có vi phạm phát sinh. Đây là điểm rất tích cực, chống thất thu thuế. Chính chúng tôi phải nói lời cám ơn người dân khi đã tương tác, cung cấp thông tin.

W-hoa-don-2-539-1.jpeg
Cục thuế tỉnh Bình Định đẩy mạnh chuyển đổi số. (Ảnh: Diễm Phúc) 

 Những con số biết nói

Như vậy, có thể hiểu là khoảng cách hay định kiến của người dân, doanh nghiệp với ngành thuế đang dần được xoá nhoà nhờ những thay đổi lớn từ Cục thuế? 

Ông Trần Hữu Danh: Chúng tôi nhận thấy điều đó và hy vọng những “ác cảm” sẽ dần được xoá nhoà trong thời gian tới. 

Rõ ràng, ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số đang thu hẹp khoảng cách giữa người dân, doanh nghiệp với ngành thuế rất nhiều. 

Ngoài sử dụng hệ thống chung, chúng tôi còn có cổng giao tiếp đa kênh giữa ngành thuế Bình Định với người nộp thuế qua: Zalo, Facebook, YouTube, để người dân có thể tương tác trực tiếp trên môi trường mạng.

Nói chung, giao tiếp giữa ngành thuế và người dân Bình Định hầu như không sử dụng giấy nữa. 

Cùng với đó, thay vì quản lý khép kín như cũ, ngành thuế đang chuyển dần sang mô hình quản lý thuế mở. Toàn bộ ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số của chúng tôi, lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm.

Chúng tôi đã tạo nên một hệ sinh thái gồm 18 ứng dụng phủ sóng đến tất cả các đối tượng nộp thuế và chức năng quản lý thuế. Hệ sinh thái này bao quát toàn bộ đối tượng và lĩnh vực quản lý, từ hoạt động sản xuất kinh doanh đơn thuần đến các lĩnh vực đặc thù như thương mại điện tử, kinh doanh bất động sản, xây dựng… 

Dẫn chứng, đối với công tác Quản lý hộ kinh doanh, bằng ứng dụng “Quản lý hộ, cá nhân kinh doanh” và “Bản đồ số hộ kinh doanh”, Cục Thuế Bình Định đã thay đổi hoàn toàn phương thức quản lý, từ quản lý khép kín sang quản lý mở. Hệ thống điện tử này huy động tất cả hộ kinh doanh, doanh nghiệp đều có thể tham gia vào công tác quản lý thuế.

Hay đối với hoạt động chuyển nhượng bất động sản, chúng tôi công khai trên “Cổng giao tiếp điện tử” các trường hợp chuyển nhượng bất động sản, thực hiện phương châm 4 không: không trả hồ sơ nếu đã phù hợp theo quy định; không điện thoại; không thông báo giải trình; không cảnh báo dưới mọi hình thức.

Ngành thuế cũng đang giám sát hoàn thuế bằng ứng dụng truy xuất 12 lớp, tránh gian lận, mua bán hoá đơn lòng vòng. Nhờ đó, tình hình sử dụng hoá đơn bất hợp pháp tại Bình Định tương đối ít hơn so với các tỉnh khác. Thông qua dữ liệu giám sát này, chúng tôi tập trung kiểm tra người nộp thuế tại trụ sở cơ quan thuế, rất ít đi xuống doanh nghiệp. Hoạt động tầm soát từ xa và cảnh báo doanh nghiệp đã có sự điều chỉnh lớn.

Cơ quan thuế Bình Định công khai các lỗi sai phạm và cảnh báo rủi ro vi phạm cho từng doanh nghiệp tự rà soát, điều chỉnh, sửa sai. 9 tháng đầu năm 2023, chỉ có 148 cuộc kiểm tra tại trụ sở người nộp thuế được thực hiện. Trái lại, hoạt động phân tích, kiểm tra hồ sơ khai thuế tại trụ sở cơ quan thuế để cảnh báo doanh tự rà soát, điều chỉnh, đã tăng thu cho ngân sách được 35,3 tỷ đồng. Đây là những con số biết nói.

Còn trong nội bộ ngành, gần 600 công chức của Cục đã không còn sử dụng giấy tờ. Văn bản nội ngành được đưa lên hệ thống quản lý dữ liệu nội bộ trực tuyến. 

Với cơ quan bên ngoài, chúng tôi không sử dụng không giấy tờ với tất cả các Sở, ngành trong tỉnh hay cấp thành phố/quận/huyện. Nội bộ Tổng cục Thuế cũng có hệ thống tax office, không giấy tờ. Văn bản cấp dưới trình lên cấp trên, ký duyệt hay luân chuẩn hồ sơ đều được đưa lên môi trường điện tử.

Chuyển đổi số đang tiết kiệm kinh phí giấy tờ, thời gian di chuyển, giúp số hoá công tác quản lý, thống nhất dữ liệu, mang lại những lợi ích thấy rõ cho ngành thuế.

Trần Chung - Xuân Quý 

Hàng loạt quốc gia đưa ra ‘sách lược’ ứng phó trước lễ nhậm chức của ông Trump

Chi trả đầy đủ, kịp thời tiền lương, thưởng Tết cho người lao động

Theo vietnamnet.vn
https://vietnamnet.vn/600-cong-chuc-thue-khong-dung-giay-to-giam-sat-tu-xa-han-che-gap-doanh-nghiep-2209120.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
    Nổi bật Tỷ giá mới
    Bình Định: 600 công chức thuế không dùng giấy tờ, chuyển đổi số sâu rộng
    POWERED BY ONECMS & INTECH