Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng: Kinh tế vĩ mô 2 tháng đầu năm cơ bản ổn định, nền kinh tế tiếp tục phục hồi

02-03-2024 10:16|PV

Ngày 2/3, tại Phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 2/2024, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng trình bày báo cáo về tình hình kinh tế-xã hội (KTXH) tháng 02 và 02 tháng năm 2024, phân bổ, giải ngân vốn đầu tư công, triển khai các chương trình mục tiêu quốc gia.

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng: Kinh tế vĩ mô 2 tháng đầu năm cơ bản ổn định, nền kinh tế tiếp tục phục hồi- Ảnh 1.
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng trình bày báo cáo về tình hình kinh tế-xã hội tháng 02 và 02 tháng năm 2024 - Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Theo báo cáo, tình hình thế giới tháng 02 tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường, khó khăn, thách thức nhiều hơn thuận lợi, thời cơ, tiềm ẩn nhiều rủi ro, biến động lớn, tình trạng bất ổn, xung đột leo thang tại một số khu vực.

Nhân dân cả nước đón Tết Nguyên đán 2024 trong không khí vui tươi, lành mạnh, an toàn và tiết kiệm, bắt tay lao động, sản xuất ngay từ đầu năm, tạo khí thế mới, động lực mới để thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển KTXH đã đề ra. Các cấp, ngành, địa phương đã khẩn trương, tập trung triển khai công việc ngay trong và sau Tết, phấn đấu hoàn thành tốt nhất yêu cầu, nhiệm vụ và khối lượng công việc lớn đặt ra trong năm 2024.

>> Doanh nghiệp có cổ phiếu đắt nhất thị trường đang nắm gần 3.500 tỷ đồng tiền mặt

Nhiều kết quả tích cực, chuyển biến tốt hơn so với cùng kỳ năm 2023

Hai tháng đầu năm 2024, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo quyết liệt, đôn đốc các bộ, cơ quan và địa phương tập trung triển khai công việc trong và sau Tết, khẩn trương cụ thể hóa, đưa vào cuộc sống các luật, nghị quyết, kết luận, chỉ thị của Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Quốc hội; tiếp tục đẩy mạnh và làm mới các động lực tăng trưởng về đầu tư, tiêu dùng và xuất khẩu; giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn; làm tốt công tác an sinh xã hội, bảo đảm vững chắc quốc phòng, an ninh, đẩy mạnh đối ngoại, ngoại giao kinh tế…; thực hiện 03 đột phá chiến lược, các giải pháp trong trung và dài hạn.

Tình hình KTXH 02 tháng đầu năm tiếp tục đạt nhiều kết quả tích cực, chuyển biến tốt hơn so với cùng kỳ năm 2023 trên hầu hết các lĩnh vực, tạo đà cho tăng trưởng và phát triển cả năm. Cụ thể như sau:

Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 02 tăng 3,98% so với cùng kỳ, tính chung 02 tháng tăng 3,67%; giá các mặt hàng cơ bản ổn định, không có tình trạng khan hiếm, thiếu hàng trong dịp Tết. Mặt bằng lãi suất tiếp tục xu hướng giảm; Ngân hàng Nhà nước thực hiện giao toàn bộ chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng và tập trung thúc đẩy tín dụng ngay từ đầu năm; an toàn hệ thống ngân hàng được bảo đảm.

Thu ngân sách nhà nước 02 tháng ước đạt 23,5% dự toán, tăng 10,4% so với cùng kỳ. Kim ngạch xuất nhập khẩu, xuất khẩu, nhập khẩu 02 tháng tăng 18,6%, 19,2% và 18%; ước xuất siêu 4,72 tỷ USD.

