Bộ Công Thương gửi công hàm tới USTR, khởi động đàm phán với Hoa Kỳ
Chiều ngày 14/4 đã diễn ra cuộc họp lần thứ nhất của Đoàn đàm phán Chính phủ về vấn đề thương mại với Hoa Kỳ.
Bộ trưởng Bộ Công Thương, Trưởng Đoàn đàm phán Chính phủ Nguyễn Hồng Diên đã chủ trì cuộc họp.
Quán triệt ý kiến chỉ đạo của Lãnh đạo cấp cao, cuộc họp lần thứ nhất của Đoàn đàm phán đã thảo luận về các mục tiêu, phương án triển khai các nhiệm vụ của Đoàn đàm phán; phân công nhiệm vụ cho các Bộ, ngành, thành viên Đoàn đàm phán và Tổ giúp việc; quy chế bảo mật thông tin và kế hoạch triển khai trong những ngày tới.
Đối với Việt Nam, việc đàm phán thỏa thuận thương mại với Hoa Kỳ nhằm đạt được thỏa thuận thương mại song phương ổn định, bền vững và cùng có lợi, trên tinh thần bảo đảm tối đa lợi ích quốc gia, dân tộc và lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ.
Cùng ngày, Bộ trưởng Bộ Công Thương, Trưởng Đoàn đàm phán cũng đã có Công hàm chính thức gửi Trưởng Đại diện Thương mại (USTR), Bộ trưởng Tài chính Hoa Kỳ để thông báo về đầu mối đàm phán và cấp kỹ thuật của Việt Nam; đồng thời đề nghị Hoa Kỳ xác nhận thông tin về nhóm đàm phán của Hoa Kỳ.
>>Thuế quan của Trump là ‘chiến lược đàm phán’ và Việt Nam đã đi đúng hướng?
![]() |
Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên, Trưởng đoàn đàm phán Chính phủ đã chủ trì cuộc họp lần thứ nhất của Đoàn đàm phán Chính phủ về vấn đề thương mại với Mỹ. Ảnh: CẤN DŨNG |
Trước đó, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã ký Quyết định số 753/QĐ-TTg ngày 12/4/2025 về việc thành lập Đoàn đàm phán Chính phủ về các vấn đề thương mại với Hoa Kỳ.
Bộ Công Thương là cơ quan thường trực của Đoàn đàm phán . Đoàn đàm phán có Tổ giúp việc là công chức cấp Vụ của Bộ Công Thương và các Bộ, cơ quan liên quan.
Đoàn đàm phán có nhiệm vụ: Chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành liên quan xây dựng kịch bản, phương án đàm phán với Hoa Kỳ về thỏa thuận thương mại đối ứng, trên tinh thần bảo đảm lợi ích quốc gia, dân tộc và lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ.
Tiến hành đàm phán với phía Hoa Kỳ nhằm đạt được thỏa thuận thương mại đối ứng phù hợp, cân bằng, ổn định, bền vững, hiệu quả, tôn trọng lẫn nhau và hai bên cùng có lợi.
Báo cáo Thủ tướng Chính phủ trong quá trình và kết quả đàm phán; đề xuất cấp có thẩm quyền các biện pháp, chính sách cần thiết để thực hiện thỏa thuận sau khi được ký kết.
>>Phó Thủ tướng yêu cầu tiếp tục các biện pháp ngoại giao để tác động tới các cơ quan của Hoa Kỳ