BSC Research: 'Quả đấm thép' 85.000 tỷ đồng của Hòa Phát (HPG) không cần lo đầu ra vào năm 2025
Dự án Hòa Phát Dung Quất 2 sẽ vận hành chính thức vào tháng 12/2024. Chứng khoán BSC cho rằng, doanh nghiệp của tỷ phú Trần Đình Long không cần lo kênh tiêu thụ cho nhà máy vào năm 2025.
Tập đoàn Hòa Phát (HoSE: HPG ) cho biết, tháng 12/2024, phân kỳ 1 của dự án Khu liên hợp Gang thép Hòa Phát Dung Quất 2 sẽ đi vào vận hành chính thức. Phân kỳ 2 sẽ hoàn thành vào quý IV/2025.
Đây là dự án trọng điểm nhất của Hòa Phát trong 3 năm trở lại đây. Dự án có quy mô 279ha, nằm tại Khu kinh tế Dung Quất, huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi, tổng vốn đầu tư là 85.000 tỷ đồng. Chủ tịch Trần Đình Long từng ví von đây là "quả đấm thép" của Tập đoàn. Với công suất 5,6 triệu tấn thép cuộn cán nóng (HRC) mỗi năm, khi dự án đi vào hoạt động, tổng công suất thép thô của Hòa Phát sẽ đạt 14 triệu tấn, trở thành đơn vị sản xuất thép HRC lớn nhất Việt Nam.
Trong phân tích mới đây, Chứng khoán BSC (BSC Research) nhận định, sản lượng của nhà máy Dung Quất 2 có thể đảm bảo trong năm 2025. Điều này đến từ nhiều luận điểm, cụ thể:
1- Chi phí của Hòa Phát đã cạnh tranh được với Trung Quốc. Theo MySteel, chi phí vận chuyển quặng sắt từ Úc, Brazil và than cốc từ Indonesia về Việt Nam và về Trung Quốc là gần như tương đương. Quặng sắt và than cốc chiếm lần lượt 27% và 37% chi phí sản xuất của lò cao.
Tuy nhiên, Việt Nam có lợi thế lớn đến từ giá cho thuê khu công nghiệp cùng chi phí nhân công rẻ. Đặc biệt, Việt Nam chưa áp dụng các chính sách về môi trường như Trung Quốc (chênh lệch 30 USD/tấn, tương đương 6 - 8% giá thép hiện tại).
2 - Hòa Phát sở hữu hệ thống phân phối lớn trên thị trường nội địa. Trong nước, Hòa Phát đang chiếm khoảng 35 - 40% thị phần thép xây dựng, khoảng 50% đối với thép HRC. Lợi thế về hệ thống đại lý lớn giúp Tập đoàn dễ dàng đẩy sản lượng hơn so với các đối thủ trong nước.
Thị phần của Hòa Phát so với các doanh nghiệp thép nội địa |
3 - Kỳ vọng Bộ Công Thương sẽ thông qua áp thuế chống bán phá giá (CBPG) đối với thép HRC từ Trung Quốc trong quý II/2025. Trước đó, ngày 26/7/2024, Bộ Công Thương đã quyết định điều tra áp dụng biện pháp CBPG đối với thép HRC có xuất xứ từ Ấn Độ và Trung Quốc. Thời kỳ điều tra từ 1/7/2023 - 30/6/2024. Biên độ chống bán phá giá đề nghị là Ấn Độ ở mức 22,27% và Trung Quốc ở mức 27,83%.
BSC cho rằng có cơ sở để Bộ Công Thương đưa ra áp thuế CBPG đối với thép HRC từ Trung Quốc. Theo số liệu thu thập được, sản lượng thép HRC nhập khẩu từ Trung Quốc ước tính 8 - 9 triệu tấn trong thời gian bị điều tra, gấp lần lượt 3,4 lần và 2,6 lần của năm 2021 và 2022. Các bên liên quan đã gửi lại trả lời câu hỏi cho Bộ Công Thương trong tháng 10. BSC kỳ vọng thời gian sớm nhất để có kết luận sơ bộ và áp thuế CBPG tạm thời là quý II/2025.
Nguồn: BSC Research |
Theo BSC, bản chất thép HRC của Việt Nam vẫn đang thiếu cung, việc thông qua áp thuế CBPG thép HRC từ Trung Quốc sẽ tạo điều kiện cho Hòa Phát lấy thêm được thị phần. Ước tính, nhu cầu tiêu thụ thép HRC của Việt Nam vào khoảng 12 - 13 triệu tấn/năm, cao hơn 33% so với tổng công suất hiện tại của Hòa Phát và Formosa (9 triệu tấn/năm). Thị trường Việt Nam đang thiếu 3 – 4 triệu tấn/năm. Do đó, trong trường hợp áp thuế CBPG thép HRC từ Trung Quốc và Ấn Độ thông qua, Hòa Phát sẽ chiếm được thị phần từ HRC nhập khẩu của Trung Quốc.
Tuy nhiên, lợi nhuận của nhà máy Dung Quất 2 sẽ phụ thuộc vào diễn biến giá thép và giá nguyên vật liệu đầu vào. Hiện tại, tỷ lệ chi phí biến đổi/doanh thu của các nhà máy Hòa Phát dao động ở mức 81,5%. Trong trường hợp diễn biến giá thép tương tự nửa đầu năm 2024, BSC ước tính biên lợi nhuận gộp của Dung Quất 2 ở mức 10 - 12%.
Chứng khoán Funan ước tính, "quả đấm thép" này sẽ mang về 80.000 - 100.000 tỷ đồng doanh thu mỗi năm. Con số này gần bằng doanh thu cả năm 2023 của Hòa Phát là gần 119.000 tỷ đồng. Thời kỳ đỉnh cao nhất vào năm 2021, Hòa Phát đạt doanh thu gần 150.000 tỷ đồng khi giá thép tăng nóng.
Về kênh tiêu thụ, bên cạnh các kênh truyền thống, hiện tại doanh nghiệp của tỷ phú Trần Đình Long đang nhắm đến thực hiện dự án đường sắt cao tốc Bắc - Nam tổng vốn đầu tư 67 tỷ USD. Ông Long khẳng định, Tập đoàn hoàn toàn có thể đáp ứng yêu cầu làm thanh ray cho dự án.
>> Hòa Phát (HPG) sẽ vận hành chính thức dự án Dung Quất 2 tổng vốn 85.000 tỷ đồng vào tháng 12/2024