Để đảm bảo cung ứng điện, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cho biết, Bộ đang chỉ đạo các đơn vị liên quan tập trung đẩy nhanh tiến độ các dự án phát triển nguồn và truyền tải liên miền; chỉ đạo, đôn đốc chủ đầu tư các nhà máy điện kịp thời khắc phục sự cố, bảo đảm điều kiện sản xuất. Đồng thời, thực hiện tốt công tác điều tiết, vận hành hệ thống điện, bảo đảm đồng bộ, hiệu quả.
Thông tin tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc Chính phủ với các địa phương và phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 6/2023 diễn ra ngày 4/7, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên cho biết: "6 tháng đầu năm, mặc dù phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức như trong Báo cáo của Chính phủ đã nêu, ngành công thương - dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo thường xuyên, trực tiếp của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã chủ động, sáng tạo, kịp thời thực hiện đồng bộ, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp, góp phần tích cực vào sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước".
Một số kết quả nổi bật có thể kể đến như: Cán cân thương mại đạt mức xuất siêu kỷ lục (12,25 tỷ USD) trong bối cảnh khó khăn chung của thương mại toàn cầu; thị trường trong nước duy trì mức tăng trưởng cao 2 con số, bảo đảm cung ứng các hàng hóa, dịch vụ thiết yếu phục vụ sản xuất và đời sống nhân dân. Đặc biệt, ngành năng lượng thời gian qua gặp nhiều khó khăn, thách thức nhưng đã cơ bản được kịp thời khắc phục, bảo đảm cung ứng cho phát triển kinh tế - xã hội.
Tuy nhiên, Bộ trưởng cũng nhìn nhận, bên cạnh những kết quả đạt được, vẫn còn những vấn đề cần tập trung giải quyết trong những tháng cuối năm như: Tăng trưởng trong lĩnh vực công nghiệp ở mức thấp, kim ngạch xuất khẩu, nhập khẩu đều giảm so với cùng kỳ, giảm ở cả khu vực doanh nghiệp trong nước và FDI; xuất khẩu sang các thị trường và khu vực cũng đều bị sụt giảm. Việc cung ứng điện gặp nhiều khó khăn, có thời điểm đã phải điều hòa phụ tải và tiết giảm điện ở một số địa bàn, ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất, kinh doanh và sinh hoạt của người dân.
Về nguyên nhân của tình trạng trên, Bộ trưởng phân tích, vấn đề suy giảm về nhu cầu nhập khẩu từ thị trường các nước phát triển là yếu tố tác động mạnh nhất, trực tiếp nhất; ngoài ra còn có các nguyên nhân về chi phí đầu vào, nguyên vật liệu tăng cao, trong khi giá các mặt hàng xuất khẩu không tăng hoặc giảm; việc tiếp cận nguồn vốn tín dụng của doanh nghiệp còn khó khăn. Thị trường năng lượng thế giới diễn biến rất phức tạp, giá năng lượng tiếp tục bị đẩy lên mức rất cao; tác động của biến đổi khí hậu và hiện tượng El Nino gây ra tình trạng hạn hán, thiếu nước kéo dài, ảnh hưởng lớn đến khả năng phát điện của các nhà máy thuỷ điện, gây nguy cơ thiếu điện trong mùa khô, nhất là thời điểm nắng nóng…
(TyGiaMoi.com) - Đẩy nhanh tiến độ các dự án nguồn điện và truyền tải
Để đảm bảo cung ứng điện, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cho biết, Bộ đang chỉ đạo các đơn vị liên quan tập trung đẩy nhanh tiến độ các dự án phát triển nguồn và truyền tải liên miền; chỉ đạo, đôn đốc chủ đầu tư các nhà máy điện kịp thời khắc phục sự cố, bảo đảm điều kiện sản xuất. Đồng thời, thực hiện tốt công tác điều tiết, vận hành hệ thống điện, bảo đảm đồng bộ, hiệu quả.
Bộ Công Thương đang phối hợp Bộ Nội vụ và các đơn vị liên quan khẩn trương chuyển giao đơn vị quản lý Trung tâm điều độ điện (A0) theo chỉ đạo của Chính phủ và thực hiện thanh tra tại Tập đoàn điện lực Việt Nam (EVN). Dự kiến đến ngày 10/7/2023 việc thanh tra EVN sẽ kết thúc.
Bộ Công Thương tiếp tục giám sát, đôn đốc Tập đoàn Than khoáng sản Việt Nam (TKV), Tập đoàn dầu khí Việt Nam (PVN) và các đơn vị liên quan thực hiện nghiêm chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về việc bảo đảm nguồn cung than, khí phục vụ các nhà máy điện.