Tổng vốn FDI đăng ký 02 tháng đạt gần 4,3 tỷ USD, tăng 38,6% so với cùng kỳ (vốn đăng ký mới đạt 3,6 tỷ USD, tăng 55,2%), trong đó đầu tư vào ngành chế biến, chế tạo đạt 2,54 tỷ USD, chiếm 59,1% tổng số vốn đầu tư đăng ký; vốn thực hiện đạt 2,8 tỷ USD, tăng 9,8%, cho thấy niềm tin của doanh nghiệp FDI vào triển vọng phục hồi tăng trưởng, sự ổn định và hấp dẫn của môi trường đầu tư Việt Nam. Đây là cơ hội để nước ta tiếp tục đẩy mạnh thu hút FDI, khai thác tối đa thời cơ, thuận lợi để thúc đẩy các ngành, lĩnh vực mới, ưu tiên, tạo động lực tăng trưởng mới cho nền kinh tế.

Sản xuất nông nghiệp tiếp tục đà tăng trưởng, xuất khẩu hàng nông sản tiếp tục tăng mạnh. Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) 02 tháng tăng 5,7% so với cùng kỳ (cùng kỳ giảm 2,9%), trong đó công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 5,9% (cùng kỳ giảm 3,1%); chỉ số quản trị nhà mua hàng (PMI) tháng 02 đạt 50,4 điểm, số lượng đơn đặt hàng mới tăng trở lại, cho thấy tín hiệu tích cực của sản xuất công nghiệp thời gian tới.

Khu vực dịch vụ duy trì đà tăng khá; tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 02 tăng 8,5% so với cùng kỳ, tính chung 02 tháng tăng 8,1%; khách quốc tế 02 tháng đạt hơn 3 triệu lượt người, tăng 68,7% so với cùng kỳ.

Tính chung 02 tháng, có hơn 41.000 doanh nghiệp gia nhập và tái gia nhập thị trường, tăng 8,5% so với cùng kỳ.

Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo các bộ, ngành kịp thời hoàn thiện, trình Quốc hội thông qua 02 Luật, 02 Nghị quyết, ban hành Nghị định 12/2024/NĐ-CP về định giá đất, cơ bản giải quyết được khó khăn, vướng mắc, nâng cao hiệu quả nguồn lực đất đai, vốn tín dụng và triển khai 03 chương trình mục tiêu quốc gia; đồng thời, khẩn trương nghiên cứu, trình cấp có thẩm quyền các cơ chế, chính sách mới, đặc thù nhằm thúc đẩy và làm mới động lực về đầu tư, giải phóng nguồn lực cho nền kinh tế.

Các khó khăn, vướng mắc, bất cập tiếp tục được tập trung tháo gỡ. Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo các bộ, ngành rà soát, chủ động ban hành hoặc trình cấp có thẩm quyền ban hành các chính sách, giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp, nền kinh tế, nhất là các chính sách tài khóa, tiền tệ… Đề án đầu tư 01 triệu căn nhà ở xã hội được tập trung triển khai. Các ngân hàng thương mại đã hoàn thành giải ngân gói tín dụng 15.000 tỷ đồng cho vay lâm sản, thủy sản và đang xây dựng gói mới với quy mô tương tự cho lĩnh vực này.

Thủ tướng Chính phủ đã đi kiểm tra tiến độ nhiều công trình, dự án trọng điểm trước, trong và sau Tết, động viên, khích lệ nhà thầu, công nhân thi công xuyên Tết, "3 ca, 4 kíp" để phấn đấu đạt và vượt tiến độ. Công tác quy hoạch được đẩy nhanh, 110/111 quy hoạch đã hoàn thành việc lập, thẩm định, phê duyệt.

Kinh tế số, chuyển đổi số quốc gia, việc triển khai Đề án 06, cung cấp dịch vụ công trực tuyến, phát triển Chính phủ số tiếp tục được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ thúc đẩy quyết liệt.

