Doanh nghiệp A-Z

Bộ Công Thương thông tin về vụ điều tra chống bán phá giá thép HRC Trung Quốc do Hòa Phát và Formosa Hà Tĩnh khởi xướng

Hải Băng 24/10/2024 10:21

Bộ Công Thương đang tổng hợp lại các thông tin, dữ liệu do các bên liên quan cung cấp về vụ điều tra chống bán phá giá thép cuộn cán nóng (HRC) nhập từ Trung Quốc và Ấn Độ. Kết luận điều tra sơ bộ sẽ ban hành vào tháng 11.

Tháng 11 sẽ có kết quả sơ bộ về điều tra chống bán phá giá thép cán nóng (HRC) nhập từ Trung Quốc, Ấn Độ

Tại họp báo thường kỳ do Bộ Công Thương tổ chức chiều 23/10, ông Chu Thắng Trung - Phó Cục trưởng Cục Phòng vệ thương mại cho biết, vừa qua, Bộ Công Thương đã ban hành Quyết định số 1985 về việc điều tra, áp dụng biện pháp chống bán phá giá (CBPG) đối với một số sản phẩm thép HRC có xuất xứ từ Ấn Độ và Trung Quốc.

Trước đó, ngày 19/3, Tập đoàn Hòa Phát và Formosa Hà Tĩnh là 2 doanh nghiệp trong nước có năng lực sản xuất HRC đã nộp hồ sơ yêu cầu điều tra CBPG đối với sản phẩm HRC nhập khẩu từ Trung Quốc và Ấn Độ vào Việt Nam lên Cục Phòng vệ thương mại của Bộ Công Thương. Vụ việc được chấp thuận, và ngày 26/7, Bộ Công Thương đã ra quyết định điều tra.

Theo quy trình, dựa trên những thông tin và dữ liệu do các bên liên quan cung cấp, Cục Phòng vệ thương mại đã tiến hành đánh giá, xác định hành vi bán phá giá của các doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu ra nước ngoài, cũng như tác động của hàng hóa nhập khẩu đến ngành sản xuất trong nước. "Cục Phòng vệ thương mại đã gửi bản câu hỏi điều tra cho các bên liên quan, đề nghị trả lời. Đến nay, thời hạn dành cho các bên trả lời bản câu hỏi đã kết thúc, Cục Phòng vệ thương mại đang tiếp nhận và tổng hợp lại các thông tin, dữ liệu do các bên liên quan cung cấp" - ông Trung cho biết.

Bộ Công Thương thông tin về vụ điều tra chống bán phá giá thép HRC Trung Quốc do Hòa Phát và Formosa Hà Tĩnh khởi xướng
Hình ảnh tại buổi làm việc

Theo thống kê sơ bộ, riêng đối với các doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu nước ngoài đã gửi hơn 20 bản trả lời câu hỏi về Cục, chưa kể các bản trả lời câu hỏi của các doanh nghiệp trong nước cũng như các doanh nghiệp nhập khẩu. Cơ sở thông tin và dữ liệu ban đầu thu thập được sẽ là căn cứ quan trọng để cơ quan điều tra xác định liệu ngành sản xuất thép trong nước có chịu thiệt hại hay không, và mức độ thiệt hại (nếu có) đến từ đâu.

Trong trường hợp có đủ bằng chứng để sơ bộ xác định sản phẩm trong nước chịu thiệt hại đáng kể do hàng hóa nhập khẩu bán phá giá, Cục Phòng vệ thương mại sẽ kiến nghị Bộ Công Thương xem xét việc áp dụng biện pháp chống bán phá giá tạm thời, nhằm hạn chế ảnh hưởng tiêu cực đến ngành sản xuất trong nước.

Thứ trưởng Bộ Công Thương - Nguyễn Sinh Nhật Tân khẳng định: "Chậm nhất theo quy trình và thời hạn quy định, sang tháng 11 sẽ phải có kết quả điều tra sơ bộ. Trong trường hợp kết quả cho thấy có hội tụ đầy đủ các yếu tố gây thiệt hại đến ngành sản xuất thép cán nóng trong nước, Bộ Công Thương sẽ áp dụng biện pháp chống bán phá giá tạm thời, thông qua chính sách thuế nhập khẩu tạm thời".

Thép HRC Trung Quốc tiếp tục "ồ ạt" vào Việt Nam

Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, trong 9 tháng đầu năm 2024, thép HRC từ nước ngoài nhập khẩu vào Việt Nam đạt 8,8 triệu tấn. Trong đó, nhập khẩu từ Trung Quốc chiếm tới 72% với 6,3 triệu tấn, vượt qua số lượng thép HRC do các doanh nghiệp sản xuất trong nước là 5,1 triệu tấn, bất chấp lệnh điều tra chống bán phá giá.

Bộ Công Thương thông tin về vụ điều tra chống bán phá giá thép HRC Trung Quốc do Hòa Phát và Formosa Hà Tĩnh khởi xướng
Ảnh minh họa

Hiện tại, Hòa Phát và Formosa Hà Tĩnh có năng lực sản xuất khoảng 8,5 triệu tấn/năm. Nhu cầu thị trường trong nước năm 2023 khoảng 10 - 11 triệu tấn/năm. "Miếng bánh" thị phần đang dần rơi vào tay Trung Quốc. Bên cạnh đó, đầu năm 2025, Hòa Phát sẽ đưa dự án Dung Quất 2, với công suất 5,6 triệu tấn thép HRC vào hoạt động, tạo nguồn cung lớn cho thị trường.

Tuy nhiên, việc điều tra chống bán phá giá thép HRC Trung Quốc đang vấp phải sự phản đối từ các doanh nghiệp tôn mạ trong nước, khi thép HRC chính là nguyên liệu đầu vào. Tập đoàn Hoa Sen cho biết, Hòa Phát và Formosa đang được hưởng lợi lớn từ việc bán thép HRC cho các công ty tôn mạ và ống thép nội địa. Giá bán cao hơn so với giá nhập khẩu từ Trung Quốc từ 10 - 20 USD/tấn, cao điểm có thể chênh lệch tới 40 - 50 USD/tấn, thậm chí 90 USD/tấn.

>> Thép dây xuất khẩu sang Canada: Hòa Phát bán phá giá, toàn bộ doanh nghiệp Việt Nam nguy cơ bị áp thuế 38,1%

Nhận định chứng khoán 24/10: VN-Index có thể hồi nhẹ trong 1 - 2 phiên tới

Thanh khoản Vinhomes (VHM) lên cao thứ 2 lịch sử trong ngày đầu tiên mua cổ phiếu quỹ, các lệnh 'trao tay' khối lượng lớn xuất hiện

Theo Kiến thức Đầu tư
https://dautu.kinhtechungkhoan.vn/bo-cong-thuong-thong-tin-ve-vu-dieu-tra-chong-ban-pha-gia-thep-hrc-trung-quoc-do-hoa-phat-va-formosa-ha-tinh-khoi-xuong-255696.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
    Nổi bật Tỷ giá mới
    Bộ Công Thương thông tin về vụ điều tra chống bán phá giá thép HRC Trung Quốc do Hòa Phát và Formosa Hà Tĩnh khởi xướng
    POWERED BY ONECMS & INTECH