Đối với việc thoả thuận giá tạm thời đối với các nhà máy điện năng lượng tái tạo chuyển tiếp, Bộ Công Thương đang tiếp tục phê duyệt thỏa thuận giá tạm thời để các nhà máy điện năng lượng tái tạo chuyển tiếp tham gia nối lưới. Tính đến ngày 29/6/2023, Bộ đã phê duyệt 55/59 hồ sơ đề nghị phê duyệt. Hiện còn 15/85 nhà máy chưa nộp hồ sơ đàm phán tới EVN mặc dù đã đôn đốc nhiều lần.
Phối hợp với Bộ NN&PTNT điều tiết lượng nước các nhà máy thủy điện đáp ứng nhu cầu phát điện và điều hòa nước của hạ du, đặc biệt trong mùa bão lũ và khẩn trương xây dựng Kế hoạch triển khai Quy hoạch Điện VIII cũng như đẩy mạnh các biện pháp khuyến khích, hướng dẫn người dân sử dụng điện tiết kiệm, hiệu quả.
“Bộ Công Thương sẽ đẩy nhanh việc hoàn thiện, trình Chính phủ phê duyệt 3 quy hoạch ngành liên quan đến năng lượng gồm: Quy hoạch năng lượng quốc gia, Quy hoạch hạ tầng dự trữ xăng dầu quốc gia và Quy hoạch khai thác khoáng sản để các địa phương và nhà đầu tư có cơ sở triển khai các dự án.
Đồng thời, tập trung xây dựng, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược phát triển ngành điện; Chiến lược phát triển năng lượng sạch (như hydrogen, amoniac xanh); hoàn thiện Hồ sơ đề nghị xây dựng Luật Điện lực (sửa đổi), Luật Phát triển năng lượng tái tạo và các cơ chế, chính sách về mua bán điện trực tiếp, chính sách xã hội hoá đầu tư lưới điện truyền tải nhằm khuyến khích các doanh nghiệp tham gia đầu tư phát triển điện lực, góp phần bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia”, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên thông tin.
Với nhóm các giải pháp nêu trên cần có thời gian để thực hiện, vì vậy, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cho rằng trong ngắn hạn để bảo đảm đủ nguồn điện phục vụ sản xuất và tiêu dùng thì một trong những giải pháp cấp thiết nhất hiện nay vẫn là phải thực hiện nghiêm túc, hiệu quả các biện pháp tăng cường tiết kiệm điện theo Chỉ thị số 20 ngày 8/6/2023 của Thủ tướng Chính phủ.
Thường xuyên rà soát, điều chỉnh phân giao tổng nguồn xăng dầu tối thiểu
Đối với nhóm giải pháp để đảm bảo cung ứng xăng dầu, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cho biết, Bộ đã yêu cầu các đơn vị liên quan thường xuyên rà soát, điều chỉnh phân giao tổng nguồn xăng dầu tối thiểu theo từng quý, phù hợp với năng lực và khả năng đáp ứng của từng doanh nghiệp đầu mối nhằm bảo đảm nguồn cung xăng dầu cho thị trường trong mọi tình huống.
Đồng thời, tăng cường theo dõi, giám sát, đôn đốc các doanh nghiệp đầu mối nghiêm túc thực hiện kế hoạch phân giao tổng nguồn xăng dầu tối thiểu theo đúng số lượng, tiến độ (đặc biệt trong thời gian Nhà máy lọc dầu Nghi Sơn tạm dừng hoạt động trong 55 ngày để bảo dưỡng từ ngày 25/8/2023).
Bộ Công Thương tiếp tục phối hợp với UBND tỉnh, thành phố đẩy mạnh thanh tra, kiểm tra việc chấp hành các quy định của pháp luật về kinh doanh xăng dầu tại các doanh nghiệp đầu mối, thương nhân phân phối và các cửa hàng bán lẻ xăng dầu, kiên quyết xử lý nghiêm các vi phạm.
“Bộ đã chỉ đạo PVN đôn đốc, giám sát các nhà máy lọc dầu chủ động chuẩn bị các phương án để bảo đảm hoạt động ổn định, cung cấp đủ nguồn hàng ra thị trường theo cam kết; đồng thời, chuẩn bị các phương án cả về kỹ thuật, nhân lực, vật tư, nguyên liệu để hoạt động hết và vượt công suất nhằm tăng thêm nguồn cung cho thị trường”, Bộ trưởng cam kết.
Bên cạnh đó, Bộ Công Thương cũng đã yêu cầu các doanh nghiệp đầu mối chủ động tính toán sản lượng xăng dầu thiếu hụt từ nhà máy lọc hóa dầu Nghi Sơn trong giai đoạn bảo dưỡng để xây dựng kế hoạch tạo nguồn cung ứng xăng dầu cho hệ thống phân phối và thị trường, không được để xảy ra tình trạng gián đoạn, đứt gãy nguồn cung.
