Bình Định muốn chi hơn 3.000 tỷ đồng 'lên đời' sân bay 60 năm tuổi: Bộ GTVT đã có câu trả lời
Sau 60 năm sử dụng, đường cất hạ cánh duy nhất của sân bay này đã xuống cấp, sức chịu tải thấp.
Mới đây, Bộ Giao thông vận tải đã có văn bản phản hồi kiến nghị của cử tri tỉnh Bình Định về việc đầu tư ngay hạng mục nâng cấp và xây dựng sân bay Phù Cát. Dự án có tổng mức đầu tư dự kiến khoảng 3.013 tỷ đồng, nhằm đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Theo Bộ Giao thông vận tải, đề xuất triển khai đầu tư do tỉnh Bình Định đưa ra phù hợp với quy hoạch Cảng hàng không Phù Cát giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được bộ phê duyệt.
Trên cơ sở thực trạng kết cấu hạ tầng hiện tại của Cảng hàng không Phù Cát, Bộ ủng hộ chủ trương nghiên cứu sớm việc đầu tư xây dựng đường cất, hạ cánh số 2, hệ thống đường lăn và các công trình kỹ thuật hạ tầng đồng bộ thuộc khu bay.
Bên cạnh đó, Bộ cũng đã gửi văn bản đến các bộ, ngành liên quan nhằm phối hợp thống nhất phương án giao UBND tỉnh Bình Định làm chủ đầu tư xây dựng đường cất, hạ cánh số 2. Sau khi tổng hợp ý kiến từ các cơ quan liên quan, Bộ Giao thông vận tải sẽ tham mưu Thủ tướng Chính phủ theo quy định.
>> Sân bay 60 năm tuổi tại Bình Định sắp được rót thêm 3.000 tỷ đồng 
Cảng hàng không Phù Cát, Bình Định |
Liên quan đến đề xuất hỗ trợ một phần kinh phí khoảng 1.500 tỷ đồng cho dự án đường cất, hạ cánh số 2, Bộ Giao thông vận tải thừa nhận Bình Định đang gặp khó khăn về ngân sách. Trường hợp Thủ tướng Chính phủ giao cho tỉnh Bình Định làm cơ quan chủ quản dự án, bộ nhất trí với chủ trương đề nghị Trung ương hỗ trợ một phần nguồn vốn, đồng thời đề nghị tỉnh làm việc với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính để báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét quyết định.
Về việc tách riêng nhiệm vụ bồi thường, giải phóng mặt bằng thành dự án độc lập, Bộ Giao thông vận tải nêu rõ, điều này sẽ được thực hiện khi dự án đầu tư được cấp có thẩm quyền phê duyệt theo quy định của pháp luật về đất đai và đầu tư công. Bộ đề nghị sau khi được giao làm cơ quan chủ quản, Ủy ban Nhân dân tỉnh Bình Định chủ động nghiên cứu tách công tác giải phóng mặt bằng thành dự án riêng để triển khai nhanh chóng.
Trước đó, ngày 27/9, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đã chủ trì cuộc họp với tỉnh Bình Định cùng các bộ, ngành liên quan để thảo luận về chủ trương đầu tư Cảng hàng không Phù Cát.
Theo báo cáo tại cuộc họp, Cảng hàng không Phù Cát được xây dựng từ những năm 1960-1970 và bắt đầu khai thác hàng không dân dụng từ năm 1985. Sau 60 năm sử dụng, đường cất hạ cánh duy nhất tại sân bay này đã xuống cấp, sức chịu tải thấp, chỉ có thể khai thác các loại máy bay hạng nhẹ như A320/321 và tương đương.
Quy hoạch Cảng hàng không Phù Cát giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến 2050 đã đưa vào kế hoạch xây dựng đường cất hạ cánh số 2 để tăng cường khai thác hàng không dân dụng, mở rộng khu vực đỗ máy bay, nâng cấp nhà ga hành khách và sắp xếp lại các khu vực hàng không dân dụng và quân sự.
>> Ngoài siêu sân bay Long Thành, Việt Nam sẽ có thêm 7 sân bay khác 
Nhà máy điện gió ngoài khơi 4,6 tỷ USD tại Bình Định - là dự án trọng điểm và tâm huyết 
'Tân binh' bất động sản muốn đăng ký thực hiện dự án bến cảng 275ha tại Bình Định