Cục Viễn thông, Bộ TT&TT đang tổng hợp danh sách các số điện thoại của những đơn vị thuộc Bộ có giao tiếp với người dân để thực hiện gắn brandname – tên định danh. Sắp tới, các cuộc gọi từ Bộ TT&TT tới người dân đều sẽ hiện brandname.
Tạo cú hích triển khai chuyển đổi số
Ngày 3/10, Thứ trưởng Bộ TT&TT Phạm Đức Long chủ trì hội nghị giao ban công tác quản lý nhà nước tháng 9 với các cơ quan, đơn vị trong Bộ, theo hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến.
Một nội dung trọng tâm của hội nghị giao ban là phân tích nguyên nhân một số nhiệm vụ của các đơn vị bị quá hạn trong tháng 9 và rà soát tiến độ, khả năng hoàn thành các nhiệm vụ trong tháng 10 nói riêng và quý IV năm nay. Theo thống kê của Văn phòng Bộ TT&TT, quý IV/2023, có 315 nhiệm vụ các cơ quan, đơn vị trong Bộ cần hoàn thành, trong đó riêng tháng 10 là 31 nhiệm vụ.
Qua nghe lãnh đạo các đơn vị trong Bộ TT&TT báo cáo tình hình thực hiện công việc, các Thứ trưởng Phạm Đức Long, Phan Tâm đã chỉ đạo các đơn vị quan tâm, theo sát để đảm bảo tiến độ và chất lượng các nhiệm vụ được giao.
Thứ trưởng Phan Tâm đề xuất cách cải thiện tiến độ thực hiện các nhiệm vụ, đó là Văn phòng Bộ đứng ra chủ trì để thực hiện tài liệu tạm gọi là Cẩm nang xử lý các nguyên nhân chậm muộn, trong đó, hệ thống hóa lại các nguyên nhân và cách ứng xử để các đơn vị cùng áp dụng.
Trên cơ sở nghe ý kiến của các trưởng đơn vị, Thứ trưởng Phạm Đức Long yêu cầu người đứng đầu các cơ quan trong Bộ luôn chăm chú theo dõi tình hình thực hiện các nhiệm vụ, có cách để thực hiện nhiệm vụ đảm bảo thời hạn và chất lượng theo yêu cầu.
Nhấn mạnh khối lượng công việc từ nay đến cuối năm 2023 của Bộ TT&TT là rất lớn, Thứ trưởng Phạm Đức Long chỉ đạo Văn phòng Bộ gửi cho các đơn vị danh sách nhiệm vụ trong quý IV/2023, các trưởng đơn vị rà soát lại, phân công việc cụ thể và trường hợp có khó khăn vướng mắc trong triển khai phải báo cáo ngay. Trường hợp được giao nhiệm vụ mới, các đơn vị nên xin ý kiến lãnh đạo Bộ về định hướng và cách làm, trước khi triển khai.
Thứ trưởng Phạm Đức Long cũng lưu ý các đơn vị, trong tháng 10 có Ngày chuyển đổi số quốc gia 10/10, Cục Chuyển đổi số quốc gia và các đơn vị cần phối hợp chuẩn bị tốt nội dung liên quan đến triển khai các hoạt động để tạo cú hích trong triển khai chuyển đổi số .
‘Chống lừa đảo trực tuyến là việc không thể không làm’
Thời gian qua, lừa đảo trên không gian mạng tiếp tục diễn biến phức tạp. Trung bình mỗi tuần Trung tâm Giám sát an toàn không gian mạng quốc gia – NCSC thuộc Cục An toàn thông tin, Bộ TT&TT đều tiếp nhận khoảng 400 phản ánh của người dùng Internet Việt Nam về các trường hợp lừa đảo, trong đó, nhiều hơn cả là các trường hợp giả mạo ngân hàng, trang thương mại điện tử, các cơ quan có thẩm quyền...
Bên cạnh đó, SIM rác vẫn được rao bán trên thị trường, mặc dù các cơ quan chức năng thời gian qua đã đưa ra nhiều biện pháp để ngăn chặn, Bộ TT&TT cũng đã vào cuộc quyết liệt với mục tiêu ‘làm sạch’ thông tin thuê bao di động để hạn chế tình trạng tận dụng các SIM rác thực hiện các hành vi lừa đảo người tiêu dùng...
Nhận định tình trạng lừa đảo trực tuyến vẫn rất ‘khủng khiếp’ trong khi đó các báo còn đưa lẻ tẻ về các vụ việc, Thứ trưởng Phạm Đức Long yêu cầu Cục An toàn thông tin, Cục Báo chí và báo VietNamNet cân nhắc để có 1 nơi tổng hợp tất cả các loại hình lừa đảo, cách thức phòng chống lừa đảo giúp người dân thuận tiện theo dõi và phòng tránh. “Báo VietNamNet xem xét để báo mình thành nơi phổ biến các kinh nghiệm, kiến thức và kỹ năng để người dân có thể nhận biết và ứng phó với các tình huống lừa đảo”, Thứ trưởng nêu yêu cầu.
Để phòng chống hình thức lừa đảo qua các cuộc gọi mạo danh, tại hội nghị, Cục trưởng Cục Viễn thông Nguyễn Thành Phúc cho biết, thực hiện chỉ đạo của lãnh đạo Bộ TT&TT, Cục đã có văn bản đề nghị các cơ quan, đơn vị trong Bộ cung cấp danh sách các số điện thoại thường xuyên giao dịch với người dân để triển khai gắn tên định danh – brandname của Bộ.
Sau khi thực hiện việc gắn brandname cho các số điện thoại của Bộ TT&TT có giao dịch với người dân, Bộ sẽ công bố rộng rãi việc các cuộc gọi tới người dân xưng danh là Bộ TT&TT nhưng không hiện brandname là những cuộc gọi có dấu hiệu lừa đảo, từ đó, sẽ giúp giảm bớt vấn nạn lừa đảo bằng cách gọi điện mạo danh Bộ TT&TT và các đơn vị.
Khẳng định quan điểm “chống lừa đảo trực tuyến là việc không thể không làm”, Thứ trưởng Phạm Đức Long nêu rõ: Bộ TT&TT sẽ làm gương trong việc thực hiện gắn brandname cho các số điện thoại tương tác với người dân. Tới đây, các cuộc gọi hiện tên định danh Bộ TT&TT thì mới là cuộc gọi do Bộ thực hiện.
Thứ trưởng cũng yêu cầu Cục Viễn thông dự thảo văn bản đề nghị các bộ, ngành khác như Công an, Tòa án, Ngân hàng... thực hiện việc gắn brandname cho các số điện thoại của cơ quan mình có liên hệ, giao dịch với người dân.
Về quản lý SIM, Thứ trưởng yêu cầu Cục Viễn thông lập các tổ công tác để tiến hành rà soát nội dung này, trong đó, có việc dừng phân phối SIM qua đại lý. Đề nghị báo chí tuyên truyền mạnh các doanh nghiệp nào còn bán trên mạng, qua kênh đại lý để báo về Bộ xử lý. “Đây là việc chúng ta phải làm và làm quyết liệt”, Thứ trưởng nhấn mạnh.
TPHCM và Đà Nẵng sẽ được phủ sóng 5G 100% 
Phó Thủ tướng: Bộ TT&TT cần tích cực đổi mới sáng tạo, đẩy mạnh chuyển đổi số