Box Dance: Mô hình phòng game định giá khủng khiến shark Minh Beta giật mình
Mỗi lượt chơi kéo dài 15 phút có giá 100.000 đồng
Tại tập 7 Shark Tank Việt Nam mùa 7, startup Box Dance – một mô hình trò chơi kết hợp thể thao mới mẻ – đã gây chú ý với màn gọi vốn đầy tự tin và tham vọng. Với mong muốn mở rộng kinh doanh và phát triển sản phẩm, Box Dance đã đề nghị gọi vốn 10 tỷ đồng cho 20% cổ phần. Dù màn thuyết trình đầy ấn tượng, nhiều "Cá Mập" đã bày tỏ sự nghi ngờ về tính bền vững và khả năng phát triển lâu dài của mô hình này.
Box Dance Fitness Gaming (Box Dance) là một mô hình giải trí kết hợp giữa yếu tố thể thao và chiến thuật, với các trò chơi được thiết kế để người chơi vận động thể chất qua nhiều cấp độ khác nhau. Mỗi lượt chơi kéo dài 15 phút có giá 100.000 đồng, kèm theo đó là tất chống trơn với giá 20.000 đồng/đôi. Ngoài ra, Box Dance còn cung cấp nước giải khát và đồ ăn nhằm tối ưu hóa doanh thu tại các điểm chơi.
Điểm nổi bật của Box Dance là sự linh hoạt trong đối tượng khách hàng, khi bất kỳ ai từ 6 tuổi trở lên đều có thể tham gia. Với hơn 40 cấp độ trò chơi từ dễ đến khó, mô hình này không chỉ thu hút trẻ em mà còn hướng đến giới trẻ và người lớn, giúp tạo ra một sân chơi vừa vui nhộn vừa rèn luyện sức khỏe.
Anh Lê Thanh Hải và chị Đào Phương Lê giới thiệu về Box Dance |
Hiện tại, Box Dance đã có hai điểm chơi tại các trung tâm thương mại lớn ở Hà Nội là Royal City và Times City, với kế hoạch mở rộng thêm ở TP.HCM. Điểm thú vị là tỉ lệ người chơi quay lại các điểm chơi Box Dance đạt trên 30%, cho thấy sức hút bền vững của mô hình này.
Theo đội ngũ sáng lập, ý tưởng khởi nghiệp của Box Dance xuất phát từ việc quan sát thấy phần lớn giới trẻ Việt Nam đến trung tâm thương mại thường chỉ xem phim, ăn uống hoặc tham gia các trò chơi điện tử ít vận động. Box Dance mong muốn tạo ra một không gian giải trí lành mạnh, nơi người chơi không chỉ giải trí mà còn rèn luyện thể thao.
Ý tưởng này được lấy cảm hứng từ một mô hình trò chơi tại Mỹ. Tuy nhiên, đội ngũ Box Dance đã tự phát triển phần mềm và các hiệu ứng game, biến nó thành sản phẩm độc đáo phù hợp với thị hiếu và nhu cầu của người Việt Nam. Chỉ trong 6 tháng đầu vận hành, startup đã thu về kết quả ấn tượng: mỗi ngày, một địa điểm Box Dance đón khoảng 130 người chơi, với doanh thu dao động từ 8 đến 25 triệu đồng/ngày. Doanh thu cao nhất trong tháng đạt 400 triệu đồng, với lợi nhuận ròng khoảng 200 triệu đồng.
Với mức đầu tư ban đầu là 1,8 tỷ đồng cho mỗi điểm, Box Dance ước tính thời gian hoàn vốn chỉ trong vòng 9 tháng, một con số khá ấn tượng trong ngành giải trí.
Một điểm mạnh khác của Box Dance là khả năng tận dụng truyền thông tự nhiên. Theo anh Lê Thanh Hải, Founder kiêm Giám đốc kỹ thuật của Box Dance, startup đã thành công trong việc thu hút sự chú ý của người chơi, khi các video và hình ảnh về trò chơi được người chơi tự đăng tải trên mạng xã hội. Nhờ đó, chi phí marketing của Box Dance ở mức rất thấp, trong khi độ nhận diện thương hiệu tăng cao.