Đồng thời, tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Bộ Tài chính trong việc cập nhật, điều chỉnh kịp thời các chi phí kinh doanh xăng dầu phát sinh, đồng thời điều hành giá xăng dầu trong nước phù hợp với diễn biến giá xăng dầu thế giới, sử dụng linh hoạt, hiệu quả công cụ Quỹ Bình ổn giá theo quy định của pháp luật, góp phần thực hiện mục tiêu kiểm soát lạm phát và hỗ trợ phục hồi kinh tế.
Bộ Công Thương cũng khẩn trương hoàn thiện, trình Chính phủ ban hành Nghị định thay thế Nghị định 83 và Nghị định 95 về quản lý kinh doanh xăng dầu theo hướng tiếp cận với thị trường thế giới; xây dựng Đề án nâng mức dự trữ quốc gia về xăng dầu đến năm 2030 theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.
“Chúng tôi sẽ tiếp tục cùng các đơn vị trong ngành thực hiện tốt công tác truyền thông về quản lý, điều hành kinh doanh xăng dầu, bảo đảm khách quan, trung thực, tạo đồng thuận xã hội; xử lý kịp thời các thông tin sai lệch gây tâm lý bất ổn cho người tiêu dùng”, Bộ trưởng nói.
Ưu tiên chuyển hướng xuất khẩu sang các thị trường mới nổi
Để khắc phục tình trạng sụt giảm đơn hàng của doanh nghiệp, thúc đẩy xuất khẩu, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên khuyến cáo doanh nghiệp ưu tiên chuyển hướng khai thác các thị trường mới nổi, thị trường ngách, có tiềm năng như các nước Trung Đông, Nam Phi, châu Mỹ La tinh, Nam Á…
Bộ Công Thương sẽ tiếp tục phát huy tốt vai trò của hệ thống cơ quan Thương vụ Việt Nam ở nước ngoài trong việc cung cấp kịp thời các thông tin về thị trường và các quy định, chính sách mới của các nước sở tại; cảnh báo các “rào cản” mới của đối tác và các vụ việc phòng vệ thương mại để giúp cho các cơ quan quản lý nhà nước và các doanh nghiệp xuất nhập khẩu trong nước có phản ứng chính sách phù hợp. Đồng thời, chú trọng đổi mới và nâng cao hiệu quả các hoạt động xúc tiến thương mại; thúc đẩy thương mại điện tử, đặc biệt thương mại điện tử xuyên biên giới và đẩy mạnh xuất khẩu chính ngạch.
“Chúng tôi đã và đang tăng cường hỗ trợ doanh nghiệp khai thác tốt ưu đãi của các hiệp định FTA đã thực thi. Đồng thời, chú trọng hỗ trợ doanh nghiệp trong nước kết nối, tham gia chuỗi cung ứng của các doanh nghiệp FDI lớn, đang đầu tư tại Việt Nam để xuất khẩu qua hệ thống phân phối của các chuỗi cung ứng này trên thế giới”, Bộ trưởng nói.
Ngoài ra, Bộ Công Thương tiếp tục đẩy nhanh tiến độ đàm phán, ký kết các FTA mới với các nước, khu vực còn tiềm năng như Israel (dự kiến vào ngày 24/7 tới đây) và sớm kết thúc đàm phán với UEA, Mercosur… để mở rộng và đa dạng hóa thị trường xuất khẩu. Cùng với đó, Bộ cũng sẽ chủ động làm việc với đối tác, tận dụng các cơ chế hợp tác song phương, Uỷ ban liên Chính phủ nêu vấn đề cụ thể với các đối tác nhằm tháo gỡ vướng mắc về thủ tục, mở cửa thị trường cho hàng xuất khẩu của Việt Nam.
Bên cạnh các giải pháp phát triển thị trường nêu trên, Bộ Công Thương cho biết sẽ chú trọng thực hiện các giải pháp thúc đẩy sản xuất, giảm giá thành, nâng cao năng lực cạnh tranh cho hàng xuất khẩu, như: Tập trung giải quyết các vướng mắc về vốn, cơ chế, chính sách cũng như kiến nghị của các địa phương với các đoàn công tác của Chính phủ; thúc đẩy phát triển hạ tầng và dịch vụ logistics đồng bộ, hiệu quả; tiếp tục cải cách, hiện đại hóa hải quan; triển khai có hiệu quả Cơ chế một cửa Quốc gia, một cửa ASEAN…
Đề xuất vốn ngoại không quá 65% trong liên danh dự án điện gió ngoài khơi 
Gần 1.000 vụ vi phạm kinh doanh vàng bị phát hiện, tổng giá trị 29 tỷ đồng