Bộ TT&TT đề xuất quản lý và sử dụng KOL tại Việt Nam
Bộ TT&TT nhận thấy để môi trường mạng ngày càng trong sạch, lành mạnh và mang lại giá trị tích cực, việc quản lý các KOL cần được quan tâm chú trọng.
Trong công văn gửi Thủ tướng Chính phủ, báo cáo kinh nghiệm quốc tế về quản lý KOL (Key opinion leader – người có tầm ảnh hưởng) trên mạng xã hội, đề xuất các giải pháp, quản lý sử dụng KOL tại Việt Nam, Bộ TT&TT nhận thấy, để môi trường mạng ngày càng trong sạch, lành mạnh và mang lại giá trị tích cực, việc quản lý các KOL hoạt động trong khuôn khổ pháp luật, chuẩn mực quy tắc ứng xử rất cần được quan tâm, chú trọng.
Ngoài ra, cũng nên xem xét, khuyến khích sự kết nối chặt chẽ, thường xuyên giữa cơ quan quản lý nhà nước với các KOL, người nổi tiếng, nhằm phát huy thế mạnh và tầm ảnh hưởng của nhóm người này trong hoạt động truyền thông chính sách, lan tỏa thông tin, thông điệp chính thống, chuẩn mực tới cộng đồng, xã hội, giới trẻ.
Trên cơ sở đó, Bộ TT&TT đề xuất một số giải pháp quản lý, sử dụng KOL trên mạng như: Tiếp tục hoàn thiện quy định pháp luật cho công tác quản lý KOL trên không gian mạng nói riêng và mạng xã hội nói chung, để hoạt động của các KOL  trên mạng đi vào khuôn khổ, có định hướng đúng đắn.
Theo đó, trong quá trình xây dựng dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quảng cáo, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch và Bộ TT&TT đề xuất bổ sung các quy định về trách nhiệm của người chuyển tải sản phẩm quảng cáo có ảnh hưởng nhằm đảm bảo việc cung cấp thông tin đầy đủ, chính xác về sản phẩm, dịch vụ được quảng cáo; phân biệt quảng cáo với nội dung thông tin khác; thông báo trước cho người tiêu dùng về việc thực hiện quảng cáo; khi đăng tải ý kiến, cảm nhận trên mạng xã hội về kết quả sử dụng mỹ phẩm, thực phẩm bảo vệ sức khỏe, phải là người trực tiếp sử dụng sản phẩm; yêu cầu các tài khoản mạng xã hội đã được xác thực mới được hoạt động quảng cáo, livestream quảng cáo...
Tại dự thảo Nghị định thay thế Nghị định 72/2013/NĐ-CP và Nghị định 27/2018/NĐ-CP đang được trình Chính phủ, Bộ TT&TT đã bổ sung những quy định chặt chẽ hơn để quản lý hoạt động livestream trên mạng xã hội, yêu cầu các nền tảng mạng xã hội xác thực tài khoản, bảo đảm chỉ những tài khoản đã xác thực mới được đăng tải thông tin (viết bài, bình luận, livestream) và chia sẻ thông tin...; qua đó, điều chỉnh hoạt động của người sử dụng mạng xã hội nói chung và KOL nói riêng khi tham gia mạng xã hội. Bộ TT&TT kiến nghị Chính phủ sớm thông qua và ban hành Nghị định này để chính sách pháp luật sớm được áp dụng trong thực tiễn.
Bộ TT&TT sẽ nghiên cứu xây dựng Nghị định thay thế Nghị định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, tần số vô tuyến điện, công nghệ thông tin, an toàn thông tin và giao dịch điện tử, trong đó bổ sung các hành vi vi phạm và tăng mức tiền xử phạt vi phạm hành chính đối với chủ thể vi phạm (bao gồm người nổi tiếng, KOL).
Tăng cường trách nhiệm của các bộ, ngành, địa phương trong việc quản lý nghệ sĩ, người nổi tiếng, KOL; đồng thời, tập hợp, kết nối KOL để tham gia tuyên truyền về chủ trương chính sách, hình ảnh đất nước, con người Việt Nam, sáng tạo những nội dung có ích cho cộng đồng.
Với nhận thức thế giới thực ra sao, trên không gian mạng như vậy - ai quản lý lĩnh vực nào ở thế giới thực thì quản lý lĩnh vực đó trên không gian mạng. Vì vậy, để quản lý hiệu quả không gian mạng cần có sự tham gia tích cực, chủ động của các bộ, ngành, địa phương, trong đó có việc quản lý KOL trên không gian mạng; đồng thời, các bộ, ngành, địa phương tăng cường kết nối, phổ biến và hướng dẫn cho KOL về các chính sách của Đảng, Nhà nước, quy định pháp luật để họ biết và tuân thủ, qua đó tăng hiệu quả quản lý và hỗ trợ phát triển đúng hướng.