Khi đến Shark Tank, Box Dance đề nghị gọi vốn 10 tỷ đồng để đổi lấy 20% cổ phần, dự kiến sử dụng 5 tỷ đồng để mở thêm hai điểm chơi tại TP.HCM và 5 tỷ còn lại dành cho R&D phát triển các trò chơi mới. Tuy nhiên, định giá cao của startup đã khiến các Shark tỏ ra e ngại.
Shark Minh Beta chia sẻ rằng bản thân đã "giật mình" khi nghe định giá của Box Dance. Theo chủ cụm rạp Beta Cinemas, với lợi nhuận chỉ 200 triệu/tháng, tương đương 2 tỷ đồng/năm, mức định giá này quá cao so với tiềm năng lợi nhuận hiện tại. Tuy nhiên, đại diện Box Dance giải thích rằng ngoài lợi nhuận từ các điểm chơi hiện tại, công ty còn có một cơ sở nhượng quyền đạt doanh thu 600 triệu đồng/tháng, mang lại lợi nhuận 60 triệu đồng/tháng, và tiềm năng phát triển lớn khi mở rộng mô hình.
Dù mô hình Box Dance hấp dẫn, các Shark đều đặt nghi vấn về tính bền vững lâu dài. Shark Bình từ chối đầu tư với lý do rằng đây là một sản phẩm theo xu hướng, dễ thoái trào sau một thời gian ngắn. Shark Bình cho rằng chi phí thuê mặt bằng tại trung tâm thương mại là quá cao, và số tiền đầu tư vào Box Dance có thể được sử dụng hiệu quả hơn trong các lĩnh vực khác.
Shark Hưng cũng đồng ý với quan điểm của Shark Bình, khi cho rằng lĩnh vực vui chơi, giải trí không phải là thế mạnh của ông, và khả năng phát triển của Box Dance không đủ thuyết phục về mặt tài chính. Shark Nga thì khuyên Box Dance nên xem xét thêm việc mở rộng đối tượng khách hàng, nhắm đến các trường học để khuyến khích học sinh vận động.
Shark Minh Beta và Box Dance deal giá thành công |
Với sự từ chối của các Shark khác, Shark Minh Beta đã chiếm ưu thế và đề xuất một thương vụ độc quyền. Ở thế thượng phong, shark Minh Beta tranh thủ “khoe” thành tích nhượng quyền các cụm rạp chiếu phim của Beta Group: “Bọn anh đã nhượng quyền được năm cụm rạp trên toàn quốc và thường 3 năm là họ hoàn vốn, 3 năm là mốc rất tuyệt vời của ngành rạp phim. Để làm được điều đó, đội ngũ Beta Group đã mất đến 10 năm hoàn thiện tất cả các khâu xây dựng đội ngũ, nghiên cứu tất cả mọi thứ. Nếu các em tham gia cùng anh, anh giúp được các em phần đấy".
Sau khi hội ý, startup mong muốn chia sẻ 25% cổ phần của công ty lấy 2 tỷ tiền mặt để mở sẵn một điểm không phải ở Hồ Chí Minh và Hà Nội, có thể là Đà Nẵng, 80% còn lại có thể dùng phần giá trị của Beta Group. Startup cũng trình bày thêm mục tiêu phủ rộng khắp Việt Nam. Tuy nhiên, Shark Minh không đồng ý định hướng này. Chủ tịch Beta Group cho rằng: “Anh nghĩ mình đánh chiếm ở đâu thì cho chắc ăn ở đấy, câu chuyện phủ khắp Việt Nam chỉ “ve vuốt” cái tôi của các em thôi chứ nó không giúp cho kinh doanh đâu. Một đồng tiền anh đầu tư ra ngoài anh phải rất là yên tâm”.
Shark Minh Beta cho rằng startup nên đợi thêm lợi nhuận để mở điểm mới chứ không thể nào chỉ dùng số tiền kêu gọi đầu tư. Đồng thời sửa “nhẹ” deal, vẫn là 10 tỷ đồng cho 40% cổ phần nhưng sẽ là 1,5 tỷ tiền mặt, 8,5 tỷ còn lại là in-kind. Nhận thấy không thể xoay chuyển Shark Minh Beta, startup vui vẻ nhận deal này. Chốt lại thương vụ gọi vốn thành công.
>> 'Dựng nền' trong 14 năm, startup công nghệ được các Shark đề nghị 'đập đi xây lại'