Các chính sách an sinh xã hội, hỗ trợ Tết được triển khai đầy đủ, kịp thời, có đổi mới và thiết thực hơn, với tổng số tiền đạt gần 20.000 tỷ đồng, trong đó đã hỗ trợ, tặng quà Tết cho 13,9 triệu đối tượng chính sách theo chế độ, với kinh phí khoảng 7.762 tỷ đồng; xuất cấp 12.700 tấn gạo cứu trợ, cứu đói cho gần 850.000 nhân khẩu trong dịp Tết và giáp hạt đầu năm. Nhiều hoạt động chăm lo thiết thực cho người lao động, đối tượng chính sách được tổ chức, nhận được sự ủng hộ, tham gia tích cực của xã hội, phát huy truyền thống tương thân, tương ái, "lá lành đùm lá rách" của dân tộc.

Tiếp tục triển khai hiệu quả các chương trình tín dụng chính sách xã hội, góp phần thúc đẩy việc làm, sinh kế cho người dân. Tổ chức nhiều chương trình văn hóa, nghệ thuật đặc sắc, lễ hội truyền thống để mừng Đảng, mừng Xuân, đón Tết, bảo đảm an toàn, lành mạnh, tiết kiệm, tạo không khí vui tươi, phấn khởi cho Nhân dân, góp phần tôn vinh giá trị văn hóa truyền thống và thúc đẩy du lịch. Đặc biệt, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã có bài viết nhân dịp 94 năm thành lập Đảng, góp phần khơi dậy và phát huy sức mạnh đoàn kết, tinh thần yêu nước, lòng tự hào dân tộc trong các tầng lớp nhân dân. Ngành du lịch đã đón khoảng 10,5 triệu lượt khách nội địa trong thời gian nghỉ Tết, tăng 16,6% so với dịp Tết năm 2023.

Ngành giáo dục bảo đảm tiến độ dạy và học sau Tết; làm tốt công tác tuyên truyền, vận động học sinh, sinh viên chấp hành nghiêm pháp luật, không sử dụng trái phép pháo nổ, bảo đảm an toàn giao thông, phòng, chống tệ nạn xã hội.

Ngành y tế làm tốt công tác phòng, chống dịch bệnh; bảo đảm đủ nhân lực trực Tết, thuốc, vật tư y tế phục vụ khám, chữa bệnh cho nhân dân trong dịp Tết.

Các cấp, ngành, địa phương, cán bộ, công chức quán triệt, thực hiện nghiêmchủ trương không tổ chức thăm, chúc tết, biếu, tặng quà cấp trên và lãnh đạo các cấp; quy định về phòng, chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí…

Ổn định chính trị, độc lập, chủ quyền quốc gia được giữ vững; quốc phòng, an ninh được tăng cường. Nắm chắc tình hình, duy trì nghiêm chế độ trực sẵn sàng chiến đấu, sẵn sàng xử lý mọi tình huống phát sinh, không để bị động, bất ngờ. Tình hình an ninh, trật tự cơ bản ổn định; bảo đảm tuyệt đối an toàn các sự kiện chính trị, văn hóa; tổ chức trực, tuần tra "xuyên đêm, xuyên Tết", đặc biệt là kiểm tra vi phạm nồng độ cồn đối với người tham gia giao thông, xử lý 71.400 trường hợp vi phạm giao thông, trong đó có 29.100 trường hợp vi phạm nồng độ cồn trong dịp Tết; tăng cường phòng, chống cháy nổ, chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả.

Công tác đối ngoại, ngoại giao kinh tế tiếp tục được đẩy mạnh, chủ động, tích cực và hiệu quả. Tổ chức Chương trình "Xuân quê hương năm 2024", nhiều hoạt động đón Tết cho người Việt Nam ở nước ngoài, góp phần thể hiện sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, tạo sự phấn khởi, gắn bó của kiều bào ta với đất nước. Năm 2024, lượng kiều bào về nước đón Tết đông hơn so với năm 2023. Trong tháng 02, đã tổ chức thành công cuộc gặp cấp cao của hai Đảng Cộng sản Việt Nam và Đảng Nhân dân Cách mạng Lào, làm sâu sắc hơn quan hệ gắn kết giữa hai quốc gia. Vị thế, uy tín của Việt Nam tiếp tục được nâng cao, mở ra các cơ hội hợp tác về kinh tế, thương mại, đầu tư, khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, chuyển đổi xanh…