Trên cơ sở đó, Bộ TT&TT đề xuất giao các bộ, ngành, địa phương triển khai quản lý, rà soát, xử lý KOL vi phạm theo quy định pháp luật về hoạt động cung cấp thông tin, quảng cáo, nghệ thuật biểu diễn, kinh doanh thương mại điện tử, vi phạm về hình sự, cụ thể như:
Bộ Công an chủ trì rà soát, xây dựng danh sách, xác thực danh tính, thông tin liên lạc, đánh giá tổng quan hoạt động của các đối tượng KOL cần tập trung quản lý.
Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chỉ đạo các đơn vị chức năng thuộc Bộ, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch rà soát, quản lý hoạt động của người nổi tiếng, KOL về nghệ thuật biểu diễn, quảng cáo; chủ trì, phối hợp với Bộ TT&TT xây dựng và triển khai quy trình hạn chế phố biến hình ảnh, âm thanh trên báo chí, mạng xã hội, hạn chế tham gia hoạt động nghệ thuật biểu diễn, hoạt động quảng cáo nhằm kiểm soát tác động, ảnh hưởng tiêu cực đến xã hội từ người nổi tiếng, KOL không tuân thủ pháp luật và chuẩn mực đạo đức.
Bộ TT&TT chỉ đạo các đơn vị chức năng thuộc Bộ, Sở Thông tin và Truyền thông rà soát, xử lý vi phạm của người nổi tiếng, KOL về hoạt động cung cấp thông tin, quảng cáo trên mạng; tập hợp, kết nối KOL để tham gia hỗ trợ, quảng bá về chủ trương chính sách, hình ảnh đất nước, con người Việt Nam, đồng thời khuyến khích các KOL sáng tạo những nội dung có ích; xem xét có cơ chế đánh giá KOL; khen thưởng, trao giải tôn vinh đóng góp của các KOL, nhà sáng tạo nội dung số có đóng góp tích cực cho đất nước, cộng đồng.
Bộ Công thương tăng cường công tác quản lý hoạt động thương mại, tư vấn, bán hàng hóa, dịch vụ của các KOL, đặc biệt là trên các sàn thương mại điện tử.
Bộ Tài chính tăng cường quản lý thu nhập và việc thực hiện nghĩa vụ thuế của các KOL nhằm ngăn chặn hành vi trốn thuế.
Bộ Y tế rà soát, xử lý vi phạm của người nổi tiếng, KOL trong hoạt động quảng cáo cho thực phẩm bảo vệ sức khỏe, thuốc, cơ sở khám chữa bệnh, các sản phẩm, dịch vụ y tế, thẩm mỹ...
Các bộ, ngành khác tăng cường rà soát, xử lý vi phạm trong hoạt động của người nổi tiếng, KOL trong lĩnh vực mình quản lý; xem xét bổ sung hành vi và tăng mức tiền xử phạt vi phạm hành chính đối với chủ thể vi phạm là người nổi tiếng, KOL, có thể cân nhắc phạt tiền theo mức thu nhập để đảm bảo tính răn đe.
Phát huy vai trò của các tổ chức xã hội, đoàn thể nghệ thuật trong việc quản lý, giáo dục đạo đức cho nghệ sĩ, người nổi tiếng; vai trò của Hiệp hội Quảng cáo trong việc giám sát, chấn chỉnh các hành vi quảng cáo vi phạm, lệch chuẩn; vai trò, trách nhiệm của các công ty truyền thông, công ty môi giới người nổi tiếng-KOL, các mạng đa kênh (MCN) trong việc giáo dục nhận thức và định hướng hoạt động phù hợp cho những người nổi tiếng, KOL thuộc mạng lưới của mình. Khuyến khích các tổ chức này tham gia vào việc xây dựng môi trường hoạt động nghệ thuật, quảng cáo lành mạnh, an toàn, vì lợi ích cộng đồng.
Trước các đề xuất của Bộ TT&TT, Văn phòng Chính phủ đã có công văn (Số 5764/VPCP-KGVX về việc báo cáo kinh nghiệm quản lý quốc tế về quản lý KOL trên không gian mạng và đề xuất giải pháp quản lý, sử dụng KOL tại Việt Nam, ngày 14/8/2024) truyền đạt ý kiến của Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang về vấn đề này.
Theo đó, Bộ TT&TT chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan liên quan trên cơ sở nghiên cứu, tham khảo kinh nghiệm của Trung Quốc, Mỹ và các nước, chủ động triển khai các giải pháp theo chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền, bảo đảm theo đúng chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước và quy định của pháp luật.
Các Bộ TT&TT, Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Công an, Công Thương, Tài chính, Y tế theo chức năng, nhiệm vụ được phân công, nghiên cứu, đề xuất hoàn thiện hành lang pháp lý phục vụ quản lý hoạt động của các KOL trên không gian mạng theo quy định pháp luật, góp phần nâng cao nhận thức của người dân, thúc đẩy kinh tế - xã hội, đem lại lợi ích cho cộng đồng; trường hợp vượt thẩm quyền báo cáo cấp có thẩm quyền theo quy định.
>> Tranh cãi khi KOL TikToker chê sách có quá 'nhiều chữ'