'Bỏ túi' tiền tỷ khi làm nông kết hợp sản xuất điện mặt trời
Các tấm pin mặt trời làm giảm nhiệt độ vườn trồng, giúp tăng năng suất nấm từ 30-40% so với trồng không có tấm pin mặt trời; trong khi chi phí giảm khoảng 30%. Đặc biệt, mỗi năm tiền bán điện ngược lên hệ thống mang về cho bà Nương ở An Giang nguồn thu ổn định gần 1,5 tỷ đồng/năm.
Thông tin được đưa ra tại Hội thảo Hiện trạng và tiềm năng phát triển điện mặt trời nông nghiệp tại Việt Nam, do Viện Nghiên cứu thị trường và thể chế nông nghiệp (AMI) phối hợp Viện Môi trường nông nghiệp (IAE) tổ chức ngày 25/2, tại Cần Thơ.
Tiềm năng lớn
Ông Mai Văn Trịnh - Viện trưởng IAE - cho biết, phát triển năng lượng tái tạo, đặc biệt điện mặt trời đang được chú trọng tại Việt Nam, góp phần vào quá trình chuyển đổi xanh của đất nước. Mô hình điện mặt trời kết hợp cùng sản xuất nông nghiệp được đánh giá nhiều tiềm năng tại Việt Nam, đã triển khai tại nhiều nước trên thế giới.
![]() |
Quang cảnh hội thảo. Ảnh: Hòa Hội. |
Theo ông Trịnh, bằng cách kết hợp sản xuất nông nghiệp và sản xuất điện mặt trời  trên cùng một diện tích đất có thể mang đến nhiều lợi ích. Người sản xuất có thể thu được lợi nhuận từ cả sản xuất nông nghiệp và điện mặt trời sản sinh, giảm chi phí năng lượng. Bằng các tấm pin mặt trời lắp trên mái chuồng trại chăn nuôi, hoặc mái che các loại cây trồng ưa bóng sẽ mang lại nguồn điện rẻ cho sản xuất, giảm phát thải khí nhà kính.
Tuy nhiên, ông Trịnh cũng chỉ ra, việc mở rộng các mô hình điện mặt trời trong sản xuất nông nghiệp còn gặp nhiều thách thức, như chi phí đầu tư lớn, chưa có quy định về việc sử dụng đất đa mục đích, thiếu bằng chứng khoa học về các loại cây trồng phù hợp...
![]() |
Mô hình trồng nấm dưới tấm pin năng lượng của bà Châu Thị Nương tại xã Tà Đảnh, huyện Tri Tôn, An Giang. |
Người đứng đầu Viện IAE đánh giá, từ nay tới năm 2030, Nhà nước sẽ tiếp tục hoàn thiện hệ thống truyền tải, chính sách liên quan tới năng lượng tái tạo, khuyến khích phát triển điện mặt trời tự sản tự tiêu. Nhà nước mua lại tối đa 20% tổng công suất lắp đặt thực tế của mô hình điện mặt trời tự sản tự tiêu. Do đó, điện mặt trời kết hợp sản xuất, chăn nuôi sẽ phù hợp với các trang trại chăn nuôi ở những vùng nhiều ánh nắng, vùng sâu, vùng xa.
Cũng theo ông Mai Văn Trịnh, sau năm 2030, các dự án điện mặt trời nông nghiệp được phép nối lưới với giá mua phù hợp. Dự kiến, các mô hình điện mặt trời lắp đặt trên đồng ruộng, mật độ lắp đặt thấp để không ảnh hưởng nhiều đến cây trồng phía dưới sẽ có tiềm năng phát triển rất lớn.
![]() |
Mô hình nuôi gà lấy trứng và thịt dưới tấm pin năng lượng tại Ninh Thuận. |
Lợi nhuận cao hơn 20-30%
Ông Đỗ Huy Thiệp - Phó Giám đốc Viện AMI - dẫn mô hình điện mặt trời nông nghiệp kết hợp với chăn nuôi gà ở Ninh Thuận cho thấy nhiều hiệu quả, lợi nhuận cao hơn 20-30% so với trang trại nuôi gà thông thường. Với mô hình này, phần mái chuồng nuôi được lắp pin mặt trời, các tấm pin góp phần giảm nhiệt độ chuồng nuôi, cung cấp nguồn điện phục vụ ngược lại cho trang trại.
Hiện nhiều trang trại chăn nuôi đã triển khai mô hình như trên, đặc biệt ở khu vực nhiều nắng như vùng Đông Nam Bộ, Nam Trung Bộ, Tây Nguyên và Đồng bằng sông Cửu Long. Với mô hình này, phần lớn các trang trại đều bán điện trực tiếp lên lưới.
Ngoài lợi ích từ nguồn điện mặt trời tạo ra, ông Thiệp cũng dẫn chứng các nghiên cứu cho thấy, các tấm pin mặt trời trên mái giúp giảm nhiệt độ chuồng nuôi ban ngày khoảng 1-3 độ C; giữ nhiệt độ ban đêm giúp vật nuôi sinh trưởng tốt hơn. Nhờ đó, lượng thức ăn vật nuôi tiêu thụ ít hơn 3-4%, tỷ lệ hao hụt đối với gà ốm cũng giảm từ 6-7% (còn 2-4% tổng đàn); lợi nhuận từ chăn nuôi cao hơn khoảng 2-5% so với các trang trại chăn nuôi không đặt pin mặt trời trên mái (chưa gồm lợi nhuận từ bán điện, giảm chi phí điện).
![]() |
Mô hình trồng đinh lăng dưới tấm pin năng lượng tại Ninh Thuận. |
Một trong những điển hình sản xuất nông nghiệp dưới tấm pin mặt trời là bà Châu Thị Nương ở huyện Tri Tôn, An Giang. Bà Nương có 3ha chuyên sản xuất nấm, năm 2019, bà bỏ ra gần 45 tỷ đồng đầu tư hệ thống điện mặt trời với tổng công suất 5MW.
Dưới mái che bằng các tấm pin mặt trời, bà Nương trồng nấm mối, linh chi, đông trùng hạ thảo... Nhờ các tấm pin mặt trời làm giảm nhiệt độ vườn trồng, giúp tăng năng suất nấm từ 30-40% so với trồng không có tấm pin mặt trời; trong khi chi phí giảm khoảng 30%.
Đặc biệt, mỗi năm tiền bán điện ngược lên hệ thống mang về cho bà Nương nguồn thu ổn định gần 1,5 tỷ đồng/năm.
>>Phát triển điện mặt trời: Nếu không đột phá rất dễ quy hoạch... 'treo'