Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch nói gì về ngôi chùa hơn 800 tuổi tại Phú Thọ sau vụ cháy?
Bộ đề nghị địa phương nhanh chóng xác định nguyên nhân vụ cháy chùa để làm rõ trách nhiệm liên quan; đồng thời tăng cường các biện pháp bảo vệ, bảo tồn những di tích còn lại trên địa bàn.
Mới đây, đoàn công tác gồm đại diện Cục Di sản văn hóa (Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch), Bảo tàng Lịch sử quốc gia, Viện Bảo tồn di tích phối hợp với tỉnh Phú Thọ đã kiểm tra hiện trường vụ cháy chùa Phổ Quang  ở xã Xuân Lũng, huyện Lâm Thao.
Theo đó, Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch đánh giá phần hoành, rui, cửa gỗ của Tam bảo (hạng mục chính của chùa) bị cháy toàn bộ. Tường mặt ngoài có vết nứt, mặt trong đã hư hỏng, đặc biệt là phần ống muống, hậu cung. Toàn bộ cột bị đã cháy bề mặt. Hoành, rui, các cấu kiện vì mái, hệ thống cửa bị cháy. Chân tảng bị bong vỡ, hư hỏng hết.
Hình ảnh sau vụ cháy chùa Phổ Quang (tỉnh Phú Thọ). Nguồn ảnh: Báo Thanh niên |
Về bảo vật quốc gia bàn thờ Phật bằng đá, Bộ cho biết toàn bộ bề mặt bàn thờ bị ám khói đen, đài sen bị gãy vỡ hai góc bên trái (cả cánh sen trên và dưới), bên phải có một vết nứt lớn. Phần thân và đế bàn thờ một số chỗ bị sứt vỡ, tách lớp, một số vị trí còn bị biến đổi về mặt hóa học.
Hầu hết tượng đất hư hỏng, đã mất hoàn toàn lớp sơn thếp, bị rơi gãy các bộ phận, một số tượng bề mặt bị mềm. Tượng gỗ đã cháy hoàn toàn, bị than hóa.
Từ đánh giá trên, Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch đề nghị UBND tỉnh Phú Thọ nhanh chóng xác định nguyên nhân vụ cháy chùa để làm rõ trách nhiệm liên quan; đồng thời tăng cường các biện pháp bảo vệ, bảo tồn những di tích còn lại trên địa bàn tỉnh. Bộ cũng khuyến nghị tiếp tục rà soát, kiểm kê và bảo vệ tối đa các cấu trúc và thành phần còn lại của di tích.
Bộ cũng đề nghị bao che công trình nhưng tránh căng bạt trực tiếp lên do kết cấu hiện tại rất yếu. Đối với bàn thờ Phật bằng đá, địa phương cần kiểm kê các mảnh vỡ, đánh số và mã hóa từng phần, đồng thời thực hiện biện pháp bảo quản phù hợp, gia cố khung cứng để bao phủ toàn bộ bàn thờ nhằm bảo vệ an toàn.
Hình ảnh hôm xảy ra vụ cháy tại chùa Phổ Quang (tỉnh Phú Thọ). Nguồn ảnh: Báo Tuổi trẻ |
Về lâu dài, Bộ cho rằng cần đánh giá kỹ lưỡng, khoa học về cấu trúc và vật liệu để đưa ra giải pháp bảo quản, tu bổ phù hợp. Quá trình tu bổ sẽ được thực hiện theo quy định về di sản văn hóa, đồng thời đáp ứng nguyện vọng của người dân và chính quyền địa phương.
Chùa Phổ Quang gồm Tam bảo, gác chuông và nhà Tổ được xây dựng cách đây hơn 800 năm, xếp hạng di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia từ năm 1980.
Ngày 23/10 vừa qua, Tam bảo bị cháy, bàn thờ Phật bằng đá - bảo vật quốc gia được công nhận năm 2021 - bị vỡ cánh sen. Đây là một trong năm bảo vật quốc gia của Phú Thọ, bên cạnh trống đồng Đền Hùng, bộ khóa đai lưng bằng đồng, sưu tập nha chương và tượng Mẫu Âu Cơ.
>> FLC Quy Nhơn sẽ có thêm nhiều sản phẩm nghỉ dưỡng hấp dẫn 
Cháy căn hộ chung cư Eratown - Đức Khải ở TPHCM, cư dân náo loạn bỏ chạy 
Bổ sung quy định về phòng cháy đối với loại hình nhà ở kết hợp sản xuất, kinh doanh