Về một số khó khăn, hạn chế, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết, sản xuất kinh doanh, doanh nghiệp tiếp tục có chuyển biến nhưng vẫn đối mặt với nhiều thách thức; việc tiếp cận vốn còn nhiều khó khăn; một số cơ chế, chính sách, quy định, thủ tục hành chính vẫn chậm được sửa đổi, gây khó khăn cho doanh nghiệp, người dân. Thị trường bất động sản đã chuyển biến tích cực hơn, nhưng vẫn còn khó khăn; một số bất cập, vướng mắc kéo dài nhiều năm, nhất là về pháp lý của một số doanh nghiệp, dự án bất động sản vẫn chậm được xử lý…. Các yếu tố rủi ro, biến động về nguồn cung, giá xăng dầu, lương thực, chất bán dẫn... trên thế giới cần được quan tâm, theo dõi sát để chủ động ứng phó kịp thời.

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho rằng, khó khăn, thách thức đặt ra cả bên trong và bên ngoài còn rất lớn, tạo sức ép lên điều hành tăng trưởng, ổn định kinh tế vĩ mô, các cân đối lớn về đầu tư, tiêu dùng, an sinh xã hội... trong năm 2024. Thiên tai, biến đổi khí hậu, El nino diễn biến khó lường, tác động ngày càng nặng nề hơn. Nhiều thách thức, yêu cầu lớn, cấp bách đã và đang đặt ra để tranh thủ, khai thác tối đa thời cơ, cơ hội mới từ các xu thế lớn toàn cầu, thành tựu đối ngoại, ngoại giao kinh tế của nước ta thời gian qua. Do đó, các cấp, ngành, địa phương cần nỗ lực, quyết tâm, khắc phục khó khăn, vượt qua thách thức để triển khai hiệu quả công việc ngay từ đầu năm.

Về đầu tư công: Đến ngày 29/2, các bộ, cơ quan và địa phương đã phân bổ, giao chi tiết 631,9 nghìntỷ đồng, đạt 94,9% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao. Số vốn còn lại chưa phân bổ chi tiết là 33,5nghìntỷ đồng. Ước thanh toán đến 29/2 khoảng 60 nghìntỷ đồng, đạt9,13% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao (cùng kỳ năm 2023 đạt 6,97%). Có 29 bộ, cơ quan Trung ương chưa thực hiện giải ngân kế hoạch năm 2024.

Về triển khai 3 chương trình mục tiêu quốc gia: Đến ngày 26/2, có 45/48 địa phương đã giao chi tiết 24,37 nghìn tỷ đồng kế hoạch vốn đầu tư phát triển năm 2024 của 03 chương trình mục tiêu quốc gia, đạt 89,5% kế hoạch (bao gồm: 24,22 nghìn tỷ đồng vốn trong nước, 470,602 tỷ đồng vốn nước ngoài). Ước giải ngân vốn đầu tư công đến hết tháng 2 đạt 3,29 nghìntỷ đồng (15% kế hoạch)


>> Thêm một cổ phiếu “họ” FLC bị đình chỉ giao dịch

Theo baochinhphu.vn
https://baochinhphu.vn/bo-truong-nguyen-chi-dung-kinh-te-vi-mo-2-thang-dau-nam-co-ban-on-dinh-nen-kinh-te-tiep-tuc-phuc-hoi-102240302100901028.htm
Đừng bỏ lỡ
    Nổi bật Tỷ giá mới
    Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng: Kinh tế vĩ mô 2 tháng đầu năm cơ bản ổn định, nền kinh tế tiếp tục phục hồi
    POWERED BY ONECMS & INTECH