Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng: Giá vé máy bay tăng cao, chúng tôi cũng có trách nhiệm
Thời gian vừa qua, giá vận chuyển trong nước tăng cao, điển hình là giá vé máy bay, dẫn đến giá tour du lịch trong nước cao hơn so với tour du lịch quốc tế. Điều này làm ảnh hưởng tới sự phục hồi chung của ngành du lịch. Đây là vấn đề không chỉ được người dân, du khách, mà toàn xã hội quan tâm. Vấn đề này cũng được đại biểu Quốc hội đặt ra trong phiên chất vấn của Bộ trưởng Bộ VHTT&DL Nguyễn Văn Hùng.
Sáng 6/6, trả lời các câu hỏi chất vấn của đại biểu Quốc hội, trong đó có đại biểu Lý Thị Lan (đoàn Hà Giang) về việc Bộ VHTT&DL giải quyết như thế nào về tình trạng giá vé máy bay tăng cao, dẫn đến giá tour du lịch trong nước cao hơn so với tour du lịch quốc tế - điều này đã làm ảnh hưởng tới sự phục hồi chung của ngành du lịch, trong đó có các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp... Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng chia sẻ: "Việc giá vé tăng cao chúng tôi cũng thấy được trách nhiệm của mình. Tuy giá vé máy bay  thuộc trách nhiệm của Bộ GTVT và Bộ Tài chính, nhưng không có nghĩa là Bộ VHTT&DL đứng ngoài cuộc".
Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng cho biết, khi giá máy bay tăng sẽ tác động đến kinh tế-xã hội nói chung, trong đó có lĩnh vực du lịch. Trước tình hình đó, để kịp thời giải quyết vấn đề này, Bộ VHTT&DL đã trao đổi với Bộ GTVT, Bộ Tài chính và tham mưu cho Chính phủ trong công tác chỉ đạo.
Tối ưu hóa để 'hạ nhiệt' giá vé máy bay
Bộ VHTT&DL đã tổ chức các hội thảo, diễn đàn để thu thập thêm thông tin, phân tích các dữ liệu nhằm lắng nghe ý kiến của các chuyên gia, các cơ quan truyền thông. Sau đó, Bộ tổ chức tọa đàm với các doanh nghiệp lữ hành, hàng không để tìm kiếm giải pháp.
Bộ cũng trao đổi nghiệp vụ với Bộ GTVT, Bộ Tài chính và thấy rằng, trong cơ cấu giá tour thì vé máy bay và dịch vụ chiếm tỉ trọng từ 30-40%. Vì vậy nếu giá vé máy bay tăng cao sẽ ảnh hưởng đến giá thành tour và làm giảm đi năng lực cạnh tranh.
Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng cho biết, khi trao đổi trực tiếp và làm việc với các đơn vị liên quan, Bộ VHTT&DL thấy rằng, giá vé máy bay dựa trên những yếu tố sau: Trước hết là phụ thuộc vào chi phí dịch vụ ở cảng sân bay. Thứ hai là chi phí về giá đầu vào nhiên liệu. Trong quá trình vừa qua, số máy bay phải bảo dưỡng, bảo trì theo định kỳ nên số lượng máy bay không được nhiều như trước.
Trước tình hình trên, Bộ VHTT&DL đã có đề xuất đề nghị Bộ GTVT, Bộ Tài chính kịp thời báo cáo với cấp có thẩm quyền để xem xét ban hành các chính sách hỗ trợ giảm giá phí điều hành tại sân bay để góp phần hạ giá tour.
Đối với các hãng hàng không, cố gắng bảo đảm máy bay, có máy bay để bảo đảm các tuyến bay; thiết kế tăng cường chuyến bay đêm, khung giờ bay để đáp ứng nhu cầu đi lại cho nhân dân nói chung và khách du lịch nói riêng.
Các hãng lữ hành tối ưu hóa trong chương trình tour, xây dựng điểm đến linh hoạt, kết nối xây dựng gói sản phẩm kích cầu trong du lịch và có hỗ trợ lẫn nhau để hạ giá thành.
Những đề xuất nêu trên để các cơ quan quản lý nhà nước, các hãng bay, các hãng lữ hành xem xét, nghiên cứu, tham khảo.
"Từ ngày 28/5, giá vé máy bay trên các tuyến đã được giảm nhiệt. Điều đó cho thấy, khi các cơ quan quản lý Nhà nước, các hãng hàng không, hãng lữ hành cùng nhau giải quyết các khó khăn, vướng mắc một cách cụ thể, thấu đáo, tối ưu hóa và đặc biệt quán triệt quan điểm của Thủ tướng Chính phủ 'lợi ích phải hài hòa, rủi ro chia sẻ'… thì mọi việc đều được giải quyết ổn thỏa và đã đạt được kết quả bước đầu", Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng chia sẻ.
Giá vé máy bay đã 'hạ nhiệt' 
Vietnam Airlines bị yêu cầu giải trình lý do tăng giá vé máy bay